Đại dịch bôi bác trực tuyến: Các trường hợp cay đắng ở Mỹ

Bôi bác trực tuyến có thể không tàn bạo như cùm chân bêu riếu nơi công cộng ngày xưa, nhưng nó có thể tàn phá trên quy mô lớn: một mục tiêu đang 'hot' trên mạng xã hội Twitter mỗi giây có thể phải nhận hàng trăm thông điệp nhục mạ.

Vợ chồng luật sư Lawrence Garbuz-Adina Lewis kể về giai đoạn khủng hoảng liên quan COVID-19. Ảnh: NBC.

Vợ chồng luật sư Lawrence Garbuz-Adina Lewis kể về giai đoạn khủng hoảng liên quan COVID-19. Ảnh: NBC.

Có trường hợp các chiến dịch bôi bác kỹ thuật số đi xa hơn mức dự tính của người khởi xướng. Mùa xuân vừa qua, Christian, một người đàn ông New York (Mỹ) đi ngắm chim ở công viên Trung tâm (Central Park) và yêu cầu một phụ nữ xích con chó của cô ấy lại.

Khi người phụ nữ từ chối xích chó, Christian bắt đầu quay video và cô phản ứng bằng cách gọi cảnh sát và nói thẳng với họ rằng, “một người đàn ông Mỹ gốc Phi đang đe dọa” mình.

Người nhà của Christian đăng lên Twitter đoạn video mà anh này quay người phụ nữ từ chối xích chó trong công viên. “Cô ta cần được công luận chỉ trích, dạy cho một bài học”, một người dùng Twitter viết. Hàng triệu người xem clip và người phụ nữ trong clip, một nhà quản lý kinh doanh tên là Amy Cooper, bỗng được bàn tán, chỉ trích nhiều đến nỗi công ty đầu tư nơi cô làm việc quyết định sa thải cô.

Hành vi của Amy Cooper là kinh khủng, nhưng Christian dường như hơi sốc vì sự phản ứng dữ dội của công chúng dành cho cô ấy. “Tôi không bào chữa việc phân biệt chủng tộc (của Amy Cooper), nhưng tôi không biết liệu cuộc đời cô ấy có đáng bị xé nát như vậy hay không”, anh nói với Times.

Lawrence Garbuz là một luật sư về tài chính, 51 tuổi, sống ở hạt Westchester, làm việc tại một công ty ở thành phố New York (Mỹ) mà ông đồng sáng lập với vợ - bà Adina Lewis. Họ có 4 người con, gồm một là sinh viên Đại học Yeshiva và một là học sinh cấp ba ở quận Bronx.

Một ngày tháng 2/2020, Garbuz bị ho và sốt. Lúc đó, gần như tất cả người Mỹ mắc COVID-19 đều từng đi nước ngoài hoặc tiếp xúc gần với người từng ở nước ngoài. Thời gian đó, Garbuz không đi đâu. Ông ngồi trong văn phòng cả ngày, nên ông không lo bị lây nhiễm.

Tuy nhiên, Garbuz tiếp tục cảm thấy sức khỏe kém đi và sau khi bác sĩ khuyên đến viện khám, bạn ông lái xe đưa tới một bệnh viện ở khu Bronxville, hạt Westchester. Phim X-quang dường như cho thấy Garbuz chỉ bị viêm phổi thông thương, không cần phải áp dụng biện pháp đặc biệt để cách ly bệnh nhân khi ông nhập viện.

Garbuz là một thành viên tích cực của giáo đường Do Thái ở thành phố New Rochelle, hạt Westchester và theo truyền thống Do Thái là người ta thường xuyên đi thăm người ốm yếu, bệnh tật. Hàng chục người thân, bạn bè đến thăm ông.

Sau 4 ngày, Garbuz bị khó thở nên được đặt nội khí quản và lại được chuyển tới Bệnh viện Columbia-Presbyterian mà không có biện pháp phòng ngừa lây nhiễm. Tại bệnh viện, ngày 2/3, ông được chẩn đoán COVID-19 và được đặt trong tình trạng hôn mê y tế để có thể dùng máy thở mà không cảm thấy khó chịu.

