Đại dịch 1820 và số mệnh của một đại thi hào

Từ thơ ca Nguyễn Hành và Lời dẫn bài thơ 'Đại dịch' trong 'Minh quyên thi tập' của ông, có phải dấu vết về đại dịch năm 1820 và cái chết của nhà thơ Nguyễn Du, đã được văn chương Nguyễn Hành phản ánh đầu tiên?

Báo cáo của Bắc Thành về tổng số người chết trong đại dịch tả năm 1820 là 114.282 người. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I/Châu bản triều Nguyễn

Báo cáo của Bắc Thành về tổng số người chết trong đại dịch tả năm 1820 là 114.282 người. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I/Châu bản triều Nguyễn

“Dấu vết đại dịch” trong gia phả và văn chương

Năm 1820, một trận đại dịch đã xảy ra từ phương Nam, lây lan đến kinh thành Phú Xuân và ra đến Bắc Thành. Trong Châu bản triều Nguyễn có ghi báo cáo và thống kê của bộ Hộ “bệnh dịch bùng phát từ mùa thu sang mùa đông, bắt đầu từ Hà Tiên, sau rốt đến Bắc Thành, tổng cộng số người chết là 206.835 người (trong đó Bắc Thành 114.282 người)”. Trong trận đại dịch này, điều đáng tiếc: quan Hữu Tham tri Lễ bộ Nguyễn Du (1765-1820) cũng đã qua đời. Ông mất nhằm ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn, niên hiệu Minh Mệnh.

Nguyễn Du, tác giả kiệt tác Truyện Kiều, là nhà thơ lớn của Việt Nam. Ông được sinh ra ở phường Bích Câu, Thăng Long (Hà Nội) nhưng quê quán gia tộc thuộc dòng họ Nguyễn ở làng Tiên Điền (Hà Tĩnh). Đọc lại những ghi chép trong quyển Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền[1], cho thấy các vua Gia Long, Minh Mệnh vẫn luôn tin dùng, trọng dụng Nguyễn Du, mặc dù ông không tỏ ra “nhiệt tình” hay “mặn mà” gì lắm với triều Nguyễn.

Gia phả ghi chép khi Nguyễn Du mất, vua Minh Mệnh rất thương tiếc vị quan thanh liêm và tài năng như ông.

Nhà thờ đại thi hào Nguyễn Du ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

… Năm Canh Thìn 1820, nhân hoàng đế Minh Mệnh lên ngôi, nhà vua phê chọn ông làm chức Chánh sứ của đoàn phái bộ đi Trung Hoa cầu phong, chưa kịp đi thì ông bị bệnh. Ngày 10 tháng 8 (16.9.1820) năm Canh Thìn, niên hiệu Minh Mệnh, ông mất ở kinh, thọ 56 tuổi. Được tin báo, vua rất thương xót, ban cho tên thụy là Trung Thanh. Ngoài số tiền tuất, vua ban thêm hai mươi lạng bạc, hai tấm lụa màu, ba mươi cân sáp, ba trăm cân dầu thắp đèn. Mẹ vua và em vua cùng các quan văn đều đưa lễ phúng.

Ở triều đình có câu đối điếu Nguyễn Du như sau:

Nhất đại tài hoa vi sứ vi khanh sinh bất thiểm

Bách niên sự nghiệp tại gia tại quốc tử do vinh

(Một đời tài hoa, đi sứ làm khanh, sống chẳng thẹn,

Trăm năm sự nghiệp, trong nhà ngoài nước, chết còn vinh)

Hoặc, câu đối thương tiếc khác:

Nhất viện cầm tôn nhân ký khứ

Đại gia văn tự thế không truyền

(Rượu đàn đầy sân người đã vắng,

Văn tự hơn đời tiếng dội vang).

Dòng họ Nguyễn Tiên Điền nổi tiếng hay chữ, giỏi văn chương, vang danh đường khoa bảng và được dân gian truyền tụng Bao giờ ngàn Hống hết cây/Sông Lam hết nước, họ này hết quan. Thế nên, dù không còn ở vào thời hoàng kim của cha (Nguyễn Nghiễm), anh (Nguyễn Khản) dưới triều đại vua Lê chúa Trịnh nhưng đến lúc Nguyễn Du làm quan ở kinh đô Phú Xuân, còn có em trai của ông là Thiêm sự Sóc Nhạc hầu Nguyễn Ức và cháu là Hàn lâm viện Thảng Đức bá Nguyễn Thảng cùng ở Huế.

