Đại biểu Quốc hội tranh luận sôi nổi về áp thuế VAT 5% với phân bón
'Để nâng cao tính cạnh tranh với phân bón phải nâng cao năng suất, đổi mới công nghệ chứ không thể để người nông dân vốn còng lưng lo cày cấy lại phải gánh thêm thuế VAT 5% thì rất tội cho họ'.
Thảo luận về Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi, liên quan đến quy định chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang áp dụng thuế suất 5%, bên cạnh những ý kiến đồng tình còn có ý kiến khác đề nghị giữ như quy định hiện hành, vì lo ngại khi đánh thuế 5% sẽ làm tăng mặt bằng giá phân bón trên thị trường và người nông dân sẽ phải chịu tác động trực tiếp, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm nông nghiệp.
Thống nhất với đề xuất Chính phủ, chuyển phân bón từ không chịu thuế sang chịu thuế VAT 5%, đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) nhận định, thuế GTGT đối với phân bón được sửa đổi từ năm 2014 tại Luật Thuế GTGT 2014, chuyển từ diện đang chịu thuế suất 5% sang diện không chịu thuế.
Chính sách này đã gây ảnh hưởng bất lợi rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước suốt thời gian vừa qua, vì thuế GTGT đầu vào của các doanh nghiệp này không được khấu trừ, phải hạch toán vào chi phí, bao gồm cả thuế đầu vào rất lớn đối với đầu tư, mua sắm tài sản cố định, làm giá thành sản xuất trong nước tăng cao, không thể cạnh tranh với nhập khẩu.
Trong khi đó, phân bón chiếm tỷ trọng cao nhất ngành trồng trọt. Nếu không chịu thuế VAT, phân bón nhập khẩu hưởng lợi. Doanh nghiệp trong nước sản xuất phân bón bị phân biệt đối xử, dấn đến nguy cơ phá sản, phải ngừng sản xuất.
“Nếu chuyển từ miễn thuế sang áp thuế VAT 5% đối với mặt hàng phân bón sẽ có lợi cho 3 nhà: Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân; Giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu phân bón, góp phân nâng cao năng suất cây trồng, phát triển nông nghiệp bền vững” - đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn (đoàn Thanh Hóa) phát biểu
Cùng phát biểu về nội dung trên, đại biểu Cầm Thị Mẫn (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, tỷ trọng phân bón nhập khẩu chỉ chiếm 27%, trong khi đó phân bón chịu sự kiểm soát bình ổn giá của nhà nước. Nếu áp thuế VAT 5% đối với mặt hàng phân bón sẽ hỗ trợ, phục hồi sản xuất mặt hàng này trong nước, dẫn đến hạ giá thành. Từ đó, cả doanh nghiệp và người nông dân đều được hưởng lợi.
Phát biểu tranh luận, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cũng ủng hộ việc áp thuế VAT 5% cho mặt hàng phân bón. Theo đại biểu, chúng ta đang bước vào kỷ nguyên vươn mình, hướng tới tự lập, tự cường nhưng đang phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, các mặt hàng sản xuất trong nước như thuốc thú y, phân bón kém phát triển từ nhiều năm nay.
“Tôi rất thông cảm, ủng hộ nông dân nhưng nếu doanh nghiệp sản xuất phân bón phá sản, hàng nghìn, hàng triệu công nhân làm việc trong đó sẽ ra sao? Tôi tin rằng, khi chúng ta tự chủ được thì Chính phủ sẽ có các biện pháp giảm gánh nặng cho người tiêu dùng” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Bắc Giang) thảo luận
Không đồng tình về việc áp thuế VAT 5% đối với phân bón, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Bắc Giang) lại cho rằng, người nông dân khi đi mua phân bón không được khấu trừ đầu vào vì không có hóa đơn, nếu đánh thuế 5% thì người nông dân phải chịu.
Theo đại biểu, để nâng cao tính cạnh tranh đối với mặt hàng phân bón phải tăng cường năng lực quản trị, nâng cao năng suất, đổi mới công nghệ chứ không thể để mấy người nông dân còng lưng lo cày cấy lại phải gánh thêm mức thuế 5% thì rất tội cho họ.