Đại biểu Quốc hội ủng hộ phương án nghỉ Tết Nguyên đán 7 ngày

Chia sẻ ý kiến về lịch Nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 với báo chí, nhiều đại biểu Quốc hội khi được hỏi ý kiến đều đồng tình phương án nghỉ Tết Nguyên đán 2017 nên là 7 ngày.

Mới đây, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chính thức trình Chính phủ 2 phương án đề xuất lịch nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 gồm 7 ngày và 10 ngày.

Theo tờ trình, phương án thứ nhất, số ngày nghỉ Tết Nguyên đán là 5 ngày, người lao động sẽ nghỉ từ thứ Năm ngày 26/1 đến thứ Tư 1/2 (tức 29 tháng Chạp năm Bính Thân đến mùng 5 tháng Giêng năm Đinh Dậu). Tuy nhiên, do mùng 1, mùng 2 Tết Âm lịch rơi vào hai ngày cuối tuần, công chức được nghỉ bù vào mùng 4, mùng 5 Tết. Tổng cộng có 7 ngày nghỉ và không hoán đổi.

Với phương án thứ hai, người lao động nghỉ từ ngày 30 tháng Chạp năm Bính Thân đến hết ngày mùng 9 tháng Giêng năm Đinh Dậu (tức ngày 27/1 đến hết ngày 5/2). Việc hoán đổi ngày làm việc sẽ xen kẽ giữa các ngày nghỉ, công chức đi làm thứ Bảy 11/2 và nghỉ thứ Sáu ngày 3/2 để kỳ nghỉ kéo dài 10 ngày liên tục.

Ảnh minh họa.

Hiện tại, Bộ LĐTB&XH đang nghiêng về phương án thứ nhất. Bởi theo cơ quan này, phương án nghỉ 7 ngày là hài hòa, vì số ngày nghỉ trước Tết là 2 ngày không quá ngắn và nghỉ sau Tết là 5 ngày không quá dài.

Chia sẻ ý kiến về vấn đề này với báo chí, đại biểu Bùi Sỹ Lợi - Thanh Hóa rằng, phương án nghỉ Tết nào cũng phải hợp lý hợp tình và đặc biệt theo ông nên dành thêm thời gian làm việc để tăng năng suất lao động.

"Nếu dành nhiều thời gian nghỉ mà đời sống, thu nhập thấp thì chắc rằng người lao động cũng không thiết tha việc nghỉ nhiều. Tôi nghĩ lựa chọn phương án nghỉ 7 ngày là hợp lý. Việc này giải quyết được vấn đề tình cảm, mối quan hệ gia đình, quan trọng hơn là liên quan tới vấn đề kinh tế của mỗi người lao động, cũng phù hợp với đặc điểm của đất nước ta khi năng suất lao động đang ở mức thấp", theo ông Lợi.

Cũng cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa - TP. HCM cho rằng, với người lao động đi làm xa quê hương, doanh nghiệp và chủ sử dụng lao động có thể cho họ áp dụng chính sách khác, cho họ thêm thời gian nghỉ. Đối với công sở, cơ quan Nhà nước hay các thiết chế, khu vực dịch vụ công như bệnh viện, ngân hàng chỉ nên nghỉ ngắn.

"Ở các quốc gia khác, họ nghỉ nhiều đợt nhưng không quá dài. Nghỉ chính thức với một quốc gia thì không nên quá dài. Tôi đề nghị nên theo phương án nghỉ 7 ngày. Còn nếu tạo điều kiện cho người lao động nghỉ thì ta đã có chế độ nghỉ phép rồi. Nếu anh muốn nghỉ dài ngày, anh sẽ thỏa thuận với tổ chức và có thể nghỉ từ 10 ngày đến 2 tuần", ông Nghĩa chia sẻ với báo chí.

Ngày 26/10, Bộ Nội vụ cũng đã có công văn gửi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho ý kiến về phương án nghỉ Tết. Theo đó, sau khi nghiên cứu tờ trình Thủ tướng do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chuẩn bị, Bộ Nội vụ cho rằng, dịp nghỉ Tết Dương lịch vào ngày Chủ Nhật trùng với ngày nghỉ hàng tuần, công chức, viên chức sẽ được nghỉ bù vào Thứ Hai ngày 2/1/2017. Như vậy, dịp Tết Dương lịch, công chức, viên chức sẽ nghỉ từ ngày 31/12/2016 đến ngày 2/1/2017 (3 ngày) là phù hợp, không hoán đổi.

Với dịp nghỉ Tết Âm lịch (Tết Nguyên đán), Bộ Nội vụ thống nhất với Dự thảo chọn phương án 1 là nghỉ Tết theo lịch “2 ngày cuối năm Bính Thân và 3 ngày đầu năm Đinh Dậu” không hoán đổi ngày nghỉ.

Như vậy, Công chức, viên chức nghỉ Tết Âm lịch từ Thứ Năm, ngày 26/1/2017 đến hết Thứ Tư ngày 1/2/2017. Thời gian công chức, viên chức được nghỉ là 7 ngày. Do ngày Mùng 1 và Mùng 2 Tết Âm lịch tức là ngày 28-29/1/2017 Dương lịch trùng vào ngày Thứ Bảy và Chủ nhật là ngày nghỉ cuối tuần. Bộ Nội vụ nhận định phương án như vậy là phù hợp.

Hòa Lộc

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/dai-bieu-quoc-hoi-ung-ho-phuong-an-nghi-tet-nguyen-dan-7-ngay-d84095.html