Khi Nguyễn Du mất, gia phả ghi lại cả hai ông đều có mặt. Nguyễn Du được chôn cất ở Cánh đồng Bàu Đá, thuộc xã An Ninh, huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Về sau, vào mùa hạ năm Giáp Thân 1824, người con trai thứ của ông là Nguyễn Ngũ vào kinh xin đưa hài cốt Nguyễn Du về chôn cất ở quê nhà, ở xứ Đồng Cùng, thôn Tiền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh[1].

Khu lăng mộ đại thi hào Nguyễn Du ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

Biên khảo về Niên biểu Nguyễn Du (trong Nguyễn Du Toàn tập, tập 2, Mai Quốc Liên, Vũ Tuấn Sán dịch nghĩa, giới thiệu, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và NXB Văn học, 2015), Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Đào có bổ sung thêm tư liệu mới: Năm Giáp Thân 1824, con trai thứ hai của Nguyễn Du là Nguyễn Ngũ tổ chức cải táng đưa hài cốt Nguyễn Du về chọn cất tại quê nhà ở xứ Đồng Mái, nơi vườn cũ của ông lúc sinh thời thuộc xóm Tiên Giáp, nay là Tiên Mỹ, Hà Tĩnh.

Hơn 100 năm sau, cháu chắt lại dời mộ ông về xứ Đồng Cùng, cách làng 2 cây số về phía Đông Nam, trên một bãi đất hẻo lánh. Ngôi mộ Nguyễn Du chỉ là một nấm cỏ khâu, không có bia chí gì. Ngày 23.2.1928, Hyppolyte Le Breton, nguyên là Hiệu trưởng Trường Trung học ở Vinh dẫn học sinh đến thăm khu nhà thờ họ Nguyễn Tiên Điền, thì được cụ Nghè Mai (sinh năm 1875), hậu duệ Nguyễn Du đón tiếp và dẫn thăm mộ Nguyễn Du, khi ấy chỉ là nấm mộ thấp lè tè (chi tiết này do nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân cung cấp thông tin). Hiện nay, sau nhiều lần trùng tu, khu lăng mộ Nguyễn Du trở thành Khu Di tích Quốc gia đặc biệt.

Liên quan về cái chết Nguyễn Du ngoài những ghi chép trong gia phả, sử sách triều Nguyễn, cảm nhận trong văn chương của người đương thời thế nào? Nguyễn Du mất, người thân trong dòng họ bấy giờ rất thương tiếc; nhất là tình cảm của Nguyễn Hành đối với ông. Nguyễn Hành vốn là cháu ruột và cũng là người bạn văn chương cùng thời với Nguyễn Du.

Nguyễn Hành (1771-1824), tự là Tử Kính, hiệu là Nam Thúc, biệt hiệu là Ngọ Nam, Nhật Nam, Nam Song chủ nhân, là con trai của Nguyễn Điều, người anh khác mẹ với Nguyễn Du. Năm Nguyễn Du lên 6 tuổi, theo cha mẹ từ Thăng Long về nghỉ ở làng Tiên Điền cũng là năm Nguyễn Hành chào đời (1771). Lớn lên, Nguyễn Hành cũng nổi tiếng là người học rộng, giỏi văn chương.

Thuở ấy, người đời suy tôn một nhóm văn nhân gọi là An Nam ngũ tuyệt (năm văn nhân nổi tiếng hay thơ nhất nước Nam). Trong số này, họ Nguyễn Tiên Điền đã chiếm hai người là Nguyễn Du và Nguyễn Hành; 3 vị còn lại là Nguyễn Huy Tự, Phan Huy Ích, Ngô Thì Vị.

