Đại dịch ảnh hưởng hoạt động quân sự toàn cầu

Chưa bao giờ trong lịch sử thế giới, các hoạt động quân sự lại bị ảnh hưởng lớn như thời kỳ toàn cầu chống chọi với đại dịch COVID-19 như hiện nay. Đối với nhiều quốc gia, quân đội là công cụ đắc lực trong việc đảm bảo an ninh quốc gia và đối phó với các cuộc khủng hoảng trên diện rộng.

Do đặc thù công việc là thực thi các chính sách an ninh trong và ngoài nước cũng như trực tiếp hỗ trợ các hoạt động nhân đạo nên lực lượng quân sự chính là một trong những đối tượng dễ bị nhiễm dịch COVID-19.

Bí mật sức khỏe của quân nhân

Lần đầu tiên sau rất nhiều năm, Mỹ đã phải tuyên bố tạm dừng các hoạt động quân sự ở nước ngoài. Ngày 25-3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper công bố chỉ thị yêu cầu tạm dừng mọi hoạt động của các lực lượng Mỹ ở nước ngoài trong thời gian lên tới 60 ngày để ngăn ngừa sự lây lan của SARS-CoV-2 trong quân đội Mỹ.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với hãng tin Reuters, người đứng đầu Lầu Năm Góc cho biết chỉ thị này được áp dụng cho tất cả các lực lượng Mỹ, công nhân viên quốc phòng và gia đình của họ. Hãng tin CNN cho hay chỉ thị mới sẽ tác động tới khoảng 90.000 quân nhân Mỹ, bao gồm cả lực lượng trở về nước và lực lượng được triển khai ra nước ngoài. Tuy nhiên, việc rút các lực lượng Mỹ khỏi Afghanistan vẫn được tiến hành theo kế hoạch.

Quân đội Italy tích cực tham gia chống dịch COVID-19. Ảnh: RAI.

Quân đội Italy tích cực tham gia chống dịch COVID-19. Ảnh: RAI.

Lầu Năm Góc cũng tuyên bố nâng cấp an ninh về y tế tại các căn cứ trên toàn thế giới trước tình trạng lây lan của SARS-CoV-2 sau khi đã ghi nhận hàng trăm ca nhiễm trong lực lượng quân đội. Tuy nhiên, mệnh lệnh ban bố ra có vẻ đã quá muộn. Chỉ sau 5 ngày, thông tin báo chí Mỹ cho biết, đã có quân nhân Mỹ đầu tiên thiệt mạng vì COVID-19.

Theo Kênh CNN, một thành viên của lực lượng vệ binh quốc gia ở New Jersey đã qua đời vì hôm 30-3 do COVID-19. Thông tin của CNN trích lời Tướng Joseph Lengyel, Tham mưu trưởng Cục Vệ binh quốc gia Mỹ cho biết, nạn nhân là đại úy Linn Hickok. Nguồn tin này cho biết thêm, đại úy Hickok đã nhập viện sau khi nhận kết quả dương tính với COVID-19 từ ngày 21-3 và qua đời vào ngày 28-3.

Trước khi tướng Lengyel chính thức công bố danh tính của quân nhân trên, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper cũng đã có cuộc họp báo công bố về ca tử vong đầu tiên này của quân đội Mỹ.

Hàng trăm ca nhiễm COVID-19 trong quân đội Mỹ cho thấy, dịch bệnh nguy hiểm này không chừa một đối tượng nào và rõ ràng nó đã trở thành mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ, cũng như gửi lời cảnh tỉnh tới quân đội nhiều quốc gia khác.

Trong lúc đại dịch COVID-19 đang lan rộng, các nước trên thế giới không chỉ đối phó với vấn đề sức khỏe cộng đồng và suy thoái kinh tế mà còn phải đối mặt với những vấn đề liên quan đến lực lượng quân sự của mình. Các biện pháp cách ly hiện đang được áp dụng đã và đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các hoạt động quân sự. Có thể thấy quân đội ở các nước như Mỹ bị điều động ra chiến tuyến chống dịch COVID-19 ngày càng nhiều.