Ba tuần sau, Garbuz qua cơn nguy kịch. Lúc đó, hơn 23.000 người ở bang New York đã mắc COVID-19.

Trước khi Garbuz nhập viện ở Bronxville, ông dự một đám tang và một nghi lễ trưởng thành của người Do Thái, tiếp xúc hàng trăm gia đình. Không may, Garbuz lây lan virus mạnh, lây cho vợ, 2 con, người bạn lái xe đưa mình tới bệnh viện và một y tá chăm sóc ông. Tất cả nhanh chóng có kết quả xét nghiệm dương tính với coronavirus. Cuối cùng, Garbuz là trung tâm của một ổ dịch 90 ca mắc.

Khi Garbuz được chẩn đoán COVID-19 và đưa tin là lúc Mỹ vẫn đang hy vọng tránh được đại dịch đã và đang càn quét Trung Quốc và Italy.

Ngày 3/3, Thị trưởng New York, ông Bill de Blasio, đăng trên Twitter tên hãng luật của ông Garbuz - Lewis & Garbuz - và đề cập nơi các con ông đi học.

Ý định của thị trưởng là cảnh báo bất kỳ ai có thể đã tiếp xúc với gia đình Garbuz, nhưng thực tế lại vi phạm quyền riêng tư của bệnh nhân. Một người dùng Twitter viết: “Ông có thể thực sự tiết lộ nhiều thông tin như vậy về một người nếu họ có kết quả xét nghiệm dương tính?”.

Sau bài đăng của Thị trưởng New York trên Twitter, trên trang Facebook của vợ ông Garbuz, bà Adina Lewis, nhận được nhiều lời cầu chúc ông sớm khỏi bệnh. Tuy nhiên, có những lời bình luận khiến họ đắng lòng. Một nam thanh niên mà gia đình Garbuz chưa từng gặp viết: “Tôi hy vọng việc làm ăn của ông bà không bao giờ hồi phục vì những gì chồng bà đã đem đến cho chúng tôi”.

Sự thù địch nhằm vào gia đình Garbuz còn vượt khỏi lĩnh vực kỹ thuật số. Một cửa hàng giặt là ở New Rochelle từ chối giặt quần áo cho gia đình Garbuz và trong hơn một tuần, thư báo không được đưa tới cho họ. Chỉ đến khi bà Adina Lewis khiếu nại với lãnh đạo chính quyền địa phương, dịch vụ mới được nối lại.

Dịp lễ Purim của người Do Thái, bà Lewis lên Facebook cầu chúc mọi người nghỉ lễ vui vẻ, kêu gọi mọi người bình tĩnh trong dịch bệnh. Bài đăng của bà thu hút hơn 400 bình luận, nhiều comment mang tính chỉ trích.

Một cư dân địa phương viết: “Ông ấy (Garbuz) không chỉ đến một bữa tiệc mà đến tận ba. Ông ấy tiếp tục đi trên tuyến metro phía bắc. Ông ấy ho. Đôi tay ông ấy đầy vi khuẩn. Ông ấy chạm vào ai là người đó bị bệnh… Thật là thiếu suy nghĩ và liều lĩnh”.

Một cư dân khác viết: “Ông ấy tiếp tục tới giáo đường, nơi vị giáo sĩ và các giáo đoàn khác có kết quả xét nghiệm dương tính và họ lại lây cho hàng trăm người khác. Giờ đây New York có hơn 20.000 ca mắc và 157 người chết trong thành phố này và người ta không thể trả tiền thuê nhà”.

Một thanh niên nói với bà Lewis rằng, anh hy vọng sự nghiệp của chồng bà không bao giờ hồi phục. “Ông ta đáng chết. Ông ta là tên cặn bã đã gây nguy hiểm cho hàng trăm nghìn người. Sau chuyện này, ông ta sẽ không bao giờ có thể sống ở New York được nữa và ông ta đáng bị như vậy”, thanh niên này viết trên Facebook.

Thái An (theo The New Yorker)

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/dai-dich-boi-bac-truc-tuyen-cac-truong-hop-cay-dang-o-my-1726958.tpo