Đại biểu Quốc hội: Xử nghiêm tổ chức, cá nhân “bức tử” nguồn nước

Đại biểu Trần Ngọc Vinh cho hay môi trường nước của Việt Nam đang bị ô nhiễm nghiêm trọng nên phải xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân gây ra sự việc này.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Theo số liệu được công bố tại Báo cáo Phát triển Nước thế giới, Trái Đất sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt 40% nguồn cung cấp nước trong vòng 15 năm tới. Tại Việt Nam, dù nằm trong nhóm các quốc gia có trữ lượng nước dồi dào, song nguồn nước lại không được phân bố đồng đều và ngày càng suy giảm.

Hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu đợt hạn hán và ngập mặn lịch sử, ở nhiều nơi, nguồn nước đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi ô nhiễm môi trường.

Bên lề nghị trường Quốc hội khóa XIII, Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng) đã chia sẻ về vấn đề này?

- Ông đánh giá thế nào về tình trạng ô nhiễm nguồn nước hiện nay ở Việt Nam?

Đại biểu Trần Ngọc Vinh: Nguồn nước là vấn đề rất lớn. Hiện nay, một số quốc gia, trong đó có Việt Nam đang bị ảnh hưởng rất nhiều và vừa qua một số địa phương ở Đồng bằng Sông Cửu Long và Tây Nguyên chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm ngập mặn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và sản xuất nông nghiệp.

Theo đánh giá, môi trường nước của chúng ta hiện nay đã bị ô nhiễm lớn nên cần có các giải pháp khắc phục theo hướng tiết kiệm nguồn nước. Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm nguồn nước.

Giải pháp lâu dài cần chuyển cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tiết kiệm nguồn nước và có kế hoạch đối với những cá nhân và tổ chức dùng nước lãng phí thì mới bảo vệ được nguồn nước, giữ được nguồn nước. Nếu tình trạng quản lý như hiện nay thì nguy cơ ô nhiễm và cạn kiện nguồn nước rất cao.

- Thưa ông, nguy cơ ô nhiễm và thiếu nước sạch không chỉ đe dọa các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long mà còn đang hiện hữu tại các đô thị lớn. Thế nhưng, dường như ở một số nơi chúng ta vẫn đang dùng nước rất lãng phí?

Đại biểu Trần Ngọc Vinh: Chính xác như vậy, ở các tỉnh trung du và đô thị lớn, nước đang dùng nhiều nơi, nhiều lúc lãng phí, đặc biệt là nguồn nước sạch. Do đó, các cơ quan quản lý được giao trách nhiệm quản lý về nguồn nước, bảo vệ môi trường cần có những giải pháp hữu hiệu hơn nữa, nhằm tính toán cho thời gian sau này.

- Theo ông, chúng ta có cần đào thêm các hồ để tích trữ nước nhằm mục tiêu chống hạn và điều hòa không khí không?

Đại biểu Trần Ngọc Vinh: Điều này hoàn toàn đúng, ở các nước thường có thêm hồ chứa vừa nhằm mục đích tạo cảnh quan và giữ môi trường được điều hòa và chống ô nhiễm. Tuy nhiên, Việt Nam là nước có nhiều sông ngòi nhưng lại lấp đi nhiều. Do vậy, việc khuyến nghị đào thêm các mương hồ, nhằm tạo ra nguồn nước và lưu thông dòng chảy, tạo môi trường trong sạch là hết sức cần thiết.

Chất lượng nước Hồ Văn Chương tại quận Đống Đa được xác định ô nhiễm rất nặng. (Ảnh: Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng)

- Nhiều ý kiến cho rằng trong thời gian qua, việc sử dụng đất của chúng ta đang có nhiều bất cập. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Đại biểu Trần Ngọc Vinh: Việc sử dụng đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ và thời gian qua đã có nhiều cố gắng. Tuy nhiên, tôi cho rằng cần thống kê lại một cách căn cơ nguồn gốc của đất, phải giao cho các cơ quan quản lý phù hợp như đất nào dành cho quân sự, dân sự, phát triển công nghiệp…

Việc sử dụng đất do Bộ tài nguyên môi trường được giao nv đã có nhiều cố gắng, cũng phải thống kê lại 1 cách căn cơ nguồn gốc của đất. Hiện nay phải giao cho các cơ quan quản lý đất như thế nào cho phù hợp.

Hiện nay, chúng ta có một quỹ đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực. Tuy nhiên, tôi thấy một số nơi vẫn sử dụng đất trồng lúa để làm các khu công nghiệp, sân golf… Tôi cho rằng cần có các biện pháp tuyệt đối ngăn cấm. Ngoài ra, trong quy hoạch đất của chúng ta thường có sự điều chỉnh theo nhiệm kỳ lãnh đạo, ví dụ như nhiệm kỳ này lãnh đạo đã duyệt quy hoạch rồi nhưng nhiệm kỳ sau lại thay đổi, như vậy là không nên.

Chúng ta phải có kế hoạch rà soát toàn bộ quỹ đất, đánh giá thực trạng đang sử dụng như thế nào, có chế tài xử lý nghiêm những nơi, những địa phương, tổ chức cá nhân sử dụng đất không đúng mục đích như các dự án treo hay việc đứng ra thuê đất sau đó san lấp mặt bằng rồi nhượng lại cho một đơn vị khác để lấy lãi…

- Xin cảm ơn đại biểu!

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/dai-bieu-quoc-hoi-xu-nghiem-to-chuc-ca-nhan-buc-tu-nguon-nuoc/379549.vnp