Đại biểu Quốc hội tranh luận về phương án xử lý tài sản không rõ nguồn gốc

Sáng nay (25/10), Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Trong đó, nội dung được các đại biểu quan tâm là các phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc.

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn của Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, liên quan đến quy định phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc (Điều 52), sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng phân tích ưu, nhược điểm của từng phương án: Phương án thu thuế; phương án xử phạt hành chính; phương án xem xét, giải quyết tại tòa án.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho ý kiến về hai phương án: Phương án 1, việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc sẽ do tòa án xem xét, quyết định. Trong trường hợp kết luận tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành kết luận xác minh, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phải chuyển kết luận xác minh và các tài liệu có liên quan đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình và xử lý đối với tài sản, thu nhập này.

Phương án 2: Trường hợp kết luận tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc và cơ quan có thẩm quyền cũng không chứng minh được tài sản, thu nhập này do vi phạm pháp luật mà có thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành kết luận xác minh, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập chuyển vụ việc cho cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền yêu cầu thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật. Việc thu thuế này không loại trừ việc xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản đối với người có nghĩa vụ kê khai, nếu các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xử lý vi phạm hành chính, giải quyết vụ án hình sự mà chứng minh được tài sản, thu nhập này do vi phạm pháp luật mà có.

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho rằng, việc đưa ra tòa sẽ có nhiều điểm vướng về quyền sở hữu tài sản đã đăng ký, đồng thời sẽ phát sinh quá nhiều vụ việc cho tòa.

Theo đại biểu Phương, nếu các cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan điều tra không chứng minh được tài sản thu nhập do vi phạm pháp luật mà có thì không thể có chứng cứ, cơ sở pháp lý để quy tội nên không thể chuyển cho tòa án giải quyết. Bên cạnh đó, tài sản thực tế của cá nhân nếu cơ quan có thẩm quyền không chứng minh được nhưng lại giao cho tòa án xử lý thu hồi là vi phạm Hiến pháp. Ngoài ra, nếu không chứng minh được vi phạm mà tiến hành thu hồi tài sản là khó khả thi, nếu cố tình thi hành án hoặc cưỡng chế sẽ phát sinh nhiều hệ lụy khó lường, gây bất an trong xã hội. Hơn nữa, việc làm này chẳng khác nào làm khó cho tòa án, rất dễ phát sinh tiêu cực, làm mất cán bộ và suy giảm niềm tin của người dân, làm tăng số lượng vụ án, thời gian xét xử. Đại biểu Phương đồng tình với phương án 2, nếu không chứng minh được về nguồn gốc tài sản tăng thêm nên chuyển cơ quan thuế.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình)

Tranh luận về phương án xử lý tài sản không rõ nguồn gốc, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng, tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ chuyển kết luận xác minh và các tài liệu có liên quan để yêu cầu tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định là phương án có nhiều ưu điểm. Tuy vậy, để phương án này khả thi cần làm rõ hai vấn đề: Người kê khai có nghĩa vụ giải trình nhưng cơ quan quản lý thu nhập không đồng ý nên chuyển ra tòa, lúc này nghĩa vụ chứng minh thuộc về tòa án; cần tăng thêm nguồn lực cho tòa án để thực thi nhiệm vụ.

Anh Đức

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tranh-luan-ve-phuong-an-xu-ly-tai-san-khong-ro-nguon-goc-d2057195.html