Đại công trình chống lũ không cứu được các thành phố châu Á đang chìm

Châu Á có ngày càng nhiều thành phố ven biển, nhưng nguy cơ ngập lụt ngày càng tăng do nước biển dâng. Những công trình đồ sộ chưa phải giải pháp tốt trước sức mạnh thiên nhiên.

Ở phía bắc Jakarta, một nhà kho tồi tàn ngập sâu 1 m dưới dòng nước đục. Mưa bão lớn năm 2007, kèm theo sóng triều, đã nhấn chìm một nửa Jakarta dưới 4 m nước, khiến nửa triệu người phải di tản và gây thiệt hại 550 triệu USD. Nhà kho này đến nay vẫn bị ngập và bỏ hoang - ngoại trừ một số người biến tầng hai thành nơi tạm lánh, ra vào bằng thuyền.

Theo Economist, châu Á có ngày càng nhiều thành phố ven biển, nhưng nguy cơ ngập lụt ngày càng tăng. Ngập lụt ở Jakarta đang ngày một nghiêm trọng. Khi Trái Đất nóng lên, nước biển dâng. Mưa lớn và bão trở nên mạnh và thường xuyên hơn. Số người sống trong các vùng thường ngập nước ven sông ở châu Á sẽ tăng gấp đôi từ năm 2000 đến năm 2060, theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Trong quá trình phát triển, các thành phố buộc phải bê tông hóa - biến mặt đất vốn có thể hấp thụ nước thành bê tông và xi măng. 13 trong số 20 thành phố có mức thiệt hại do ngập lụt gia tăng nhanh nhất tính trong khoảng thời gian 2005-2050 là ở châu Á.

Nước lũ lên tận mái nhà ở đông Jakarta ngày 4/2/2007. Ảnh: Reuters.

Nước lũ lên tận mái nhà ở đông Jakarta ngày 4/2/2007. Ảnh: Reuters.

Bức tường không ngăn được thành phố chìm dần

Để đối phó với nạn ngập lụt, thủy triều dâng, Jakarta, cũng giống các nơi khác, xây tường biển cao 3 m. Vì bức tường này, nếu đứng trong khu vực ven biển Akuarium khó có thể thấy biển.

Từ trước đến nay, người Indonesia đã luôn phải ứng phó với lũ. Thế kỷ 18, họ xây dựng các kênh thoát lũ. Thế kỷ 19, họ xây dựng hồ giữ nước. Sau trận ngập 2007, họ nâng cao bức tường biển trải dài 30 km, mở rộng các kênh thoát lũ, và đào thêm hồ chứa nước.

Sau một trận lụt kinh hoàng khác năm 2013, tổng thống Indonesia muốn hành động táo bạo hơn. Dự án 40 tỷ USD xây dựng 25 km tường ở ngoài biển được đề ra, sẽ bao quanh vịnh Jakarta và 17 đảo nhân tạo.

Đây là một dự án gây tranh cãi vì chi phí quá lớn, hủy hoại hệ sinh thái biển và cũng không giải quyết tình trạng nền đất đang chìm dần, vốn là nguyên nhân chủ yếu gây ngập lụt ở Jakarta. Nước biển dâng 0,8 cm một năm, nhưng một số vùng phía bắc Jakarta giáp biển lại đang chìm 25 cm mỗi năm, theo Heri Andreas, nhà địa lý học ở Viện Công nghệ Bandung.

Trẻ em chơi đá bóng gần một đoàn tường biển mới ở khu vực Cilincing ở Jakarta, Indonesia ngày 22/8/2017. Ảnh: Reuters.

Ít nhất 40% người dân lấy nước từ dưới lòng đất, vì họ không nhận được nước của thành phố, và đường nước của thành phố cũng không ổn định. Lấy nước dưới lòng đất như vậy có thể khiến đất bị sụt lún. 40% diện tích Jakarta đang nằm dưới mực nước biển.

Bất chấp chi phí khổng lồ, “dự án này (xây tường biển) làm thỏa mãn tham vọng của giới tinh hoa chính trị Indonesia”, Emma Colven, giáo sư môi trường toàn cầu từ Đại học Oklahoma viết. Dự án này cũng sẽ bồi đắp các khu vực rộng tổng cộng 1.000 ha ở ven biển, có hình dáng con chim thiêng garuda, biểu tượng của Indonesia. Trong khi đó, các dự án xử lý nước lại không so bằng về sự nổi bật.

“Mọi người muốn nhìn thấy những công trình nổi bật”, Srinivasan Ancha, chuyên gia về biến đổi khí hậu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhận xét.

Một người đàn ông Indonesia đang ngồi trên một chiếc bè tự chế trong khu vực bị một ngập lụt ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: AP.

Chống lũ một cách tự nhiên

Vào tháng 8, chính phủ theo một hướng mới, với các dự án xử lý nguồn nước Jakarta, mở rộng mạng lưới nước sạch ra cả thành phố để giảm nạn khoan giếng. Dự án tường biển khổng lồ cũng được bỏ bớt: không còn bao quanh vịnh, và cũng không còn các đảo nhân tạo, nhưng vẫn bao gồm việc bồi đắp 2.000 ha đất ven biển. Chi phí đã giảm đi một nửa.

Jakarta không phải thành phố châu Á duy nhất “hãm phanh” các siêu dự án thủy lợi trong những năm gần đây, và thay vào đó là các biện pháp chống lũ đỡ tốn kém hơn.

Điển hình là Singapore, nơi không thiếu những dự án thủy lợi khổng lồ. Gần đây, nước này hoàn tất bể chứa nước dưới lòng đất có chi phí 164 triệu USD. Singapore còn có đập Marina Barrage, công trình tiêu tốn 226 triệu USD gồm nhiều chiếc bơm khổng lồ và 9 cửa thủy lực dài 27 m, nhằm ngăn khu trung tâm khỏi bị ngập - đây cũng điểm hút khách du lịch.

Trong thập kỷ qua, Singapore đã chi 1,7 tỷ USD vào thoát nước. Nhưng diện tích Singapore không còn chỗ cho các công trình khổng lồ, và mưa bão ngày càng mạnh làm quá tải mạng lưới thoát nước dù hiện đại, khiến chính quyền phải đổi mới trong việc chống lũ.

Người dân dùng thuyền để di chuyển qua phố bị ngập ở Jakarta tháng 11/2007. Ảnh: AFP.

Năm 2006, Singapore thực hiện các dự án cải thiện khả năng hấp thụ nước một cách tự nhiên: biến các kênh đào, bể chứa thành các dòng chảy và hồ, đồng thời tạo các khu đất ngập nước (wetland). Chẳng hạn, đầm lầy (swamp), một kiểu đất ngập nước có thảm thực vật, có thể hấp thụ nước lũ, trong khi rừng ngập mặn có thể bảo vệ thành phố khỏi những cơn sóng triều.

Bảo vệ, duy trì các khu vực này ít tốn kém hơn xây đập. Singapore hoàn thành 75 dự án tạo vùng chống lũ tự nhiên giữa năm 2010-2018. Các dự án này của Singapore là tiên phong trong các nước nhiệt đới, nhưng sớm muộn, các nước châu Á khác, vốn không thừa tiền để chi vào các công trình khổng lồ, sẽ càng có lý do để theo chân đảo quốc sư tử.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/dai-cong-trinh-chong-lu-khong-cuu-duoc-cac-thanh-pho-chau-a-dang-chim-post993247.html