Mộ đại thi hào Nguyễn Du ở xã Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

Nguyễn Du và Nguyễn Hành thân thiết nhau vì có nhiều điều hợp tính tình, từ chuyện văn chương đến quan điểm thời thế. Hơn nữa, ngoài quan điểm “hoài Lê”, bất hợp tác với nhà Tây Sơn, cả hai còn giống nhau về hoàn cảnh tha hương một quãng thời gian dài, ở nhờ quê người, sống đói nghèo, đau ốm.

Thực tế, Nguyễn Hành rất quý trọng người chú ruột cả về tài năng văn chương và cách ứng xử khéo léo, dè dặt trên con đường quan lộ dưới triều đại nhà Nguyễn. Nguyễn Hành luôn nhìn về Nguyễn Du, theo dõi bước đi của Nguyễn Du, bởi ít nhiều gì, qua đó ông có thể gởi tấc lòng mình cho người chú tri kỷ.

Có lẽ, vì vậy, Nguyễn Hành lúc bấy giờ đang ở Bắc Thành nghe tin dữ, nạn dịch đang xảy ra, nhanh chóng cướp đi sinh mệnh Nguyễn Du, ông thật bàng hoàng, đau xót, thương tiếc người chú tài hoa:

Thập cửu niên tiền Tố Như tử,

Nhất thế tài hoa kim dĩ hỉ!

Ngô môn hậu phúc công xảo hoàn

Dịch lệ hà năng tốc công tử

(Văn thúc phụ Lễ bộ Hữu tham tri phó âm cảm tác)

Mười chín năm về trước, Tố Như tử

Một đời tài hoa, nay đã qua đời.

Phúc dày họ nhà ta, chú khéo giữ trọn vẹn,

Bệnh dịch kia sao làm chú mau chết như thế!

(Nghe tin chú là Hữu tham tri Bộ Lễ qua đời xúc cảm thành thơ)

(TS Lê Quang Trường dịch thơ Nguyễn Hành, trích trong bài viết Nguyễn Du qua cảm nhận của Nguyễn Hành[2])

Từ thơ ca Nguyễn Hành và Lời dẫn bài thơ Đại dịch trong Minh quyên thi tập của ông, có phải dấu vết về đại dịch năm 1820 và cái chết của nhà thơ Nguyễn Du, đã được văn chương Nguyễn Hành phản ánh đầu tiên? “Mùa thu năm Canh Thìn (1820), niên hiệu Minh Mệnh thứ nhất có nạn dịch lớn. Khởi đầu từ Xiêm La (Thái Lan), Gia Định, rồi lan sang các trấn ở Bắc Thành. Từ quan cho tới quân dân, người chết đến hàng chục vạn. Khắp thành thị, thôn quê đều náo động, kinh hoàng, tế lễ cầu đảo. Quả thật là một sự biến từ xưa chưa từng có” (Lời dẫn bài thơ Đại dịch).

Nguyễn Hành từng gọi đại dịch năm xưa là “một sự biến từ xưa chưa từng có”. Ngày ấy, chắc nhà nho càng không thể tưởng trong đầu thế kỷ XXI, con người đang đối mặt với đại dịch COVID-19 “cũng chưa từng có” như ông đã thốt lên trong thời đại của mình, vào đầu thế kỷ XIX, cách nay đúng 200 năm (1820-2020). Đại dịch cúm COVID-19 đang gây tác hại cho nhiều hoạt động của các quốc gia trên thế giới, với những diễn biến khôn lường, vô cùng phức tạp, ảnh hưởng khá lớn đến đời sống và xã hội cộng đồng con người hiện tại!

Tượng đại thi hào Nguyễn Du tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Nguyễn Du ở xã Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ảnh: VOVTV

“Bắt bệnh” người xưa có dễ?

Ngày nay, người ta có thể đoán được bệnh người xưa?

Năm 2013, nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ TP.HCM cho ra mắt quyển sách Lịch sử nhìn dưới góc độ y khoa của bác sĩ Bùi Minh Đức (nguyên Giảng viên Tai Mũi Họng, ĐH California, UCI, Irvine, Hoa Kỳ, hội viên Hội Giáo sư Đại học Hoa Kỳ AAUP). Sách dày gần 500 trang, với lời tựa của GS Sử học Phan Huy Lê và lời giới thiệu của GS-TS – BS Nguyễn Đình Hối.

