Đại biểu tranh luận 'lên đời' hộ kinh doanh thành doanh nghiệp

Ngày 21/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Thảo luận tại phiên họp toàn thể, các đại biểu tại hội trường Diên Hồng và đại biểu phát biểu từ các điểm cầu đều bày tỏ nhất trí cao với báo cáo giải trình, tiếp thu về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp nhằm bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật.

Qua đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư kinh doanh tại doanh nghiệp.

Theo đánh giá của nhiều đại biểu, dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này đã có nhiều nội dung, quy định mới được đưa vào để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động. Trong đó có quy định về điều kiện đăng ký doanh nghiệp.

Về phạm vi điều chỉnh, quy định đối tượng hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật, mà xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh.

Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật là không phù hợp vì hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp nên không thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp.

Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) nhận xét, đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp là "đốt cháy giai đoạn" khi bản chất họ không phải là doanh nghiệp mà là mô hình kinh doanh đặc thù. Làm như vậy sẽ gây hiểu lầm, thêm thủ tục, khó khăn hơn cho họ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Bên cạnh đó, theo nhiều đại biểu, hộ kinh doanh được coi là một hình thức kinh doanh khác biệt với doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Những quy định về hộ kinh doanh tại dự thảo Luật chỉ mới giải quyết được việc kiểm soát, quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh, mặt khác có thể làm tăng rủi ro, tăng chi phí đối với thành lập và hoạt động của hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, chưa có quy định tạo thêm quyền tự do kinh doanh, tăng độ an toàn kinh doanh, tạo thêm thuận lợi cho hộ kinh doanh, cũng như các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hộ kinh doanh.

Vì vậy, việc quy định hộ kinh doanh trong dự thảo Luật dẫn đến phải mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cho một chủ thể mới. Mặt khác, số lượng về đối tượng chịu tác động là hộ kinh doanh rất lớn. Vì vậy, cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá thực tiễn và tham vấn để hoàn thiện khung khổ pháp luật tốt nhất điều chỉnh và áp dụng cho chủ thể hộ kinh doanh, tránh những tác động bất lợi tới hoạt động của các hộ kinh doanh.

Theo đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh nên quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh cần phải được điều chỉnh bởi Luật, chứ không thể quy định bằng Nghị định; số lượng hộ kinh doanh hoạt động ở nước ta rất lớn.

Do vậy, đại biểu ủng hộ quan điểm đưa hộ kinh doanh vào Luật thay vì Nghị định để tăng vị trí pháp lý của hộ kinh doanh. Tuy nhiên, cần tách hộ kinh doanh thành một luật riêng sẽ hợp lý hơn, chứ không nên đưa nội dung này vào Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) vì như vậy Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ không thể bao hàm được hết.

Cùng quan điểm, đại biểu Trần Văn Tiến- Đoàn Vĩnh Phúc, ủng hộ việc đưa hộ kinh doanh điều chỉnh bởi văn bản Luật là cần thiết, tuy nhiên đại biểu cho rằng, cách thức hoạt động và quy mô của hộ kinh doanh rất khác so với các doanh nghiệp, nếu chính sách, quy định của chúng ta chưa phù hợp có thể gây khó khăn cho hàng triệu hộ kinh doanh đang hoạt động. Do vậy, cần xây dựng một Luật riêng cho phù hợp. Còn nếu vẫn quyết định đưa nội dung này vào Luật, đại biểu cho rằng, tên gọi của dự thảo Luật cũng cần phải thay đổi thành Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh để phù hợp với nội dung cũng như phạm vi điều chỉnh.

Ông Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam bảo vệ quan điểm đưa hộ kinh doanh vào đối tượng chịu tác động của Luật Doanh nghiệp . Theo ông, duy trì vai trò chủ thể hộ kinh doanh nguyên trạng như vậy sẽ không còn hợp lý, nên coi họ là một loại hình doanh nghiệp một chủ trong nền kinh tế

Tuy nhiên, ông Lộc cũng lưu ý, việc coi hộ kinh doanh là doanh nghiệp một chủ không đồng nghĩa "chủ hộ kinh doanh sau một đêm thành giám đốc". Họ vẫn được áp dụng các quy định đặc thù như hiện nay về quản lý nhà nước, quản trị, kê khai, nộp thuế để không phát sinh thêm các chi phí và thủ tục hành chính phiền hà, được tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động kinh doanh.

Trong phần Giải trình về phạm vi điều chỉnh, quy định đối tượng hộ kinh doanh vào dự án Luật Doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc các đại biểu Quốc hội nêu ý kiến đưa hộ kinh doanh vào dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) hay cần ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh đều là những đóng góp có lý. Tuy nhiên, theo quan điểm của Chính phủ lựa chọn phương án thứ nhất đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là định danh cho loại hình hộ kinh doanh, bảo về quyền lợi cho họ và có thể áp dụng các chương trình hỗ trợ cho hộ kinh doanh. M

ặt khác, việc đưa hộ kinh doanh vào trong dự án Luật cũng góp phần gỡ bỏ được một số rào cản đang làm vướng mắc và cản trở hộ kinh doanh để họ hoạt động có hiệu quả hơn, có thêm nguồn lực để phát triển kinh tế tự nhân.

Ngoài ra, việc đưa hộ kinh doanh vào trong dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) không làm phát sinh thủ tục hành chính, không phải đăng ký lại và thúc đẩy hộ kinh doanh có đủ điều kiện kinh tế, tiềm năng chuyển sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp. Bởi thực tế có hàng trăm hộ kinh doanh có tiềm lực kinh tế, thuê hàng trăm lao động làm việc và đạt doanh thu đến nghìn tỷ/năm.

Việc đưa hộ kinh doanh vào vào trong dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) không phải là vấn đề mới mà đã được đưa vào một điều khoản của Luật Doanh nghiệp và đã được cụ thể hóa ở Nghị định 78. Mặt khác, việc ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh sẽ mất nhiều thời gian, ít nhất là 3 năm.

Quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ủng hộ xây dựng được một luật riêng về hộ kinh doanh. Tuy nhiên, trước mắt chưa xây dựng được một luật riêng thì nên đưa hộ kinh doanh vào vào trong dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) để đến khi nào xây dựng xong luật riêng thì sẽ đưa những quy định về hộ kinh doanh sang Luật mới.

Minh Thái

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/dai-bieu-tranh-luan-len-doi-ho-kinh-doanh-thanh-doanh-nghiep-3403452/