Đại cử tri Mỹ bỏ phiếu, định đoạt số phận ông Trump

538 đại cử tri bắt đầu bỏ phiếu để chính thức bầu chọn người chiến thắng, là đương kiêm Tổng thống Donald Trump hay Tổng thống được truyền thông tuyên bố đắc cử Joe Biden.

538 đại cử tri bắt đầu bỏ phiếu để chính thức bầu chọn người chiến thắng, là đương kiêm Tổng thống Donald Trump hay Tổng thống được truyền thông tuyên bố đắc cử Joe Biden.

Các đại cử tri của bang Mississippi ký giấy chứng nhận phiếu bầu khi bỏ phiếu chính thức trong cuộc bầu cử năm 2016. Ảnh: AP

Các đại cử tri của bang Mississippi ký giấy chứng nhận phiếu bầu khi bỏ phiếu chính thức trong cuộc bầu cử năm 2016. Ảnh: AP

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra cách đây hơn 1 tháng, nhưng đến nay (ngày 14-12), những lá phiếu chính thức bầu chọn vị tổng thống tiếp theo của nước Mỹ mới diễn ra thông qua những đại cử tri gọi là cử tri đoàn.

Ứng viên nào nhận được ít nhất 270 phiếu của đại cử tri sẽ được công nhận là người thắng cử. Theo truyền thông Mỹ, chiến thắng này chắc chắn thuộc về ông Joe Biden, người được dự đoán có 306 phiếu đại cử tri, so với con số 232 của đương kim Tổng thống Donald Trump. Kết quả sẽ được gửi tới Washington và được thông báo trong một phiên họp chung ngày 6-1 của Quốc hội mà Phó Tổng thống Mike Pence sẽ chủ trì.

Quyền lực đại cử tri

Khi người Mỹ đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử tổng thống, họ không trực tiếp bỏ phiếu cho tổng thống. Họ thực sự đang bỏ phiếu cho một nhóm 538 “đại cử tri” tạo nên cử tri đoàn. Các đại cử tri bắt đầu bỏ phiếu, sau khi tất cả 50 tiểu bang và Đặc khu Columbia đã chứng nhận kết quả bầu cử.

Năm nay, ngày bỏ phiếu của đại cử tri đoàn đúng vào ngày 14-12. Các đại cử tri, trong đó có những chính khách nổi tiếng như vợ chồng cựu Tổng thống Bill Clinton, tập trung tại tòa nhà nghị viện các bang và ở thủ đô Washington để bỏ lá phiếu trực tiếp bầu tổng thống của mình. Giờ bỏ phiếu tùy thuộc vào các bang nhưng bắt đầu sớm nhất là từ 10 giờ (giờ địa phương). Năm nay, đại cử tri của Indiana, Tennessee và Vermont là các bang bầu trước tiên, vào lúc 10 giờ ngày 14-12 (giờ Mỹ). Sau đó là các bang chiến địa Arizona, Georgia và Pennsylvania, và kết thúc vào lúc 13 giờ tại Wisconsin và Michigan lúc 14 giờ. Hầu hết các cuộc bầu tổng thống đều diễn ra tại tòa nhà nghị viện bang. Tại nhiều bang, đại cử tri có thể họp tại văn phòng thống đốc bang hoặc của quan chức phụ trách bầu cử bang.

Theo đài CNN, cuộc bỏ phiếu của đại cử tri là bước tiếp theo trong tiến trình chính thức xác nhận ông Joe Biden là chủ nhân kế tiếp của Nhà Trắng. Nếu ông Biden vượt qua mốc 270 phiếu đại cử tri, ông sẽ chính thức là tổng thống đắc cử và thượng nghị sĩ Kamala Harris sẽ là phó tổng thống đắc cử. Theo kế hoạch ông Joe Biden sẽ phát biểu về kết quả bầu cử của cử tri đoàn vào khoảng 20 giờ ngày 14-12 (8 giờ ngày 15-12, giờ Việt Nam). Bước tiếp theo diễn ra ngày 6-1-2021 tại Quốc hội khi đó, kết quả đã được gửi tới Washington và được thông báo trong một phiên họp chung của Quốc hội mà Phó Tổng thống Mike Pence sẽ chủ trì. Cả hai người sẽ tuyên thệ nhậm chức ngày 20-1-2021.

Liệu có kết quả đảo ngược?

Sự kiện này vốn lâu nay phần nhiều mang tính thủ tục, nhưng do cuộc bầu cử lịch sử lần này, cuộc bỏ phiếu của cử tri đoàn năm nay đang thu hút sự chú ý, trong đó nhiều người vẫn như đang chờ một điều gì khác, nhất là những người ủng hộ ông Trump.

Thông thường, đại cử tri sẽ cam kết bỏ phiếu theo kết quả bầu cử phổ thông của bang. Nhưng một câu hỏi đặt ra là liệu các đại cử tri có thể tự ý thay đổi phiếu bầu, vốn đã được xác nhận từ số phiếu bầu phổ thông hay không? NBC News dẫn lời các chuyên gia cho rằng, câu trả lời là “có thể”, nhưng chuyện này hiếm khi xảy ra. Kể từ năm 1948 tới nay chỉ có 16 đại cử tri bất trung, nhưng đáng chú ý là có tới 7 người trong đó là của cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, trong đó 5 người chuyển lá phiếu bầu của họ từ bà Hillary Clinton cho người khác và hai người chuyển phiếu từ ông Trump cho người khác. Cho tới nay có 32 bang và đặc khu Columbia đã có luật yêu cầu các đại cử tri phải bỏ phiếu cho ứng viên họ đã cam kết ủng hộ, trong đó 15 bang có những hình phạt cụ thể với các đại cử tri nếu họ bất tín, thay đổi lá phiếu ở phút chót. Trong năm nay Tòa án Tối cao Mỹ cũng đã bảo lưu quyền của các bang trong việc trừng phạt những đại cử tri bất trung.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, khoảng cách lớn về phiếu đại cử tri có thể khiến không đại cử tri nào muốn “nổi loạn” bởi họ biết rằng làm thế cũng vô ích. Theo Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ Elena Kagan, Mỹ từng ghi nhận 180 đại cử tri bất trung trong tổng số hơn 23.000 đại cử tri cho đến giờ. Nhưng điều quan trọng là sự đổi ý của họ chưa bao giờ làm thay đổi kết quả bầu cử.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_235940_dai-cu-tri-my-bo-phieu-dinh-doat-so-phan-ong-trump.aspx