Bác sĩ Bùi Minh Đức còn được biết đến là một nhà nghiên cứu văn hóa Huế, nhà Huế học, qua các sách: Từ điển tiếng Huế: Tiếng Huế, Văn hóa Huế, Người Huế; Dấu ấn văn hóa Huế; Văn hóa ẩm thực Huế… “Ông là người đầu tiên phối hợp môn Y khoa với môn Lịch sử, thành môn Y học – Lịch sử, một sáng kiến đáng được trân trọng” (Theo nhận xét của GS-TS – BS Nguyễn Đình Hối, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược TP.HCM, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM).

Trong Lịch sử nhìn dưới góc độ y khoa, với sự thuận lợi từ vốn kiến thức y khoa hiện đại và kết hợp nhiều phương pháp nghiên cứu, mang tính chất liên xuyên ngành, bác sĩ Bùi Minh Đức đã lý giải các bí ẩn lịch sử; giải thích “bệnh án” của một số nhân vật lịch sử trong các triều đình từ Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn Tây Sơn đến Nguyễn Gia Long… Đa phần các bài khảo cứu của ông tương đối thuyết phục người đọc. Trong số các bài khảo cứu về các nhân vật lịch sử triều Nguyễn, Bùi Minh Đức đã bàn đến những trận đại dịch từng xảy ra ở kinh thành Huế và đại dịch năm 1820 có liên quan đến cái chết của đại thi hào Nguyễn Du[3].

Một góc trưng bày trong Khu Di tích quốc gia đặc biệt Nguyễn Du.

Tìm hiểu nguyên nhân, cách khống chế dịch bệnh thế kỷ XIX, bác sĩ Bùi Minh Đức giở lại những trang sách sử triều Nguyễn. Đại Nam Thực Lục (Đệ Nhị kỷ, quyển IV) đã phản ánh lại tình hình dịch bệnh lúc bấy giờ: Từ Bình Thuận trở ra đến Quảng Bình có tin báo bệnh dịch. Vua lấy bạch đậu khấu trong kho và phương thuốc chữa dịch sai người ban cấp. Sắc cho các địa phương mỗi nơi đặt một đàn tế lễ. Người ốm thì cấp thuốc, người chết thì cấp tiền vải, theo như lời dụ trước. Nhà vua rất lo về dịch lệ, từng ở trong cung trai giới và cầu đảo ngầm.

Bảo bầy tôi rằng: “Theo sách vở chép thì bệnh dịch chẳng qua chỉ một châu một huyện, chưa có bao giờ theo mặt đất mà lan khắp như ngày nay. Trẫm làm chủ của dân, duy có ngày đêm kính sợ, xét mình sử đức để hồi lại ý trời. Đến như vì dân mà cầu đảo thì không có cái gì là không làm, ngõ hầu khí độc có giảm ít đi chăng?”.

Bèn sai Nguyễn Văn Nhân cầu đảo ở đàn Thái tuế Nguyệt tướng (Đàn đặt bên tả đàn Nam Giao, bậc thứ ba). Trần Văn Năng đảo ở miếu Đô thành hoàng, Nguyễn Văn Hưng đảo ở miếu Hội đồng. Lại sai bố thí cho các chùa, làm đàn trai tiêu khiển cầu đảo cho dân. Vừa gặp tấn thần Phú Yên là Nguyễn Văn Quế đem tình hình bệnh dịch trong trấn dâng biểu xin chịu tội. Vua bảo rằng “Trẫm không có đức, trên can phạm hòa khí của trời, bốn phương có dịch đều là lỗi trẫm”. Nhân sai Phạm Đăng Hưng theo ý ấy mà soạn dụ.

Đăng Hưng tâu rằng: “Gặp tai vạ, biết lo sợ, vốn là thịnh đức của đấng nhân quân. Nhưng thần nghe bệnh dịch từ Tây dương sang, bệ hạ hà tất lấy làm tội của mình”.

Đối chiếu lại tình hình xảy ra năm 1820, Châu bản triều Nguyễn đã cho thấy thái độ ứng phó với dịch bệnh của vua, quan triều Nguyễn lúc bấy giờ rơi vào 2 tình trạng. Thứ nhất, tuy có lúc được các quan báo cáo và phân tích rằng “bệnh dịch từ Tây dương mang sang” nhưng vua vẫn tự trách mình kém đức và phần nhiều trông cậy vào việc “cầu đảo” mang màu sắc tâm linh.