Hậu quả đương nhiên là lực lượng này sẽ bộc lộ nhiều hạn chế khi phải đối mặt với các mối đe dọa từ bên ngoài. Thậm chí, những hạn chế này có thể ảnh hưởng tới sự phát triển năng lực quân sự trong dài hạn. Ngay tại nước Mỹ, tàu sân bay - niềm tự hào sức mạnh quân sự của nước Mỹ cũng đã phải ngừng hoạt động vì COVID-19.

Xe phun hóa chất khử trùng của quân đội Hàn Quốc tham gia xử lý những nơi có dịch. Ảnh: xinhuanet.

Theo đó, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã cập cảng Guam, ngừng làm nhiệm vụ để xét nghiệm toàn bộ thủy thủ đoàn hơn 5.000 người, sau khi ghi nhận 23 người nhiễm COVID-19. Trong thời gian này, thủy thủ đoàn không được rời bến đỗ, lực lượng tại căn cứ Guam cũng không được tiếp cận tàu, Tham mưu trưởng hải quân Mỹ Michael Gilday cho biết.

Trong khi đó, một quan chức Lầu Năm Góc giấu tên không công bố chính xác số trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã nhiễm virus vì lo ngại đối thủ khai thác điểm yếu. Bên cạnh đó, nữ phát ngôn viên Lầu Năm Góc Alyssa Farah nhấn mạnh Bộ Quốc phòng Mỹ “cam kết minh bạch” nhưng việc tiết lộ dữ liệu chi tiết ở từng cấp đơn vị có thể là một rủi ro.

Về việc giữ bí mật sức khỏe trong quân đội Mỹ, trả lời phỏng vấn Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết quân đội sẽ tiếp tục công bố số liệu “gộp chung” và ông muốn giữ lại một số thông tin chi tiết về số ca nhiễm COVID-19 tại những đơn vị và tàu chiến cụ thể. Lý do là nhằm ngăn chặn đối thủ hoặc tổ chức cực đoan nắm thông tin, đe dọa các chiến dịch quân sự.

Về nhiệm vụ của quân đội Mỹ, ông Esper cho biết, vẫn có nhiều hoạt động quân sự quan trọng đang diễn ra ở nước ngoài, chẳng hạn cuộc chiến chống lại lực lượng al-Shabaab ở Đông Phi và tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Syria và Afghanistan. Ông hy vọng những nhiệm vụ quan trọng này sẽ không bị gián đoạn bởi đại dịch COVID-19.

Ảnh hưởng trực tiếp hoạt động huấn luyện, tác chiến

Yêu cầu cách ly quân nhân và có thể là cả gia đình họ tại các căn cứ quân sự nhằm kiểm soát virus sẽ ảnh hưởng nhiều tới khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội. Điều này có thể thấy rõ trước tiên ở Hàn Quốc, nơi tình trạng lây nhiễm đã xảy ra ở một căn cứ của quân đội Mỹ. Và cho dù dịch bệnh không lây lan trong lực lượng quân sự của một nước thì chính các biện pháp giãn cách xã hội hay cách ly phòng ngừa cũng đã ảnh hưởng đáng kể tới các hoạt động quân sự mà thường được tiến hành với sự tham gia của đông đảo quân nhân và thông qua hình thức giao tiếp trực tiếp.

Tình trạng quân đội bị ảnh hưởng như vậy đã xảy ra ở Iraq, nơi mà Mỹ mới đây phải giảm bớt quân số đóng tại các căn cứ nhằm hạn chế sự lây nhiễm của dịch COVID-19 trong quân đội; đây cũng là nơi mà quân đội Anh và Hà Lan phải tạm ngừng các hoạt động huấn luyện với lực lượng quân sự Iraq vì những lý do tương tự. Quân đội Mỹ gần đây cũng phải hạn chế cuộc tập trận với châu Âu, vốn là hoạt động quân sự lớn nhất của Mỹ ở châu Âu trong vòng 25 năm trở lại đây.

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã phải cập cảng ở Guam để xét nghiệm toàn bộ thủy thủ đoàn hơn 5.000 người. Ảnh: CNN.

