Đại dịch COVID-19 khiến nông dân Campuchia đổ xô đi bắt chuột bán sang Việt Nam

Kinh tế Campuchia khó khăn do ảnh hưởng từ COVID-19. Ngày càng nhiều người Campuchia coi bắt chuột bán sang Việt Nam là một công việc toàn thời gian.

Ở Takéo, một tỉnh nông thôn ở miền nam Campuchia, bẫy chuột nhiều nhan nhản trên những nơi được cho lắm loài gặm nhấm này. Người nông dân ở đây bắt chuột phục vụ hai mục đích. Thứ nhất, nếu không bắt, chuột sẽ tàn phá mùa màng. Và động lực thứ hai là người dân cũng có thể bán chuột để kiếm tiền nhỏ từ nước láng giềng Việt Nam. Ở Việt Nam, chuột đồng là một món ngon.

Ông Pen Keo chăm chỉ bắt chuột.

Ông Pen Keo chăm chỉ bắt chuột.

Ngày càng nhiều người Campuchia coi bắt chuột là một công việc toàn thời gian. Đại dịch COVID-19 đã làm tổn thương nền kinh tế mà nạn nhân đầu tiên là người dân. Tỷ lệ thất nghiệp đang gia tăng. Ngân hàng Phát triển châu Á cho hay Campuchia, với 9 triệu người trong độ tuổi lao động, đã mất khoảng 500.000 việc làm vào năm 2020. Nhiều người làm việc ở thành phố đã phải về quê, nhưng việc làm ở quê cũng khan hiếm.

Từ tháng 1 đến tháng 4, thu nhập của nông dân đã giảm 1/3, theo một tổ chức nghiên cứu và tư vấn Angkor và Diễn đàn Tương lai. Ông Pen Keo, một nông dân chuyên bắt chuột cho biết ông không còn kiếm đủ tiền từ việc cày cấy vì giá lúa quá rẻ. Giống như nhiều người Campuchia chăm chỉ khác, ông đã buông cày để đi đặt bẫy chuột.

Tuy nhiên, việc bắt chuột hiện giờ cũng không còn mang lại nhiều lợi nhuận như trước nữa. Vào một ngày đẹp trời, ông Pen Keo bắt được 15kg, tức khoảng 130 chú chuột. Trước kia, ông có thể bán được giá 6.000 riel (1,48 USD) cho mỗi kg chuột thì giờ đây, giá tụt xuống chỉ còn khoảng 4.000 riel (1 USD) cho mỗi kg chuột. Sự sụt giá vẫn đang tiếp tục với các dấu hiệu từ chuỗi cung ứng. Ton, một đầu nậu kinh doanh chuột ở huyện Bourei Cholsar hiện chỉ kiếm được 50.000 riel mỗi ngày, bằng một nửa so với trước đây.

Ông Pen phàn nàn về sự cạnh tranh quá nhiều. Kể từ tháng 4, số người tham gia đội quân bắt chuột trong làng ông đã tăng gấp đôi, từ 50 lên 100 người trong khi cả làng chỉ có 500 người. Tính ở huyện Bourei Cholsar, người ta tính rằng một phần ba lao động địa phương hiện đang kiếm sống bằng việc đặt bẫy chuột.

Vì sao giá chuột xuống. Ngay khi nguồn cung chuột ở Campuchia tăng vọt, nhu cầu từ Việt Nam lại giảm xuống. Việc biên giới đóng cửa từ tháng 3, khiến việc đưa chuột vào thị trường Việt Nam trở nên khó khăn hơn. Những kẻ buôn chuột phải trả thêm tiền để buôn lậu chuột qua sông, hành động đối diện nguy cơ bị phạt và bỏ tù.

Một người Campuchia khác, Chhoeun Kha, nghi ngờ đại dịch đã khiến người Việt Nam không mặn mà với việc ăn thịt chuột, vì sợ chúng ẩn chứa dịch bệnh. Đó không phải là một mối quan tâm vô lý. Một nghiên cứu được thực hiện cách đây vài năm ở miền nam Việt Nam cho thấy 56% số chuột đồng phục vụ trong nhà hàng có kết quả dương tính với một nhóm coronavirus (ND: không phải chủng gây ra COVID-19).

Ông Chhoeun Kha chắc hẳn sẽ rung động trước khung cảnh tại quán Chuot Dong (“Chuột Đồng”) vốn dành cho tầng lớp lao động ở ngoại ô TP.HCM. Nơi đây buôn bán chuột đồng rầm rộ, chuột được làm thịt ngay tại chỗ, ướp tỏi, ớt, sả và nước mắm, sau đó chiên hoặc nướng. Giao và các đồng nghiệp của anh thường ăn ở đó hai hoặc ba lần một tuần. Đối với anh, việc ăn thịt chuột đồng cũng bình thường như húp một tô mì.

Xuân, đồng nghiệp của Giao nói: “Bất cứ khi nào tôi nhìn thấy một con chuột béo ngậy trên vỉ nướng, tôi không thể cầm được nước miếng”. Nhưng họ có bao giờ lo lắng rằng loài gặm nhấm sẽ làm họ bị bệnh không? Ông Giao nói: “Chuột cống và chuột nhà ăn tất cả mọi thứ trong thành phố, chúng là thứ độc hại". Nhưng chuột đồng? Ông nhấn mạnh rằng chúng hoàn toàn an toàn.

Anh Tú

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/dai-dich-covid-19-khien-nong-dan-campuchia-do-xo-di-bat-chuot-ban-sang-viet-nam-27177.html