Đại biểu Quốc hội: Sửa 37 luật liên quan đến quy hoạch là rất khó

Chiều 24/10, các ĐBQH thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch. Hầu hết các ĐB đều cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch là cần thiết, tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, góp phần tháo gỡ những vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch ngành; góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh và đảm bảo nguồn kinh phí cho việc lập quy hoạch cho thời kỳ 2021 - 2030.

Các ĐBQH đoàn Hà Nội thảo luận tại tổ.

Sửa đổi, bổ sung 37 luật

Trước đó, tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật này. Trong dự kiến của Quốc hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật quy hoạch sẽ sửa đổi, bổ sung 4 luật thuộc lĩnh vực giao thông vận tải; 7 luật thuộc lĩnh vực tài nguyên, môi trường; 3 luật thuộc lĩnh vực nông nghiệp; 4 luật thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ; 3 luật thuộc lĩnh vực thông tin, truyền thông; 2 luật thuộc lĩnh vực xây dựng; 2 luật thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch; 1 luật thuộc lĩnh vực quốc phòng; 2 luật thuộc lĩnh vực y tế; 2 luật thuộc lĩnh vực công thương; 2 luật thuộc lĩnh vực lao động, thương binh, xã hội; 4 luật thuộc lĩnh vực tài chính; 1 luật thuộc lĩnh vực tư pháp. Tổng cộng là 37 Luật.

Thẩm tra dự án này, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với Luật Quy hoạch và đáp ứng yêu cầu có hiệu lực thi hành cùng với Luật Quy hoạch từ ngày 1/1/2019.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung các luật cần lấy Luật Quy hoạch làm gốc, các luật khác có liên quan phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với Luật Quy hoạch. Các luật khác không quy định lại, quy định trái nội dung đã được quy định tại Luật Quy hoạch; bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ; bảo đảm thứ bậc của các loại quy hoạch, không quy định cùng một cấp có hai quy hoạch với nội dung và giá trị pháp lý như nhau.

Ngoài ra, các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch cấp quốc gia, Quy hoạch vùng và Quy hoạch tỉnh cần quy định cụ thể về phạm vi, nội dung, bảo đảm không có sự trùng lặp nội dung giữa các quy hoạch; thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch.

Về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, Ủy ban Kinh tế tán thành với Tờ trình của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung 37 luật có liên quan nhằm bảo đảm thống nhất với Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, không để sót các quy định liên quan cần sửa đổi, bổ sung. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu, cân nhắc tên gọi của dự án Luật là “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch” để thống nhất với tên gọi của Luật sửa đổi, bổ sung 11 luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5.

Không thể bỏ quy hoạch đất trồng lúa

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số Luật liên quan đến Luật Quy hoạch, các ĐB bày tỏ băn khoăn về một số vấn đề. ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu: Giữa báo cáo và tờ trình của Chính phủ với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế có những điểm chưa thống nhất. Trong tờ trình của Chính phủ, phần lớn các quy hoạch của các ngành có xu hướng thay đổi, điều chỉnh nội dung. Trong khi báo cáo của Ủy ban Kinh tế cho rằng, một số quy hoạch mang tính chất ngành cần lược bỏ hoặc giữ lại, trong đó, số quy hoạch cần lược bỏ nhiều hơn.

ĐB đồng tình rằng, những quy hoạch mang tính quy hoạch sản phẩm thì bỏ đi. Tuy nhiên, phải hiểu rằng, quy hoạch là một trong những công cụ quan trọng nhất để quản lý nhà nước. Do đó, những nội dung, đối tượng nhà nước còn cần quản lý thì phải giữ lại.

Cũng theo ĐB Hoàng Văn Cường, liên quan đến vấn đề quy hoạch đất đai, trong tờ trình của Chính phủ vẫn còn phương án quy hoạch đất đai tỉnh, lồng trong quy hoạch tỉnh. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị bỏ quy hoạch này. Chúng ta phải hiểu rằng, quy hoạch thực chất là phân bổ các nguồn lực sao cho hợp lý, hiệu quả. Nếu có cách phân bổ khác nhau, hiệu quả đất đai sẽ khác nhau, nên nguồn lực đất đai không thể không có quy hoạch.

Bên cạnh đó, theo ĐB Hoàng Văn Cường, Ủy ban Kinh tế đề nghị bỏ quy hoạch đất trồng lúa, vì không phù hợp. Nhưng thực tế, lúa là tài nguyên của nhân loại vì diện tích trồng lúa trên thế giới không nhiều. Một quốc gia nông nghiệp như Việt Nam càng không thể bỏ quy hoạch đất trồng lúa.

Bày tỏ đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về Dự án sửa đổi, bổ sung một số luật có liên quan đến Luật Quy hoạch, từ quan điểm xây dựng luật cho đến bố cục, nội dung cơ bản của luật, tuy nhiên, ĐB Nguyễn Doãn Anh (Hà Nội) nhấn mạnh việc phải lấy Luật Quy hoạch làm gốc, các luật liên quan sửa đổi, bổ sung phù hợp với luật gốc. Mặt khác, tránh lợi dụng kẽ hở để điều chỉnh luật, tạo lợi ích nhóm. Về việc sửa 37 luật liên quan đến Luật Quy hoạch, ĐB Nguyễn Doãn Anh đặt câu hỏi: “Không biết có nước nào sửa luật như chúng ta hay không? Tôi đồng ý là chúng ta đang trong quá trình phát triển, thì cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, thể chế, sửa đổi luật có liên quan đến Luật Quy hoạch là hết sức hữu quan. Tuy nhiên, sửa 37 luật liên quan đến 1 luật là quá nhiều và gây khó khăn khi triển khai thực hiện”.

Tương tự, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TP.HCM) cho rằng, sửa 37 luật là rất khó vì trong mỗi luật lại tách riêng ra các điều, sẽ phá vỡ tính hệ thống của các luật đã ban hành trước. Do đó, ĐB đề nghị ban hành luật chỉ gói gọn trong hai điều: Tất cả những điều trong luật hiện hành mà trái thì cần sửa đổi, ban hành liền để thực hiện ngay Luật Quy hoạch. Quốc hội giao cho Chính phủ rà soát lại và tham mưu để điều chỉnh các luật khác.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Thanh Hóa) thì đánh giá cao quy định “Bảo đảm thứ bậc của các loại quy hoạch, không quy định cùng một cấp có hai quy hoạch với nội dung và giá trị pháp lý như nhau. Các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh cần quy định cụ thể về: phạm vi, nội dung, bảo đảm không có sự trùng lặp nội dung giữa các quy hoạch; thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch...”.

Theo ông, trước đây chúng ta có hàng chục nghìn quy hoạch và mất hàng chục nghìn tỉ đồng để quy hoạch, vấn đề ở đây là tháo gỡ về mặt thể chế nhưng có mối liên quan gì đến quy hoạch trước đây không? Đây là vấn đề rất khó khăn của các địa phương nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện cho các địa phương toàn quyền quyết mọi vấn đề.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/dbqh-sua-37-luat-lien-quan-den-quy-hoach-la-rat-kho.aspx