Đại biểu Quốc hội tranh luận nên lấy phiếu tín nhiệm 2 mức hay 3 mức?

Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm đã mang lại hiệu ứng tích cực, những đóng góp của người được lấy ý kiến đã được ghi nhận một cách công bằng.

Ngày 26/3, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên thảo luận.

Lấy phiếu tín nhiệm có mang tính hình thức?

Đề cập đến việc lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp, đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng, đây là hoạt động được người dân kỳ vọng cũng là thước đo trong đánh giá cán bộ, là cơ hội để những lãnh đạo chính trực tỏa sáng thêm một lần nhưng đồng thời cũng đòi hỏi các đại biểu phải thẳng thắn, dám đấu tranh, khách quan, công bằng trong đánh giá tín nhiệm.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đã mang lại hiệu ứng tích cực, những đóng góp của người được lấy ý kiến đã được ghi nhận một cách công bằng.

“Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri, chúng tôi cũng nhận được câu hỏi của người dân là ông bà có nhận thấy việc lấy phiếu tín nhiệm mang tính chất hình thức hay không? Tôi hiểu và cảm nhận được rằng, đằng sau câu hỏi đó là sự băn khoăn, lo lắng của người dân. Có lẽ cử tri chờ đợi điều gì đó nhiều hơn thế” – đại biểu Mai chia sẻ. Theo đại biểu, tới đây, khi tổ chức thực hiện lấy phiếu tín nhiệm cần quan tâm đến hai khía cạnh, trước hết là các mức lấy phiếu tín nhiệm. Việc để 3 mức khó lượng hóa, khó so sánh trong việc đánh giá kết quả giữa những đối tượng được lấy phiếu xin ý kiến. Vấn đề nữa là số lần lấy phiếu tín nhiệm, chúng ta đang lấy phiếu tín nhiệm một lần, song để đánh giá được những cố gắng, những tiến bộ của người được lấy phiếu tín nhiệm thì một số ý kiến đề xuất, nên chăng thực hiện hai lần trong một nhiệm kỳ.

Khác với quan điểm của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đại biểu Ngô Trung Thành (Đắc Lắc), cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm 3 mức là phù hợp vì mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm không phải để miễn nhiệm mà để xem xét sự tín nhiệm của đại biểu đối với thành viên Chính phủ. Đại biểu Ngô Trung Thành cũng cho rằng, không có nguy cơ tham nhũng chính sách trong nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua.

Đại biểu Ngô Trung Thành

Không đồng ý với quan điểm trên, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai rằng, hiện nay chúng ta đang để ba mức: tín nhiệm, tín nhiệm cao và tín nhiệm thấp. Việc để 3 mức có thể đề cao tính nhân văn, nhưng có thể ảnh hưởng đến tính mạch lạc trong việc đánh giá. “Xét dưới góc đội toán học thì việc để 3 mức đánh gái khó lượng hóa chính xác. Chúng tôi đã thử tính toán, rất khó cho ra kết quả cuối cùng và cũng rất khó so sánh kết quả ai cao hơn, ai thấp hơn. Phương án đánh giá 3 mức nhân văn hơn nhưng kết quả không chính xác tuyệt đối. Chỉ đánh giá 2 mức thì độ chính xác cao hơn”. – đại biểu phản biện, đồng thời việc dự báo, cảnh báo nguy cơ tham nhũng chính sách là cần thiết chứ không nên chỉ đánh giá 1 chiều mà không có cảnh báo những nguy cơ.

Lần đầu tiên các báo cáo tư pháp trình Quốc hội đã bỏ dấu mật

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), qua hoạt động giám sát của Quốc hội đã góp phần tăng cường sự công khai, minh bạch của lĩnh vực tư pháp. Có thể nói, nhiều nhiệm kỳ trước đây, thậm chí là hai năm đầu của nhiệm kỳ này, báo cáo công tác của một số cơ quan tư pháp gửi Quốc hội vẫn đóng dấu mật. Việc đóng dấu mật như vậy, một mặt làm khó cho các Ủy ban của Quốc hội khi tiến hành thẩm tra, giám sát; mặt khác lại làm khó cho các đại biểu Quốc hội khi thảo luận và phát biểu ý kiến tại nghị trường, nhất là khi muốn đánh giá kỹ lưỡng, chi tiết về một vấn đề cụ thể. Người dân cũng khó có thể có được những thông tin đầy đủ về hoạt động tư pháp.

Tuy nhiên, sau nhiều phiên trao đổi, thảo luận và làm việc kỹ lưỡng với các cơ quan tư pháp, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho biết, 3 năm trở lại đây, tất cả các báo cáo công tác của khối các cơ quan tư pháp gửi Quốc hội đều đã bỏ dấu mật. Các thông tin, số liệu thuộc diện mật theo quy định của pháp luật đã được rà soát để đưa riêng vào phụ lục. Thậm chí, trong nhiệm kỳ Khóa XIV, Quốc hội còn bố trí một phiên thảo luận về tư pháp và phát thanh truyền hình trực tiếp với các cử tri.

“Những đổi mới, công khai, minh bạch như vậy đã tạo điều kiện để các cử tri có được những thông tin đầy đủ, từ đó đánh giá khách quan về hoạt động tư pháp, cũng như chia sẻ những khó khăn, vất vả của các cơ quan tư pháp. Việc công khai, minh bạch đã đặt ra yêu cầu các đại biểu Quốc hội phải hoạt động chất lượng hơn, trách nhiệm hơn. Đặc biệt đã tạo ra áp lực với cơ quan tư pháp phải luôn phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao giao”, - đại biểu Nguyễn Thị Thủy nói.

Cùng với đó, Quốc hội đã giao chỉ tiêu cho lĩnh vực tư pháp cao hơn và chặt chẽ hơn so với nhiệm kỳ trước. Trong lịch sử hoạt động của Quốc hội, lần đầu tiên nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về tư pháp và giao chỉ tiêu cho từng hoạt động. Trải qua một nhiệm kỳ hoạt động trong nhiệm kỳ Khóa XIV vào năm 2019, Quốc hội đã tiến hành tổng kết và sửa các Nghị quyết về tư pháp theo hướng: Đã tích hợp tất cả những Nghị quyết về tư pháp vào một Nghị quyết chung để thuận cho việc áp dụng; đã giao chỉ tiêu cao hơn đối với nhiều hoạt động; đưa ra các định lượng cụ thể đối với những chỉ tiêu mà trước đây còn giao chung. Trong điều kiện số lượng án tăng mạnh so với nhiệm kỳ trước và biên chế phải giảm so với yêu cầu chung, đại biểu cho rằng, đây là áp lực rất lớn đối với các cơ quan tư pháp. Tuy nhiên, đây cũng là đòi hỏi của Nhân dân về một nền tư pháp ngày càng hiệu quả hơn. Về quá trình giao chỉ tiêu, Quốc hội đã thảo luận nhắc kỹ lưỡng các mặt. Một mặt là để bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế nhưng vẫn tạo động lực để các cơ quan công tác phấn đấu cao hơn.

Phương Thủy

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/dai-bieu-quoc-hoi-tranh-luan-nen-lay-phieu-tin-nhiem-2-muc-hay-3-muc-635221/