Bên cạnh việc thực thi quy định cách ly, việc tham gia chống dịch cũng có nguy cơ khiến dịch COVID-19 bùng phát ngay trong quân ngũ với những hệ quả hết sức phức tạp. Nếu dịch bùng phát trong quân đội thì không chỉ khả năng chủ động tác chiến bị tê liệt mà ngay cả khả năng tiếp tục hỗ trợ chống dịch của các đơn vị nhiễm bệnh cũng sẽ bị hạn chế.

Sự bùng phát dịch trên quy mô lớn cũng có thể dẫn tới yêu cầu phải có sự can thiệp y tế mà một số địa phương không thể đáp ứng - điều này đặc biệt khó khăn đối với những đơn vị được điều đến hỗ trợ ở những vùng xa xôi, hẻo lánh. Khi chính các quân nhân bị nhiễm bệnh và cần có người chăm sóc, điều trị thì việc đảm bảo an ninh cho các đơn vị này sẽ trở nên bất khả thi hoặc chỉ khả thi ở mức độ hạn chế.

Mặc dù các quân nhân ít có nguy cơ bị ốm và nhiễm bệnh bởi họ còn trẻ và được rèn luyện thể chất ở mức độ cao nhưng khả năng có những ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nghiêm trọng trong quân đội là điều hoàn toàn có thể xảy ra và cần phải được kiểm soát hết sức chặt chẽ.

Đối với một số hoạt động quân sự đặc thù như trong lực lượng hải quân, nỗ lực cách ly có thể dễ dàng hơn. Ví dụ, Italy có thể nhanh chóng cách ly 2 tàu hải quân của họ ngay sau khi cuộc khủng hoảng COVID-19 bắt đầu lan rộng. Chính hải quân Mỹ mới đây cũng áp dụng biện pháp hạn chế cập cảng, đồng thời tự cách ly 14 ngày trước trước khi cập cảng. Với biện pháp tránh cập cảng nhiều lần và tự cách ly trên biển, nguy cơ hải quân nhiễm bệnh từ môi trường bên ngoài đã giảm đáng kể nhưng không hoàn toàn biến mất.

Tuy nhiên, nếu có ca nhiễm ngay trên tàu hải quân thì dịch bệnh có thể lây lan rất nhanh như đã thấy trong trường hợp các tàu du lịch bị nhiễm virus trong thời gian vừa qua. Các trang thiết bị y tế trên tàu có thể không đủ để điều trị số bệnh nhân cần phải được can thiệp y tế khẩn cấp. Việc thiếu trang thiết bị y tế cũng là một thách thức trong vấn đề phối hợp xin trợ giúp từ bên ngoài hoặc sơ tán bệnh nhân.

Việc đổi quân trên tàu cũng không đơn giản và chỉ có thể thực hiện sau khi đã tiến hành khử trùng diệt khuẩn mà điều này lại khó khả thi trên biển, đặc biệt là đối với các tàu ngầm hạt nhân (những tàu này dù hoạt động tương đối biệt lập nhưng không thể được coi là hoàn toàn miễn nhiễm với các dịch bệnh bùng phát). Các tàu một khi đã nhiễm dịch thì không thể vận hành bình thường. Do đó, khả năng tác chiến của hải quân trong một số trường hợp sẽ bị hạn chế đáng kể.

Tình trạng mất khả năng tác chiến như vậy cũng có thể xảy ra ở các đơn vị quân sự đặc chủng. Ngoài các đơn vị quân y, các đơn vị phi công chiến đấu, đặc nhiệm, kỹ thuật quân sự và cả các công ty thuộc quân đội cũng không miễn nhiễm trước dịch bệnh và cùng phải bị cách ly nếu cần.

Rủi ro ngoài mong muốn

Những tác động tiềm tàng của đại dịch COVID-19 sẽ không chỉ giới hạn ở các đơn vị quân sự đang hoạt động. Ở những nước hiện phải tăng cường khả năng ứng phó nhanh trước sự lây lan của dịch bệnh cũng như hậu quả của nó, lực lượng quân sự được huy động để hỗ trợ giải quyết khủng hoảng và thực thi các biện pháp cách ly ngày càng tăng. Chẳng hạn, các nước Italy, Đức và Pháp đã bắt đầu huy động lực lượng quân sự vào việc xây dựng các bệnh viện dã chiến, vận chuyển người nhiễm bệnh và thực hiện nhiều công việc chống dịch khác.

