Đại biểu Quốc hội tha thiết đề nghị luật hóa việc từ chức

Bày tỏ sự không hài lòng khi Trung ương đã có quy định về trách nhiệm nêu gương nhưng khi xảy ra vụ gian lận thi cử nghiêm trọng thì không ai xin từ chức, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị nên luật hóa vấn đề này.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí - Hà Nội

ĐBQH Nguyễn Anh Trí - Hà Nội

Chiều 3/6, thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, ĐB Nguyễn Anh Trí - TP Hà Nội bày tỏ sự đồng tình với nguyên tắc ưu tiên đưa vào chương trình các dự án để triển khai thực hiện các Nghị quyết, kết luận của trung ương, chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư.

“Tôi nghĩ đây phải là một ưu tiên thực sự. Các ý kiến của trung ương, của Bộ Chính trị rất trí tuệ, rất đúng đắn và mang hơi thở cuộc sống”, ông Trí nói.

Tuy nhiên, để triển khai được các quy định của Trung ương, ông Trí đề nghị phải luật hóa. Nêu ví dụ về quy định về trách nhiệm nêu gương, trong đó nhấn mạnh, cán bộ thấy sai, không đủ điều kiện, không còn tín nhiệm thì nên chủ động từ chức, nhưng theo ông Trí, vụ gian lận thi cử nghiêm trọng cũng không thấy ai xin từ chức. “Tôi tha thiết Quốc hội phải luật hóa về vấn đề từ chức”, ông Trí nêu quan điểm.

Dẫn thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng nêu ý kiến của ông Park Hang Seo rằng: “Ở Việt Nam tôi thấy quá nhiều huấn luyện viên”, ông Trí nói: “ Tôi nghe vừa buồn cười và vừa đau xót, đó là một sự thật”.

Theo ông Trí, ở nước ta đã có hiện tượng ai cũng muốn là đại biểu Quốc hội, là đại biểu Quốc hội xuất sắc và cho rằng ý kiến của mình luôn đúng. “Cần thấy Quốc hội là dân chủ và Quốc hội phải theo đa số. Quốc hội là dân chủ khi phát biểu và đại biểu Quốc hội chỉ có quyền bấm nút thay mặt cử tri, nhưng chỉ được một nút, tức là bằng một phiếu. Nếu mình thuộc thiểu số thì phải chấp nhận, đó là nguyên tắc”, ông Trí nói.

Đề nghị xây dựng luật tự phê bình và phê bình

Phát biểu ý kiến, ĐBQH Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau) cho rằng, luật của chúng ta ban hành thường thiếu tính ổn định, chỉ một vài năm là phải sửa, thậm chí có luật vừa ban hành đã phải sửa. Một số quy định còn mang tính khẩu hiệu, dẫn đến tình trạng đặc lợi, đặc quyền, lợi ích nhóm...

Bên cạnh đó, còn có mâu thuẫn chồng chéo giữa các đạo luật, giữa các điều luật trong cùng một luật. “Đề nghị cần có chiến lược lập pháp dài hạn, bài bản hơn, xác định rõ trật tự ưu tiên trong việc ban hành các đạo luật”, ông Giang nói.

ĐBQH Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa) cũng cho rằng, phải có biện pháp khắc phục việc xây dựng pháp luật chậm, chất lượng kém, chưa đạt yêu cầu. “Những câu chuyện này kéo dài và hình như kỳ họp nào cũng có đại biểu đề cập nhưng chưa có giải pháp và chưa có hiệu quả”, ông Thuấn nói.

ĐBQH Nguyễn Bắc Việt. Ảnh: Như Ý

Góp ý vào chương trình xây dựng pháp luật, đại biểu Nguyễn Bắc Việt (đoàn Ninh Thuận) cho rằng, cần căn cứ vào chủ trương của Đảng, từ thực tiễn, ý kiến, nguyện vọng của nhân dân. Ông Việt đề nghị bổ sung hai dự án luật vào chương trình, bao gồm dự án luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và luật tự phê bình và phê bình.

“Từ nội dung, chủ trương của Đảng về quy chế nêu gương, ta nên xây dựng luật tự phê bình và phê bình, gắn với việc nêu gương, từ chức nữa. Luật tự phê bình và phê bình hợp với điều kiện, thể chế chính trị của ta”, ông Việt nói.

Cần có luật định hướng ứng xử với người chuyển giới

Thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, ĐBQH Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) đề nghị bổ sung thêm dự thảo luật chuyển đổi giới tính.

Theo bà Ánh, hiện nay số lượng người trong cộng đồng LGBT tại Việt Nam chiếm một số lượng lớn với khoảng 700 nghìn người, đó là chưa kể những người chưa dám công khai về giới. “Họ ở nhiều lứa tuổi, ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, là một bộ phận dân cư trong xã hội nước ta”, bà Ánh nói.

Bà Ánh cho biết, theo hiến pháp năm 2013, cộng đồng LGBT nói chung và người chuyển giới nói riêng có đầy đủ mọi quyền con người, quyền công dân như những cá nhân khác và được quyền đóng góp cho những lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tuy nhiên trên thực tế họ đang đối diện với sự phân biệt đối xử, kỳ thị, xâm phạm nhân phẩm danh dự trong đời sống xã hội, việc làm, sinh hoạt cộng đồng và ngay cả trong gia đình chỉ vì họ muốn được sống với chính giới tính thật sự của mình.

“Họ được coi là người yếu thế trong xã hội. Chính vì vậy, cần phải có sự điều chỉnh của pháp luật để có sự định hướng cách nhìn nhận, ứng xử của cộng đồng, xã hội đối với người chuyển giới một cách khách quan, đúng đắn nhằm đảm bảo được các quyền của người chuyển giới”, bà Ánh nói.

Bà Ánh cũng cho biết thêm, trong thời gian qua chúng ta đã có những nỗ lực rất lớn và tạo ra các bước đột phá trong việc công nhận một số quyền cho người chuyển giới được thể hiện trong bộ luật dân sự 2015. Điều đó đã thể hiện tính ưu việt trong chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với đối tượng yếu thế này.

“Tuy nhiên quy định trong bộ luật dân sự 2015 chỉ mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể, rõ ràng, các điều trong bộ luật còn quy định chung chung nên chưa thực thi được trong thực tế. Trong khi đó người chuyển đổi giới có rất nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến lao động việc làm, điều kiện sống, các dịch vụ y tế liên quan đến chuyển đổi giới tính, sự công nhận liên quan đến tình trạng hôn nhân các quan hệ gia đình được xác nhận trước và sau khi chuyển đổi giới tính nên không thể chỉ gói gọn trong một số điều của bộ luật dân sự mà cần được quy định cụ thể trong văn bản luật chuyên nghiệp”, bà Ánh nói.

Theo bà Ánh, chỉ đến khi nào ban hành luật về chuyển đổi giới tính cùng với việc điều chỉnh một số luật như luật Hôn nhân gia đình, luật Hộ tịch, luật Bảo hiểm, luật Lao động sửa đổi... thì các chính sách này mới có thể thực thi được trong thực tế và đó là điều mong ước khao khát được chờ đợi bao lâu nay của cộng đồng LGBT của Việt Nam nói chung và người chuyển giới nói riêng.

Văn Kiên- Trường Phong

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/dai-bieu-quoc-hoi-tha-thiet-de-nghi-luat-hoa-viec-tu-chuc-1424002.tpo