Đại dịch bí ẩn khiến người Athens thua trận đau đớn

Người mắc bệnh này sẽ hắt hơi, ho, tiêu chảy, nôn mửa và đau thắt. Sau đó, da người bệnh trở nên xanh xám, nổi mụn, lở loét.

Theo sách "Lịch sử cuộc chiến Peloponnesian", đại dịch đầu tiên trong lịch sử xã hội loài người được các nhà sử học ghi chép xảy ra ở Hy Lạp vào khoảng năm 430 TCN. Chính đại dịch này đã làm thay đổi cấu trúc xã hội, phá hủy những thành tựu văn minh của người Hy Lạp lúc bấy giờ.

Theo sách "Lịch sử cuộc chiến Peloponnesian", đại dịch đầu tiên trong lịch sử xã hội loài người được các nhà sử học ghi chép xảy ra ở Hy Lạp vào khoảng năm 430 TCN. Chính đại dịch này đã làm thay đổi cấu trúc xã hội, phá hủy những thành tựu văn minh của người Hy Lạp lúc bấy giờ.

Theo BBC, dịch này bùng nổ ở thành bang Athens, tức thủ đô Athens của Hy Lạp ngày nay, nên còn được gọi là bệnh dịch thành Athens. Bệnh dịch này trở lại hai lần nữa vào năm 429 TCN và năm 427-426 TCN.

Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân gây ra đại dịch. Sử gia Hy Lạp Thucydides sống sót qua đại dịch, để lại những bản mô tả về các triệu chứng rằng: "Người đang khỏe mạnh bỗng cảm thấy choáng váng như bị đánh mạnh bởi luồng hơi nóng chạy từ đỉnh đầu, như có lửa cháy trong mắt, thân thể, cổ họng và lưỡi, thở ra một thứ mùi bất thường và hôi thối". Các nhà khoa học về sau xác định khoảng 30 tác nhân gây ra bệnh dịch, có thể là bệnh đậu mùa, sởi, sốt phát ban.

Theo sử gia Thucydides, người mắc bệnh sẽ hắt hơi, ho, tiêu chảy, nôn mửa và đau thắt. Sau đó, da người bệnh trở nên xanh xám, nổi mụn, lở loét, rồi khát cháy cổ họng. Hầu hết bệnh nhân chết vào khoảng ngày thứ bảy hoặc tám của cơn bệnh. Một số ít còn sống sót, nhưng bệnh tật để lại di chứng trên cơ thể họ - ngón tay, chân, cơ quan sinh dục biến mất, mắt mù. Một số người khác mất hoàn toàn trí nhớ, không biết mình là ai, cũng không nhận ra bạn bè.

Theo ghi chép của Thucydides, căn bệnh này xuất phát từ Ethiopia, lan sang Ai Cập và Libya rồi tới vùng đất của Hy Lạp. Trong vòng 4 năm, nó làm 1/3 dân số và quân đội Athens tử vong, trong đó có nhà lãnh đạo của đô thị cổ này.

Căn bệnh xuất hiện trong chiến tranh Peloponnisos (431-404 TCN). Đây là cuộc chiến giữa các thành bang Hy Lạp cổ đại. Người Athens ban đầu chiếm ưu thế, sau khi bị bệnh dịch tấn công khiến quân đội và dân chúng suy giảm. Cuối cùng, liên minh Peloponnisos được lãnh đạo bởi thành bang Sparta, đã đánh bại liên minh Delos do Athens dẫn đầu.

Theo Zing

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/dai-dich-bi-an-khien-nguoi-athens-thua-tran-dau-don-1450532.html