Đại biểu Quốc hội: 'Quản lý Phòng cháy chữa cháy đang vừa đá bóng, vừa thổi còi'

Theo ĐB Nguyễn Sĩ Cương, một sự bất cập trong công tác quản lý PCCC 'vừa đá bóng, vừa thổi còi'. Cơ quan phòng cháy, chữa cháy ở cấp quận, huyện vừa là cơ quan phê duyệt phương án phòng cháy, chữa cháy nhưng đồng thời cũng là cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra.

Người cung cấp sản phẩm cũng phải chịu trách nhiệm

ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) trong phần phát biểu tại phiên thảo luận về việc thực hiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã nêu lên trách nhiệm của ngành Điện trong việc đảm bảo an toàn nguồn điện bên trong các ngôi nhà mà theo ông, “đây là một nguyên nhân ít được quan tâm".

“57% thuộc nguyên nhân về điện, nhưng trong thực tế thì trách nhiệm của ngành Điện đến nay chủ yếu là lo được khâu an toàn đến công tơ bán điện cho hộ sử dụng, còn cả quá trình sử dụng sau công tơ thì gần như bỏ mặc cho đối tượng mua điện, ít quan tâm xem họ sử dụng có thực sự an toàn hay chưa, nguy cơ tiềm ẩn ra sao” - ĐB tỉnh Bắc Giang nêu quan điểm.

Cũng với lập luận trên, ĐB Lâm cho rằng, đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu, “cứ có khách đến mua là bán, ít quan tâm xem các thiết bị mua, chứa đựng xăng dầu đó có đảm bảo an toàn hay không, "thậm chí không biết người mua để sử dụng vào mục đích gì, mang can đến mua cũng bơm và bán, không biết rằng xăng dầu này còn có thể sử dụng vào mục đích gì nữa, có nguy cơ cung cấp cho khủng bố có khi cũng không hay.”

Theo ĐB Trần Văn Lâm thì trong thực tế, người cung cấp là người hiểu rõ nhất tính chất nguy hiểm, nguy cơ cháy nổ mà các sản phẩm của mình cung cấp ra cho xã hội. Họ cũng là những người có kinh nghiệm nhất trong phòng ngừa cháy, nổ đối với những sản phẩm của mình cung cấp, cũng như là các biện pháp xử lý cần thiết nếu xảy ra cháy, nổ do các sản phẩm đó gây ra. Tuy nhiên, những đối tượng cung cấp sản phẩm này lại “gần như vô can” nếu tai nạn cháy nổ xảy ra do lỗi yếu kém của người sử dụng.

“Giả sử mỗi người cung cấp có trách nhiệm hơn, có ý thức hơn đối với sản phẩm, dịch vụ do mình cung cấp trong suốt quá trình sử dụng, khai thác, vận hành của khách hàng, hướng dẫn tận tình hơn, quan tâm theo dõi, kiểm tra, kịp thời tư vấn, nhắc nhở sai phạm, thậm chí từ chối cung cấp dịch vụ, sản phẩm nếu như không đảm bảo an toàn, như vậy chắc chắn cháy nổ sẽ được hạn chế rất nhiều” - ông Lâm nói.

ĐB tỉnh Bắc Giang đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết quan tâm tới việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường quản lý nhà nước, theo hướng gắn trách nhiệm nhiều hơn nữa của người cung cấp sản phẩm, dịch vụ có nguy cơ cháy, nổ với quá trình khai thác, sử dụng của các sản phẩm sau này trong đời sống kinh tế - xã hội.

ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang): "Các cơ sở kinh doanh xăng dầu, “cứ có khách đến mua là bán, thậm chí không biết người mua để sử dụng vào mục đích gì

ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang): "Các cơ sở kinh doanh xăng dầu, “cứ có khách đến mua là bán, thậm chí không biết người mua để sử dụng vào mục đích gì

“Đi đêm” với chủ đầu tư là tội ác

Trong phần thảo luận của mình, ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đã nhấn mạnh: Nếu thảm kịch 39 người chết trong xe container làm cả thế giới rung động, bàng hoàng thì thảm cảnh chết do cháy còn gấp đôi số đó. Chưa kể số người bị thương gấp 5 lần. Hàng ngàn tỷ thiệt hại, hàng ngàn hecta rừng bị thiêu rụi và đó chỉ là con số trung bình một năm mà báo cáo đã nêu.

Theo ĐB Nhân, hơn 1 năm kể từ sau thảm kịch cháy chung cư Carina, nhiều người dân ở chung cư vẫn chưa hết giật mình mỗi khi chợt nghe tiếng còi cứu hỏa, điều gì có thể bù đắp những mất mát và giúp họ quên đi ký ức kinh hoàng khi chứng kiến người thân ra đi trong ngọn lửa quá khủng khiếp, vậy nhưng phòng, cháy chữa cháy còn quá nhiều tồn tại, thiếu sót.

