Đại dịch Covid-19 quay trở lại: EU lúng túng

Ngoại trưởng Áo (Alexander Schallenberg) và Bỉ (Sophie Wilmes) đã xác nhận nhiễm Covid-19 và 'có thể đã lây bệnh tại cuộc họp với những người đồng cấp Liên minh châu Âu (EU) hồi đầu tuần'.

Quán cà phê hè phố ở Paris (Pháp) đông đúc trở lại khiến mối lo lây nhiễm Covid-19 gia tăng. Ảnh: AFP.

Quán cà phê hè phố ở Paris (Pháp) đông đúc trở lại khiến mối lo lây nhiễm Covid-19 gia tăng. Ảnh: AFP.

Từ một hội nghị của Hội đồng Đối ngoại EU đã có nguy cơ trở thành “sự kiện siêu lây nhiễm”- truyền thông châu Âu đưa tin khi trong ngày 18/10. Ngoại trưởng Áo (Alexander Schallenberg) và Bỉ (Sophie Wilmes) đã xác nhận nhiễm Covid-19 và “có thể đã lây bệnh tại cuộc họp với những người đồng cấp Liên minh châu Âu (EU) hồi đầu tuần”. Trước đó, ngày 15/10, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cũng có kết quả dương tính, được cho là trong một chuyến đi tới Algeria.

Ngoại trưởng Áo và người đồng cấp Bỉ đã ngồi cạnh nhau trong một bữa sáng tại một cuộc họp của Hội đồng các vấn đề đối ngoại EU ở Luxembourg, trước đó 6 ngày - một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Áo cho hay. Cuộc họp có sự tham dự của nhiều quan chức đối ngoại EU, trong đó có người đứng đầu chính sách đối ngoại EU Josep Borrell, cùng các Ngoại trưởng Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Bulgaria, Czech, Hungary, Đan Mạch...

“Ông Schallenberg có thể đã nhiễm virus tại Hội đồng Đối ngoại hôm 12/10”- thông tin từ Bộ Ngoại giao Áo, đồng thời cho biết ông Schallenberg không có triệu chứng và bị phát hiện mắc bệnh sau cuộc xét nghiệm thường xuyên.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Bỉ là bà Wilmes, cũng xác nhận bà đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, một ngày sau khi tự cách ly do có biểu hiện các triệu chứng khả nghi của bệnh. “Sự nhiễm bệnh có thể đã xảy ra trong nội bộ gia đình tôi do các biện pháp đề phòng đều được thực hiện bên ngoài” - bà Wilmes cho biết, nhưng cũng không rõ bản thân bà nhiễm virus từ khi nào.

Căng thẳng gia tăng

Vào trung tuần tháng 3, châu Âu hoảng hốt trước sự bùng phát dữ dội của Covid-19. Lúc bấy giờ, các quốc gia như Italy, Tây Ban Nha, Pháp… buộc phải áp dụng những biện pháp giãn cách nghiêm ngặt, và người ta đã bắt buộc mọi người phải đeo khẩu trang khi ra đường.

Bệnh viện chật cứng bệnh nhân. Con số người chết được chính quyền thông báo mỗi ngày khiến người ta kinh hãi. Trung tâm dưỡng lão đã trở thành “địa ngục” theo nghĩa đen, khi số người cao tuổi mắc Covid-19 chết rất nhanh.

Nhưng rồi tình hình lắng xuống, hầu hết các quốc gia EU nới lỏng giãn cách cũng như không áp dụng bắt buộc các biện pháp phòng chống Covid-19.

Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 10 tới nay, gần 3 tuần EU lại chìm trong bão dịch. Lo ngại nguy cơ quá tải của bệnh viện, một số nước như Pháp, Đức, Hà Lan đã vội vã đưa ra những biện pháp gắt gao nhằm tránh làn sóng dịch thứ hai trong khi mùa đông đã tới gần.

Ở trung tâm Thủ đô Roma (Italy).

Tại Pháp, hiện có tới hơn 7.000 người nhiễm SARS-CoV-2 đang được điều trị trong bệnh viện. Mỗi tuần lại có thêm 300 ca bệnh nhân nặng. Cơ quan Y tế Công cộng Pháp lo ngại về sự gia tăng của các ổ dịch tại trường học, với 285 trong tổng số 899 ổ dịch trên toàn quốc đang được điều tra dịch tễ kể từ đầu tháng 5. Riêng với Thủ đô Paris, tỷ lệ nhiễm bệnh đã lên tới 259,6 ca dương tính/100 nghìn dân.

