Đại dịch Covid-19 khiến bóng đá Tây Ban Nha thay đổi chóng mặt trong 7 ngày

Bóng đá Tây Ban Nha thay đổi chóng mặt chỉ trong một tuần do ảnh hưởng tiêu cực của virus corona.

Cách đây một tuần, gần 8 vạn khán giả vẫn đến sân Camp Nou như thói quen, chứng kiến Barcelona đánh bại Real Sociedad 1-0. Nhịp sống bóng đá Tây Ban Nha không thay đổi, đến khi đại dịch Covid-19 ập xuống. Tây Ban Nha bị đặt trong tình trạng khẩn cấp, LaLiga hoãn hết tháng 3.

Từ chỗ thưởng thức bóng đá, người dân ở xứ bò tót giờ phải căng mình chiến đấu với bệnh dịch. Cây bút Ben Hayward đã trải nghiệm trọn vẹn biến chuyển chưa từng có của bóng đá Tây Ban Nha trong 7 ngày.

VTC News xin lược dịch hành trình của ký giả tờ Standard (Anh) để độc giả hiểu hơn về ảnh hưởng tiêu cực của virus corona đến đời sống bóng đá Tây Ban Nha nói riêng cũng như châu Âu nói chung.

Bóng đá Tây Ban Nha hoang mang vì Covid-19.

Bóng đá Tây Ban Nha hoang mang vì Covid-19.

Ngày 7/3, Barca chạm trán Sociedad

Tôi đi từ Madrid tới Barcelona bằng tàu, gặp gỡ 3 ký giả khác trước trận đấu giữa Barca và Sociedad. Với nỗi sợ virus corona hiển hiện trong đầu, một trong số họ từ chối bắt tay. Thời điểm đó, nỗi sợ ấy có vẻ lạ lùng, nhưng nó sẽ sớm trở nên phổ biến thôi.

Sân Camp Nou chứng kiến 77.035 khán giả tới sân (đông như thường lệ). Điều khác biệt duy nhất tôi thấy là ở nhà vệ sinh giữa hai hiệp. Thay vì xếp hàng chờ sử dụng bồn cầu, đám đông lại đứng chờ, kiên nhẫn đợi đến lượt trước bồn rửa tay. Họ rửa rất kỹ, được khuyến cáo nên rửa trong 20 giây hoặc hơn.

Chuyện này có vẻ bình thường với bất kỳ ai, nhưng lại là điều tôi chưa từng thấy dù đã theo dõi hàng trăm trận đấu trên khắp châu Âu.

Sân Camp Nou vẫn đông khán giả.

Ngày 8/3, Real Betis 2-1 Real Madrid

Ở Seville (thủ phủ của CLB Betis), mọi thứ có vẻ dễ thở hơn Barcelona. Quầy bar, quán cafe, nhà hàng chật kín CĐV Betis. Họ thoải mái tiếp xúc, ôm nhau để ăn mừng chiến thắng đầu tiên của đội nhà từ tháng 1.

Trên toàn lãnh thổ Tây Ban Nha, hơn 1 triệu phụ nữ và đàn ông tràn ra đường trong ngày Quốc tế Phụ nữ để biểu tình, chống bất bình đẳng giới. Cuộc biểu tình ở Madrid thu hút 350.000 người tham gia. Con số ở Barcelona là 200.000 người. Lúc này, Chính phủ Tây Ban Nha vẫn chưa đưa ra lời cảnh báo hạn chế tụ tập đông người.

CĐV Betis chứng kiến đội nhà hạ Real Madrid.

Ngày 9/3

Khách du lịch cùng người dân địa phương vẫn tắm nắng như mọi khi. Khách sạn tại Seville bận rộn phục vụ bữa sáng. "Mọi người ở đây đều rất bình thản", một bồi bàn nữ trả lời khi được hỏi về mối đe dọa từ virus corona. Nỗi sợ hãi Covid-19 không phải vấn đề. Ở Seville, CĐV vẫn thảo luận sôi nổi về trận derby xứ Andalucia giữa Sevilla và Betis.

Nhưng buổi tối cùng ngày, Sevilla nhận tin phải đá trận gặp AS Roma tại Europa League trên sân không khán giả. Đây mới là khởi đầu (cho chuỗi ngày u ám)...

Ngày 10/3

Trở lại Madrid, tôi nhận tin LaLiga sẽ tổ chức 2 vòng kế tiếp trên sân không khán giả để tránh lây lan virus corona. Buổi tối cùng ngày, Valencia gặp Atalanta ở Champions League khi CĐV đã nhận ra mối đe dọa từ Italy - lúc này trở thành "ổ dịch" tại châu Âu với số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh.

Hàng nghìn CĐV vẫn tụ tập ngoài sân bóng để chào đón xe bus của đội nhà, nhưng không khí đã có phần kỳ lạ hơn.