Và khi cuộc khủng hoảng dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tồi tệ hơn, các đơn vị chủ lực sẽ không còn sức để thực thi nhiệm vụ quốc phòng và các nhiệm vụ khác. Tuy vậy, điều này không hẳn sẽ làm thay đổi cán cân quân sự giữa các nước bởi tình hình dịch COVID-19 hiện tại cũng chưa tới mức phá hủy sức mạnh quân sự của bất kỳ nước nào. Ví dụ, Nga hiện đã phải ngừng tập trận ở các vùng biên giới vì e ngại quân lính sẽ nhiễm virus, cho dù số ca nhiễm virus ở Nga hiện vẫn ít hơn nhiều so với các nước châu Âu khác.

Quân nhân Mỹ được kiểm tra thân nhiệt thường xuyên. Ảnh: militarytimes.

Ngoài việc khả năng sẵn sàng chiến đấu và duy trì cán cân sức mạnh với các nước khác của quân đội một nước có thể bị ảnh hưởng, các chiến dịch chống khủng bố hay nguy cơ an ninh cũng có nguy cơ bị gián đoạn nghiêm trọng. Do đặc thù công việc, các lực lượng quân sự này sẽ không phải gánh thêm những nhiệm vụ và trách nhiệm khác trong thời gian tập trung dập dịch.

Quân đội buộc phải hủy tập trận hoặc huấn luyện do được huy động vào việc dập dịch. Cho dù năng lực quân sự của họ không phải là vấn đề đáng lo ngại thì việc điều chuyển một lực lượng quân sự ra nước ngoài và đưa một lực lượng quân sự khác về nước sẽ có nguy cơ đẩy nhanh tốc độ lây lan dịch bệnh. Cuộc khủng hoảng Ebola ở châu Phi giai đoạn 2014-2016 là một ví dụ điển hình.

Hậu quả kinh tế do đại dịch gây ra cũng sẽ ảnh hưởng tới ngành quốc phòng và ngân sách quốc phòng trong dài hạn, kể cả sau khi dịch kết thúc. Ví dụ, các nhà máy đóng tàu hải quân ở các nước như Italy và Canada bị đóng cửa tạm thời và như vậy sẽ chậm giao hàng theo đơn đặt cũng như không thể hoàn thành các đơn hàng bảo dưỡng tàu trong thời gian đại dịch diễn ra. Trong khi đó, không quân Mỹ đã phải dời lịch thử nghiệm hệ thống quản lý tác chiến tiên tiến của họ từ tháng 4 sang tháng 6 năm nay do dịch COVID-19.

Những rủi ro về tài chính do các hoạt động trên tạm thời bị gián đoạn sẽ còn lớn hơn ở các nền kinh tế phải tập trung nguồn lực để khống chế dịch bệnh và do đó không thể chi nhiều cho công tác quốc phòng. Đương nhiên điều này không có nghĩa là ngân sách quốc phòng sẽ ít đi bởi mỗi nước có mức độ ưu tiên riêng cho từng lĩnh vực nhưng không thể loại trừ khả năng kịch bản này xảy ra.

Ngân sách bị hạn chế cũng sẽ dẫn tới việc các nước buộc phải dịch chuyển các nguồn lực của mình và thúc đẩy các kế hoạch giảm bớt hoặc rút toàn bộ lực lượng quân sự đang đồn trú ở nước ngoài về nước. Xét tới những ảnh hưởng dài hạn đối với việc phát triển năng lực quân sự, có thể nói những đại dịch như COVID-19 đủ khả năng gây rủi ro cho tất cả các hoạt động trên toàn thế giới, thậm chí có thể khiến một số lực lượng quân sự bị tê liệt hoàn toàn.

Hoa Huyền

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/dai-dich-anh-huong-hoat-dong-quan-su-toan-cau-589488/