'Đại công xưởng' vàng mã Đông Hồ tấp nập chuẩn bị ngày tiễn ông Công ông Táo

Còn gần một tuần nữa mới đến ngày tiễn00 ông Công ông Táo nhưng người dân làng Đông Hồ (Bắc Ninh) đã gấp rút hoàn thiện công đoạn lắp ráp cuối cùng cho những bộ mũ mã, phục vụ cho ngày đưa các Táo về trời.

Từ nhiều năm nay, làng Đông Hồ được biết đến không chỉ là nơi làm tranh dân gian Đông Hồ mà còn là nơi sản xuất vàng mã lớn nhất cả nước. Những ngày này, hầu hết các hộ gia đình trong làng đều hối hả hoàn thiện những bộ mũ mã ông Công ông Táo để kịp chuyển đi tiêu thụ.

Người dân Đông Hồ đang gấp rút hoàn thiện khâu lắp ráp để chuyển hàng đi.

Trên các con đường làng, xe tải lớn bé chực chờ khắp nơi sẵn sàng nhận vàng mã đem đi phân phối, thậm chí có cả những chiếc container được người dân dùng để chuyển hàng. Vàng mã ở làng Đông Hồ chủ yếu được xuất đi các khu vực trung tâm như: TP. Hà Nội, TP. Vinh, TP. Hồ Chí Minh... Từ các địa điểm trung tâm đó, vàng mã lại được các tiểu thương ở những khu vực lân cận đến thu mua.

Xe tải luôn chực chờ ở cổng nhà người dân để nhận hàng đem đến các địa điểm phân phối.

Chị Nguyễn Thị Quyên, một hộ sản xuất vàng mã nhỏ lẻ ở làng Đông Hồ, cho biết, từ rằm tháng 7 trở ra, hầu hết các hộ gia đình đã chuẩn bị làm vàng mã cho ngày ông Công ông Táo. Có những hộ gia đình có điều kiện, họ đã chuẩn bị xong từ trước rằm tháng 7. Còn những ngày này, người ta chỉ thực hiện công đoạn lắp ráp cho những bộ mũ mã ông Công ông Táo rồi đem đi tiêu thụ.

Vàng mã được xếp thành đống đợi bốc lên xe. Những lô hàng chuyển đi không chỉ là vàng mã cho ngày ông Công ông Táo mà có cả những món đồ mã khác.

Mũ mã dùng cho ngày ông Công ông Táo đa dạng về kích thước, mẫu mã. Chính vì thế mà giá thành của mỗi loại cũng khác nhau: loại rẻ nhất giá dao động từ 25.000-30.000 đồng/bộ; loại trung bình giá dao động từ 40.000-50.000 đồng/bộ; loại đẹp giá dao động từ 110.000-130.000 đồng/bộ. Thậm chí có cả những bộ vàng mã ông Công ông Táo có giá 250.000-300.000 đồng/bộ. Đó là giá thành ở nơi sản xuất, khi đến tay người tiêu dùng, giá mỗi bộ có thể đội lên gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi.

Trên khắp các con đường làng Đông Hồ, người dân chuyển vàng mã ra các điểm tập kết bằng nhiều phương tiện: xe máy, xe ba gác, xe tải cỡ nhỏ, xe bò…

Bên cạnh hoàn thiện những bộ vàng mã cho ngày ông Công ông Táo, người dân Đông Hồ cũng rục rịch chuẩn bị vàng mã cho những ngày Tết Nguyên đán, rằm tháng Giêng, lễ dâng sao giải han.

Chị Quyên chia sẻ, người ta bảo trần sao âm vây, cho nên người dân nơi đây làm tất cả các mặt hàng dưới dạng hàng mã như: tiền vàng, ngựa, quần áo, xe máy, ô tô, nhà cửa, hình nhân, máy giặt, nóng lạnh, điều hòa… Tuy nhiên, mỗi gia đình lại chuyên làm về một mặt hàng nhất định chứ không sản xuất đa dạng. Nhà nào làm ngựa thì chỉ chuyên về ngựa, nhà nào làm mũ thì chuyên về mũ, nhà nào làm tiền vàng thì chuyên về tiền vàng…

Một số hộ gia đình sau khi đã chuyển hết vàng mã dùng để cúng ông Công ông Táo, đã bắt tay ngay vào làm vàng mã chuẩn bị cho những ngày lễ Tết sắp tới.

Tất cả các công đoạn từ khâu chuẩn bị đến thành phẩm đều được người dân làng Đông Hồ thực hiện. Thậm chí ngay cả công đoạn tạo hoa văn, cắt những chi tiết cầu kỳ, phức tạp cũng được người dân trong làng đảm nhận. Do số lượng vàng mã lớn, một số gia đình đã mạnh tay đầu tư cả dàn máy móc công nghệ cao như: máy đột hoa văn; máy ép khung tre.

Một khâu trong chuỗi công đoạn làm vàng mã.

“Ngày trước, người dân nơi đây kiếm bộn tiền từ nghề làm vàng mã, tuy nhiên những năm gần đây, số lượng người dân trong làng và các khu vực khác làm nghề này tăng lên, đồng nghĩa với việc lợi nhuận thu lại không đáng kể” - chị Đoàn Thị Hạnh, người dân làm nghề vàng mã làng Đông Hồ chia sẻ.

Dương Thành - Ngọc Ánh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/dai-cong-xuong-vang-ma-dong-ho-tap-nap-chuan-bi-ngay-tien-ong-cong-ong-tao-20190122150934135.htm