Đại biểu tiếp tục 'hiến kế' phát triển kinh tế

Thảo luận tại hội trường, trong các ngày 3-4/11, bên cạnh đánh giá các kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại cần khắc phục, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất giải pháp phát triển kinh tế xã hội năm 2021 và giai đoạn tiếp theo.

Thảo luận về tình hình kinh tế xã hội năm 2020, các đại biểu đều nhất trí cho rằng, đại dịch Covid-19 và tình trạng thiên tai lũ lụt tại miền Trung đã tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế - xã hội nước ta, tuy nhiên với sự chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, tình hình kinh tế xã hội nước ta đạt nhiều kết quả quan trọng tương đối đồng bộ các mục tiêu, nghị quyết Quốc hội đã đề ra.

Trong khi hầu hết các nước trên thế giới có tăng trưởng âm thì ước tăng trưởng của nước ta đạt trên 2%; Sản xuất kinh doanh không bị rơi vào suy thoái; các chỉ số về vĩ mô khác như: Chỉ số giá cả tiêu dùng, thu chi ngân sách, doanh số bán lẻ, chỉ số việc làm, chỉ số thất nghiệp, giải ngân vốn đầu tư công, số doanh nghiệp mới được thành lập, v.v. tuy có bị sụt giảm, song nhìn chung vẫn giữ được ở mức khá an toàn, đời sống nhân dân được cơ bản cải thiện, nhiều mặt có bước tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo.

Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường

Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến – TP. Hà Nội, các con số tăng trưởng GDP dương, cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2020 thặng dư gần 17 tỷ đôla. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào Việt Nam tăng trưởng mạnh lại, cả vốn cam kết và vốn giải ngân đều tích cực là những điểm sáng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, để có biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2021 và giai đoạn tiếp theo, đại biểu Nguyễn Quốc Hận - Cà Mau đề nghị Chính phủ cần có đánh giá đầy đủ về thiệt hại do mưa lũ, ngập lụt vừa qua. Không chỉ ở lĩnh vực nông nghiệp mà còn ở các lĩnh vực khác như dịch vụ thương mại, thiệt hại về cơ sở hạ tầng để qua đó, chúng ta đánh giá đúng chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, đúng thực trạng về đời sống của nhân dân.

Đối với nguồn thu chi ngân sách, đại biểu Nguyễn Thanh Hải - Tiền Giang đề nghị Chính phủ có giải pháp đối với khoản chi mang tính chất cấp bách cho một số nhiệm vụ chi đặc biệt quan trọng và cần thiết như hỗ trợ thiên tai; xem xét, cân nhắc, tiếp tục cắt giảm nhiệm vụ chi thường xuyên, chưa cấp bách.

Trong báo cáo của Chính phủ cũng đã đặt ra một số chỉ tiêu phát triển năm 2021, trong đó tăng trưởng GDP khoảng 6 đến 6,5%, chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân 4%, tỷ trọng đóng góp của năng suất, các nhân tố tổng hợp TFP tăng trưởng khoảng 45 đến 47%, năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Chiến, để thực hiện các chỉ tiêu này, bên cạnh chính sách tiền tệ đã triển khai tốt thời gian qua cần tập trung hơn vào chính sách tài chính, tài khóa, ưu tiên phát triển du lịch; Nâng cao năng suất lao động xã hội thông qua việc phát huy các yếu tố thị trường và hoàn thiện vấn đề an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, rào cản cơ chế chính sách, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng trong doanh nghiệp và người dân. Bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp, tài sản và quyền tự do kinh doanh của các thành phần kinh tế, tuyệt đối không hình sự hóa các quan hệ pháp luật dân sự, kinh tế. Hoàn thiện cơ chế để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận bình đẳng với nguồn lực, nhất là về vốn đầu tư, đất đai và tài nguyên.

Cần tiếp tục hoàn chỉnh chính sách an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường, tạo cơ hội sáng tạo, cải tiến, phát triển, đào thải doanh nghiệp kém hiệu quả, khắc phục khuyết điểm, chú trọng nhu cầu có khả năng thanh toán, chú trọng nhu cầu thiết yếu xã, nhất là của dân nghèo, đề cao đạo đức kinh doanh, xóa bỏ ý thức lợi nhuận là trên hết do không tuân thủ quy chuẩn, hàng giả, hàng kém chất lượng, về quảng cáo, cạnh tranh không lành mạnh để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Các đại biểu tiếp tục "hiến kế" phát triển kinh tế

Còn đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Tây Ninh cho rằng, bước sang năm 2021, Việt Nam chúng ta vẫn tiếp tục đối mặt với những khó khăn do đại dịch COVID-19, đặc biệt là khi các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh, các ngành sản xuất truyền thống như: Dệt may, da giày, dịch vụ, du lịch và bán lẻ vẫn đối mặt với nguy cơ suy giảm sản xuất do chuỗi cung ứng và tiêu thụ chưa được phục hồi, những yếu kém nội tại của nền kinh tế chưa được giải quyết, những rủi ro phi truyền thống tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dưới nhiều hình thức và mức độ ngày càng khó lường.

Vì vậy, cần tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hiệu lực của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và toàn dân; phân công trách nhiệm rõ ràng; kiên quyết đấu tranh loại bỏ tình trạng thiếu hợp tác, đùn đẩy trách nhiệm, thuận lợi thì làm, khó khăn thì lùi bước, loại bỏ tình trạng lợi ích nhóm, căn bệnh hình thức cá nhân cục bộ, tìm cách lách luật, các chủ trương, chính sách, v.v.

Làm tốt vấn đề quy hoạch nói chung và lĩnh vực nông nghiệp một cách khoa học và quản lý chặt chẽ; thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, đi liền với cải cách thể chế, khơi thông thị trường trong nước và quốc tế.

Về thị trường, phát huy tốt cơ hội trong hội nhập sâu rộng hiện nay của nước ta để khơi thông thị trường truyền thống và phát triển thị trường mới trên phạm vi toàn cầu.

Báo Công Thương sẽ tiếp tục cập nhật...

Đình Dũng - Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dai-bieu-tiep-tuc-hien-ke-phat-trien-kinh-te-146851.html