Mới đây nhất, Thị trưởng Paris đã phải tuyên bố lệnh cách ly kể từ 21 giờ đêm mỗi ngày cho tới sáng. 9 thành phố lớn của Pháp cũng áp dụng biện pháp này. Riêng vùng đô thị Aix-Marseille ở phía Nam đã được đặt trong tình trạng theo dõi nghiêm ngặt. Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Jean Castex cho biết tình hình tại Pháp ngày càng xấu đi.

Còn tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel đã thông báo một số biện pháp mới để tránh nguy cơ dịch bùng phát. Theo đó, bất kỳ khu vực nào ghi nhận 35 ca nhiễm/100 nghìn dân sẽ áp dụng quy định cấm tụ tập quá 50 người ở nơi công cộng và giảm xuống còn 25 người nếu tỷ lệ lên tới 50 ca nhiễm/100 nghìn dân. Chính phủ và chính quyền các bang ở Đức cũng yêu cầu người dân ở những khu vực có sự lây lan phải hạn chế tụ tập quá 10 người ở nhà.

Tương tự, Chính phủ Hà Lan đã quy định các quán cà phê và nhà hàng phải đóng cửa từ 22 giờ, khuyến khích làm việc từ xa. Nơi làm việc nào có người nhiễm phải đóng cửa trong vòng 14 ngày. Các gia đình không được tiếp đón quá 3 người từ 13 tuổi trở lên. Các cuộc tụ tập ngoài trời bị giới hạn ở mức tối đa 40 người và không quá 30 người ở các không gian kín.

Tại Italy, bắt buộc đeo khẩu trang tại các nơi công cộng từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng, lệnh đóng cửa các vũ trường đã được áp dụng trở lại.

Đi tìm nguyên nhân

Nhiều người lo ngại đợt bùng phát thứ hai của dịch Covid-19 sẽ “tàn khốc hơn khi nó có khả năng nhấn chìm châu Âu”.

Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất được cho là đại dịch đang trở lại là do châu Âu đã vào tiết cuối thu chuẩn bị sang đông, đây là điều kiện khí hậu thuận lợi cho virus phát triển. Vì thế, không chỉ ngán ngại SARS-CoV-2 mà người ta còn lo sợ bởi virus cúm mùa, mà con số tử vong do nó mang lại cũng không hề nhỏ.

Một lý do khác khiến EU khó khăn trong chống dịch Covid-19 chính là trong khối không có quy định chung về truy vết. Khi người ta đã qua biên giới nước khác thì lập tức mất dấu, cũng có nghĩa là không thể truy vết. Hiện EU đã lên kế hoạch tiêm chủng quy mô cho 450 triệu dân của cả 27 quốc gia, nhưng nói như giới chuyên môn thì vaccine không phải là giải pháp tuyệt đối, càng không phải là thuốc tiên. Trong khi đó, theo hai hãng dược lớn nhất (của Thụy Điển và Đức) thì nhanh nhất cũng phải tới đầu năm 2021 mới có vaccine Covid-19.

Nicolas Raoul, một công dân Paris, chán nản cho biết hiện người dân cũng chỉ biết đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên “và cứ thế mà sống”.

Trong đợt thứ hai của đại dịch Covid-19 ở EU, số người mắc tăng lên nhưng số người tử vong giảm. Tuy nhiên, thay vì tấn công người già thì nay nó lại quay sang nhắm tới người trẻ tuổi.

Theo trang thống kê worldometers.info, đến ngày 18/10, thế giới có tổng cộng 39.945.224 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và 1.114.578 ca tử vong. Số ca bình phục là 29.884.463 ca. Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với hơn 8.3 triệu ca mắc, trong đó 224.282 người đã tử vong. Theo tờ New York Times, tính riêng tuần qua, Mỹ đã ghi nhận trung bình 54.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày, tăng 25% so với hai tuần trước.

Xếp sau Mỹ là Ấn Độ với gần 7,5 triệu ca mắc và 114.064 ca tử vong. Thứ ba là Brazil với hơn 5,2 triệu ca mắc và 153.690 ca tử vong (tính tới ngày 18/10).

Thế Tuấn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dai-dich-covid-19-quay-tro-lai-eu-lung-tung-520875.html