Nêu lên một thực tế là các vụ cháy do hệ thống sự cố thiết bị điện chiếm 57%, ĐB Nhân hỏi “liệu có bình thường?”.

“Có nghịch lý không khi càng tổ chức các buổi kiểm tra, tuyên truyền, huấn luyện, càng phát hành pano, khẩu hiệu thì cháy xảy ra càng nhiều. Trong giai đoạn giám sát gần 150.000 lớp tuyên truyền, huấn luyện được tổ chức, hơn 4 triệu pano, khẩu hiệu được phát hành, 1.500.000 lượt tổ chức kiểm tra và hàng triệu tồn tại, thiếu sót được chỉ ra, những số vụ cháy năm 2017 lại gấp đôi năm 2015 và mới 7 tháng đầu năm 2018 đã vượt quá nửa cùng kỳ, cháy bất kể nơi đâu, bất cứ lúc nào, cháy trước khi đoàn giám sát đến và ngay khi đoàn vừa rời đi” - ĐB Nhân nêu rõ.

Theo ĐB tỉnh Bình Dương, “chừng nào tình trạng thiếu kiên quyết trong xử lý các hành vi vi phạm, sự mất cảnh giác, lơ là của người dân vẫn còn đó thì dù có tổ chức gấp bao nhiêu lần các lớp tập huấn, kiểm tra cũng khó lòng mong công tác này hiệu quả".

Dẫn báo cáo cho biết, hàng ngàn công trình có nguy hiểm về cháy nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy, ĐB tỉnh Bình Dương nhận định: “Thực trạng trên có xuất phát từ việc thiếu kiên quyết trong xử lý các hành vi vi phạm".

“Có hay không sự du di, thỏa hiệp, “đi đêm” giữa chủ đầu tư với tổ chức, cơ quan có thẩm quyền chốt công đoạn, thủ tục trong quy trình thực hiện phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt là công tác thẩm duyệt, nghiệm thu, kiểm tra công trình?” - ĐB Nhân đặt câu hỏi.

Ông Nhân nhấn mạnh: “Nếu có thì đây chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân”.

“Nó khác gì tội ác, cơ hội được sống và sống an toàn của người dân bị tước đi sau những lần du di, thỏa hiệp. Lẽ nào những nỗi đau tận cùng sau thảm kịch Carina vẫn chưa đủ thức tỉnh lương tri những ai có trách nhiệm để chấm dứt câu chuyện phạt cho tồn tại hay sao thưa Quốc hội?” - ĐB tỉnh Bình Dương đau xót nói.

Theo ĐB Phạm Trọng Nhân, điều quan trọng nhất là những hạn chế, tồn tại sẽ được chấn chỉnh thế nào, vì theo nhận định của Đoàn giám sát, sau khi cơ quan chức năng kết thúc kiểm tra lại không duy trì nghiêm túc các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy.

“Tình trạng ném đá ao bèo liệu có lặp lại? Bởi sau giám sát của Quốc hội về an toàn thực phẩm thì thực phẩm bẩn vẫn còn là vấn nạn trầm kha, nhức nhối hiện nay của xã hội” - ông Nhân thẳng thắn nêu và cho rằng, điều cần hơn một đạo luật, một nghị quyết tối cao chính là cái “tâm” kiên quyết không thỏa hiệp với các sai phạm và sự tắc trách từ các cơ quan chức năng cũng như tinh thần cảnh giác cao độ, không lơ là của doanh nghiệp và người dân trong ý thức phòng cháy hơn chữa cháy.

ĐB Nguyễn Sĩ Cương khi phát biểu thì nhấn mạnh một sự bất cập trong công tác quản lý PCCC mà ông cho là “vừa đá bóng, vừa thổi còi". Theo đó, cơ quan phòng cháy, chữa cháy ở cấp quận, huyện vừa là cơ quan phê duyệt phương án phòng cháy, chữa cháy nhưng đồng thời cũng là cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra.

“Tôi có hỏi thì một số anh em, bạn bè mở một cửa hàng thôi nhưng lên phương án phòng cháy, chữa cháy mà đưa đến cơ quan có thẩm quyền để phê duyệt rất là khổ. Thế nhưng, nếu để cho chính các cơ quan đó gọi cho các DN vào làm, người ta gợi ý luôn thì khi được phê duyệt rất là nhanh, bởi vì người ta vừa làm vừa phê duyệt, có thẩm quyền gắn với nhau” - ông Nguyễn Sĩ Cương nói.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201911/dai-bieu-quoc-hoi-quan-ly-phong-chay-chua-chay-dang-vua-da-bong-vua-thoi-coi-d2e0012/