Thứ hai, tính điều hành của nhà vua tích cực hơn khi yêu cầu các quan địa phương cấp tiền, cấp thuốc hỗ trợ cho người dân, cho quân sĩ vùng bị dịch bệnh (dịch tả). Tuy nhiên, có lẽ do hạn chế của khoa học y học thế kỷ XIX lúc bấy giờ, nên các địa phương cũng không thể khống chế, “dập dịch” ngay được!

Bản Kim Vân Kiều tân truyện khắc năm Tự Đức 19 (1866).

Riêng về trường hợp đoán bệnh Nguyễn Du, do phần tư liệu sách vở xưa, ghi chép cụ thể về bệnh trạng của Nguyễn Du quá ít ỏi, cho nên bác sĩ Bùi Minh Đức vẫn còn thiếu một số yếu tố để lý giải rõ hơn “bệnh án” của Nguyễn Du. Ở đây, ông “bắt bệnh” Nguyễn Du chỉ trên tinh thần “suy đoán tâm trạng” khi Nguyễn Du tự biết mình đã mắc phải dịch tả. “Nguyễn Du là một người rất thông minh. Cũng vì thông minh nên ông đã biết mỗi khi mắc phải bệnh dịch tả, bệnh nhân chỉ còn có một con đường chết mà thôi, không thể nào cứu vãn được”[3].

Chính vì vậy, bác sĩ Bùi Minh Đức phân tích tinh thần hiểu biết, bình thản, chấp nhận cái chết một cách can đảm với thái độ “cam đành, cam chịu” (stoicisme), một thái độ không cầu sống. Ông cho rằng “tâm trạng của bệnh nhân Nguyễn Du lúc đó thật đáng thảm thương”[3]. Lý giải tâm trạng và thái độ của bệnh nhân, bác sĩ Bùi Minh Đức càng khẳng định hơn qua những ghi chép trong sách Chính biên Liệt truyện: “Khi Nguyễn Du phải bệnh nặng, ông không chịu uống thuốc. Lúc gần mất, sai người sờ tay chân xem còn nóng hay lạnh. Người nhà nói đã lạnh cả rồi. Ông nói rằng: “Được!”. Nói xong thì mất, không một lời nào dặn dò đến việc sau”.

Ngoài ra, nhằm cung cấp thêm thông tin, bác sĩ Bùi Minh Đức đã khảo cứu tư liệu những diễn biến và ảnh hưởng của các trận đại dịch năm 1820 và 1902. Việc này tiếp tục cho thấy trong những năm tháng ấy, triều đình Huế chưa biết được nguồn gốc của bệnh dịch tả là do vi trùng Vibrio và nước uống nên chưa có phương cách nào để chế ngự sự lan truyền của bệnh dịch.

Đến trận dịch tả năm 1927, theo hồi ký của cụ Bùi Hữu Thứ viết trong Tập san Nghiên cứu Huế nhắc đến: Bấy giờ, nhờ có nguồn nước máy sạch, nhờ có sự hiểu biết mới về tiến bộ y khoa của các bác sĩ Pháp mà chính quyền đã có thể mau chóng khống chế được trận dịch tả xảy ra vào năm đó.

Kim Ửng

_____

[1] Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền, Mai Quốc Liên chủ biên, Nguyễn Thị Bích Đào phiên âm, dịch, khảo cứu, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, NXB Văn học, 2016, trang 90-97.

[2] Kỷ yếu hội thảo Kỷ niệm 250 năm năm sinh Nguyễn Du Đại thi hào dân tộc – Danh nhân văn hóa Nguyễn Du, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH KHXH &NV, NXB ĐHQGTPHCM, 2015, trang 157,158.

[3] Lịch sử nhìn lại dưới góc độ y khoa, Bùi Minh Đức, NXB Văn hóa Văn nghệ, 2013, trang 350, 353, 360.

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/dai-dich-1820-va-so-menh-cua-mot-dai-thi-hao-26386.html