Đại dịch Covid-19: Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số

Kinh tế thế giới chứng kiến nhiều biến động sau khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu. Tuy nhiên, đây thực sự là cơ hội để các quốc gia, trong đó có Việt Nam nhận ra tính ưu việt của kinh tế số, chuyển đổi số.

Theo thông tin tại tọa đàm “Kinh tế nền tảng trong chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam” do UPGen phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức, từ trước đại dịch, Tập đoàn International Data Coperation đã dự báo, đến năm 2022, giá trị chuyển đổi số trên thế giới ước đạt 2.000 tỷ USD và tăng trưởng cao gấp 4 lần so với mức tăng trưởng trung bình của thị trường dịch vụ công nghệ thông tin. Sau đại dịch, mọi việc có thể còn tiến nhanh hơn nữa.

Báo cáo về kinh tế số tại Đông Nam Á của Google, Tamesek và Bain & Company cho thấy, kinh tế số của Việt Nam sẽ tăng trưởng như “rồng được tháo xích”, với giá trị nền kinh tế số ước đạt 43 tỷ USD vào năm 2025. Đại dịch Covid-19 sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi số nhanh hơn nữa. Trong kinh tế số, “kinh tế nền tảng số” đóng vai trò quan trọng. Tại Việt Nam, khái niệm này liên tục được nhấn mạnh trong “Chiến lược chuyển đổi số quốc gia” công bố năm 2019.

Tại tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Ái Việt - nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Hà Nội) - chia sẻ, chuyển đổi số là cơ hội của Việt Nam. Chuyển đổi số là phương thức sản xuất mới, dựa trên nền tảng khoa học kỹ thuật, giúp cho đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. 5 yếu tố của chuyển đổi số bao gồm: Tạo con người số trong xã hội số, phương thức hoạt động trên môi trường số, chính phủ hoạt động minh bạch theo phong cách số, hạ tầng số và kinh tế số.

Tuy nhiên, PGS.TS. Nguyễn Ái Việt lưu ý, trong việc xây dựng các nền tảng số, không nên xây dựng các mạng xã hội rộng như Facebook, Youtube,… sẽ khó cạnh tranh với các nền tảng đã có sẵn, mà cần tập trung vào những mạng xã hội chuyên dụng như Webtretho, Otofun… Ngược lại, đối với các sàn thương mại điện tử cần phải xây dựng đa dạng mới có thể thu hút được người sử dụng.

Ông Nguyễn Xuân Trường - nguyên Giám đốc Dịch vụ chuyển tiền MoMo, đồng Sáng lập AhaMove – đúc kết: Thành công của Ahamove đó là gia nhập thị trường vào đúng thời điểm. Vào thời điểm đó, bán hàng online trên mạng xã hội Facebook đang rất phát triển, đã hình thành tâm lý sẵn sàng của xã hội và nhu cầu vận chuyển hàng lớn. Đối với trường hợp của Momo, ứng dụng này giúp các giao dịch trở nên dễ dàng, tạo thuận lợi cho các bên và thỏa mãn được nhu cầu của thị trường.

TS. Nguyễn Đức Thành - nguyên Viện trưởng VEPR – cho biết, đối với mô hình số, khoa học - công nghệ cho phép số hóa mọi hoạt động, có khả năng tìm kiếm thông tin và kết nối rất nhanh. Điều này làm giảm chi phí giao dịch, qua đó giải quyết được bài toán hiệu quả rất lớn và có tính cách mạng. Do đó, nước nào hiểu rõ được vai trò của không gian số và chuyển đổi số thành công thì có thể thay đổi diện mạo. Chuyển đổi số không dễ nhưng cần phải làm để bắt kịp xu thế thế giới.

Chuyển đổi số là phương thức sản xuất mới dựa trên nền tảng khoa học kỹ thuật, giúp cho đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dai-dich-covid-19-day-nhanh-qua-trinh-chuyen-doi-so-137866.html