Buổi tối cùng ngày, Atletico Madrid phát đi thông báo yêu cầu CĐV tuân thủ các chỉ dẫn sức khỏe của chính phủ về rủi ro tụ tập đông người, đồng thời khuyến cáo khán giả nhà không tới Anh để theo dõi trận lượt về vòng 1/8 Champions League. Nhưng trước khi thông báo được phát đi, đã có rất nhiều CĐV tới Anh rồi...

3.000 CĐV Atletico có mặt để chứng kiến trận đấu ở Anfield.

Ngày 11/3

Các trận đấu tại Segunda B và Tercera (giải hạng ba, hạng tư Tây Ban Nha) bị hoãn. Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha cũng xác nhận trận chung kết cúp Nhà vua Tây Ban Nha (dự kiến tổ chức ngày 18/4), phải lùi lịch.

Trong khi đó, khoảng 3.000 CĐV Atletico đang có mặt tại Liverpool. Một số ở lại Madrid, nhất là với những người có biểu hiện ốm, mẫn cảm với bệnh tật. Một số người đến từ nhiều vùng khác nhau tại Tây Ban Nha.

Hàng trăm người đã đi trên những chuyến bay, đặt phòng khách sạn. Không ai muốn bỏ lỡ trận đấu này. Tại trung tâm thành phố, nhiều CĐV tụ tập hát hò. Rất nhiều người chỉ trích những CĐV này vô trách nhiệm với cộng đồng.

Tại Liverpool, mọi thứ vẫn bình thường. 52.267 CĐV có mặt chứng kiến Atletico ngược dòng ngoạn mục ở hiệp phụ. Nhiều phóng viên, nhà báo cũng có mặt tại sân, nhưng không có cái bắt tay nào.

Ở phòng họp báo sau trận, một ký giả ngỏ ý muốn ăn những chiếc sandwich còn thừa sau giờ nghỉ giữa hiệp. "Ông có thể ăn, nhưng mấy cái bánh đã bị để lại đây rất lâu rồi đấy", một người phụ nữ lên tiếng. "Vậy à, nhưng đằng nào chúng ta chẳng chết", ký giả nói trên cười lớn.

Ngày 12/3

Tôi trả phòng, nhận ra trận đấu ở Anfield tối qua có thể là trận cuối mình được dự khán trong khoảng thời gian dài nữa. Không lâu sau đó, Real Madrid công bố một thành viên trong đội bóng rổ nhiễm virus corona. Cả đội bóng rổ và bóng đá, vốn dùng chung cơ sở vật chất tại trung tâm huấn luyện Valdebebas, phải tự cách ly. LaLiga hoãn 2 vòng tiếp theo.

Tôi định ở lại Anh để tác nghiệp trận Manchester City gặp Real Madrid, và nhận ra trận đấu này không có cơ hội diễn ra như dự tính.

Người dân Tây Ban Nha "vơ vét" đồ ở siêu thị.

Không còn trận nào để xem, tôi nghĩ đây là lúc thích hợp để thăm gia đình. Nhưng nếu tôi mang virus trong người và vẫn chưa phát bệnh thì sao? Tôi không muốn gặp rủi ro, nên quyết định về Madrid. Tôi bay cùng chuyến với nhiều CĐV Atletico. Trên chuyến bay, một hành khách cần tới sự chăm sóc y tế

Lúc này, đại dịch toàn cầu đã bùng phát. Một số người ném vào hành khách này cái nhìn ái ngại. Khi chúng tôi hạ cánh, người đàn ông này được chăm sóc. Nhiều hành khách khác rút máy điện thoại ra chụp ảnh, quay video. Nữ tiếp viên hàng không yêu cầu họ dừng ghi hình, bởi hành khách kia không nhiễm virus corona. Hành động của nhóm người đang quay video thật khó tha thứ.

Ngày 13/3

Barca ngừng các buổi tập, các CLB khác tại LaLiga cũng làm theo. UEFA tuyên bố hoãn Champions League. Tại Madrid, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, yêu cầu người dân ở nhà. Trưa thứ Sáu, 4.209 ca nhiễm Covid-19 được phát hiện ở Tây Ban Nha, 120 người chết.

Các chiến dịch truyền thông đều khuyến khích người dân ở nhà. Trên mạng xã hội, HLV Diego Simeone của Atletico thuyết phục mọi người tuân theo chỉ dẫn y tế, tự bảo vệ sức khỏe. Tôi cũng chuẩn bị tinh thần cho 2 tuần tự cách ly.

Ngày 14/3

Các quán bar, nhà hàng tại Madrid đều đóng cửa. Chỉ có hiệu thuốc, siêu thị và vài cửa hiệu bán thuốc lá vẫn hoạt động. Quá trình cách ly bắt đầu. Các đường phố được tẩy trùng, không gian xung quanh im lặng.

Và từ lúc này, bóng đá không phải chủ đề được nói đến nhiều nhất tại Tây Ban Nha nữa.

Hồng Nam (Nguồn: Standard)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/bong-da-tay-ban-nha/dai-dich-covid-19-khien-bong-da-tay-ban-nha-thay-doi-chong-mat-trong-7-ngay-ar533425.html