Đại biểu Quốc hội: Quan trọng là phải giải quyết được vấn đề nhức nhối về giao thông

Tham gia tranh luận về một số vấn đề liên quan đến Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk), việc tách thành 2 luật là cần thiết vì đây là 2 lĩnh vực, 2 mặt của vấn đề, đó là đảm bảo trật tự an toàn giao thông và xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Xuân, Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ có đối tượng điều chỉnh là nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông, điều chỉnh hành vi vi phạm của người tham gia giao thông, góp phần phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn giao thông, duy trì trật tự giao thông góp phần bảo vệ quốc phòng an ninh, đảm bảo phát triển kinh tế xã hội. Mục tiêu của luật này là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của con người và tài sản hợp pháp của cá nhân, cơ quan tổ chức, bảo vệ môi trường sống của người dân.

Luật Giao thông đường bộ có đối tượng điều chỉnh là cơ sở vật chất kỹ thuật, quản lý giao thông đường bộ nhằm mục tiêu phát triển KTXH.

Theo Đại biểu Xuân, việc quy định đầy đủ các biện pháp cơ chế thực hiện, nâng cao trách nhiệm từng bộ ngành hướng đến chuyên sâu hóa trong từng lĩnh vực là cần thiết.

Địa biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk)phát biểu thảo luận

Địa biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk)phát biểu thảo luận

Phát biểu thảo luận, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) cho biết, hai dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Giao thông đường bộ sửa đổi đã được Chính phủ trình, Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ trưởng Bộ GTVT đồng ý một số nội dung, trong đó có việc chuyển quản lý nhà nước về cấp Giấy phép lái xe cho Bộ Công an. Thường vụ Quốc hội cũng đã thảo luận sôi nổi về nội dung này. Các dự án luật cũng đã được thẩm tra theo đúng quy trình. Đa số đại biểu đã ấn nút thông qua chương trình sửa đổi nội dung kỳ họp, trong đó có việc thảo luận, xem xét 2 dự án luật trên.

Đại biểu Cương còn cho rằng, công tác quản lý nhà nước về giao thông và nhiều lĩnh vực khác có sự chồng chéo.

“Vấn đề an toàn thực phẩm liên quan đến nhiều bộ như Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT nên cũng đã có nhiều tranh luận. Trong lĩnh vực giao thông, sự chồng chéo trùng lặp cần được xem xét tổng thể theo hướng làm sao để giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông trong đó cấp phép lái xe chỉ là nội dung nhỏ.

Bộ GTVT quản lý nhà nước về hạ tầng, phương tiện đăng kiểm, còn đăng ký phương tiện lưu hành, xử lý vi phạm giao cho Bộ Công an, thương vong giao Bộ Y tế. Thực tế cần xem xét lại việc phân công quản lý nhà nước đã hợp lý chưa, nếu cải tiến thì nên phân công lại ra sao?” – Đại biểu Cương phân tích.

Cũng theo Đại biểu Cương, “có đại biểu nói cấp phép lái xe có tiêu cực song không phải vì lý do này mà để bộ này hay bộ khác quản lý. Việc chia tách dự án luật phải quan trọng nhất là phải xem trong phân công quản lý Nhà nước như dự thảo trình Quốc hội có giúp gì cho việc giải quyết vấn đề nhức nhối giao thông hiện nay không”.

Đồng tình với quan điểm trên, Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) phát biểu, việc tách hay không tách thành 2 luật là chuyện bình thường không ảnh hưởng đến sự thống nhất của pháp luật và dù có giao cho Bộ nào làm thì phải quan tâm đến tính hiệu quả.

Hoạt động quản lý Giấy phép lái xe không chỉ là hoạt động giao thông vận tải, quản lý an toàn giao thông đơn thuần mà còn là vấn đề đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia. Quản lý người điều khiển phương tiện còn là quản lý công cụ phương tiện gây án, thậm chí có thể là hoạt động khủng bố…

P.V

Huệ Linh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dai-bieu-quoc-hoi-quan-trong-la-phai-giai-quyet-duoc-van-de-nhuc-nhoi-ve-giao-thong-post450251.antd