Đại biểu Quốc hội: Trước khi dạy bảng cửu chương nên dạy 'xin lỗi', 'cảm ơn'

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị cần dạy trẻ cách nói: 'Xin vui lòng, xin lỗi, cảm ơn' trước khi học bảng cửu chương hay học lập trình vi tính.

Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội sáng 31/5 tại Quốc hội, nhiều ĐBQH đặt vấn đề về bạo lực học đường.

ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) chia sẻ: "Ai cũng từng trải qua giai đoạn là học sinh, ai cũng muốn hòa đồng, muốn được động viên, muốn được thể hiện bản thân, học sinh có học lực yếu thì thường có xu hướng bạo lực".

Theo ĐB, trẻ nào cũng có năng khiếu về một số lĩnh vực nào đó, không giỏi Toán, Lý, Hóa thì Văn, Sử, Địa, không giỏi ngoại ngữ, tin học sẽ nổi trội âm nhạc, hội họa, thể thao. Thầy cô và gia đình cần quan tâm, phát hiện và bồi dưỡng để học sinh nào cũng giỏi được một số môn, được công nhận năng lực.

ĐBQH đề nghị ngành giáo dục có quy chế giúp học sinh có cơ hội dù là hoạt động cá nhân hay trong nhóm được xuất hiện 1 lần/tháng trước lớp, 1 lần/năm trước trường để thể hiện bản thân, hòa nhập, thỏa mãn mong muốn được công nhận.

ĐB Nguyễn Văn Cảnh

ĐB Nguyễn Văn Cảnh

ĐB Nguyễn Văn Cảnh cũng nêu một thực trạng "con cái hay cãi lại lời khuyên của cha mẹ dù là lời khuyên đúng". Ông cho rằng một trong những lý do là cha mẹ dạy con quá nhiều thứ mà không chọn lựa thứ tự ưu tiên. Nhiều cha mẹ nói con không nghe nhưng cũng lời nói đó thầy, cô nói các em lại vâng lời.

Ông Cảnh cho rằng đối với trẻ chưa được lễ phép, cha mẹ cần dạy trẻ một cách khoa học. Phụ huynh tránh nói trẻ hỗn, vô lễ mà hướng dẫn trẻ cách làm đúng, vì tính cách ứng xử của trẻ không phải tự nhiên có mà do nghe thấy được từ người lớn.

Dẫn ví dụ trẻ em nước ngoài sau khi học thuộc bài hát ABC lại học tiếp bài hát "Please, sorry, thank you", ĐB đề nghị lớp mầm non sau khi dạy các cháu biết chữ cái ABC cần dạy tiếp cách nói: "Xin vui lòng, xin lỗi, cảm ơn" trước khi học bảng cửu chương hay học lập trình vi tính.

Đề xuất đưa giáo dục giới tính trở thành môn học độc lập

ĐB Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) lại nêu vấn đề về những hệ lụy đáng tiếc, đau lòng của quan hệ tình dục tuổi vị thành niên dù không phải là chuyện mới.

"Mang thai ở tuổi thành niên không chỉ đơn thuần là một vấn đề sức khỏe, điều này còn làm mất đi nhiều cơ hội học tập, lựa chọn của các em trong cuộc sống", nữ ĐB nói.

ĐB Đinh Thị Ngọc Dung.

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, nội dung giáo dục giới tính được đưa vào các môn học chính thức bắt buộc lồng ghép trong môn học tự nhiên xã hội từ lớp 1, 2, 3 và chương trình môn Khoa học lớp 4, 5. Ở bậc THCS, nội dung này ở cuối chương trình Sinh học lớp 8.

Tuy nhiên, theo ĐB Dung, nội dung vẫn còn mỏng, kiến thức mới dừng lại ở lý thuyết, giáo viên còn lúng túng trong triển khai dạy, học sinh mới chỉ hiểu chứ chưa áp dụng để bảo vệ bản thân.

ĐB đặt vấn đề, Bộ GD-ĐT cân nhắc, xem xét đưa giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản thành một môn học độc lập, có chương trình riêng, giáo trình riêng, nội dung được thiết kế phù hợp theo sự phát triển của từng lứa tuổi ở mỗi bậc học, ngoài giáo trình chuẩn, khoa học. Người đứng lớp phải là chuyên gia có kinh nghiệm, sẵn sàng tư vấn, giải thích thắc mắc của học sinh.

Trao đổi lại sau đó, ĐB Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) cho biết, nước ta đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, hướng đến học sinh phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, trở thành người học tích cực, tự tin, có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết.

Thế nhưng hiện nay, bạo lực học đường có những biểu hiện đáng lo ngại, theo ý kiến của ĐB Cảnh, ĐB Dung nêu những việc đau lòng của ngành giáo dục trong thời gian vừa qua phần nào đã nói lên văn hóa học đường chưa được quan tâm đúng mức. Theo ĐB, vấn đề này có nguyên nhân từ nhiều phía, từ gia đình, nhà trường và xã hội.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận đây là trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường trong việc xây dựng mối quan hệ trong nhà trường trên cơ sở tình thương, sự bao dung, lòng vị tha, sự thẳng thắn, trung thực và trách nhiệm thông qua các hoạt động diễn ra trong nhà trường, từ bài học chính khóa đến hoạt động ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng cho học sinh.

ĐB Nguyễn Thị Quyên Thanh

Bà Thanh đề nghị Bộ GD-ĐT cần đẩy mạnh chương trình bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhất là hiệu trưởng. Hiệu trưởng phải có thế giới quan khoa học để hiểu rõ, nắm vững mục tiêu giáo dục...

Cần đẩy mạnh việc tổ chức những chương trình ngoại khóa thiết thực, nhất là hoạt động đối thoại để học sinh lắng nghe và chia sẻ quan điểm, cách nhìn của học sinh về những vấn đề được dư luận quan tâm. Đây là hoạt động bổ ích để xây dựng các mối quan hệ, tạo sự đồng thuận giữa thành viên trong nhà trường.

ĐB nhấn mạnh, cần quan tâm xây dựng tốt mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình. Trong mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình lâu nay đòi hỏi nhiều về trách nhiệm của phụ huynh mà quên rằng phụ huynh cũng cần phải hiểu về mục tiêu của nhà trường, phải có những thông tin minh bạch để tạo niềm tin.

Trần Thường

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dai-bieu-quoc-hoi-truoc-khi-day-bang-cuu-chuong-nen-day-xin-loi-cam-on-2149233.html