Đại biểu Quốc hội Phan Ngọc Thọ: Gắn kinh tế số với xây dựng đô thị thông minh

Đại biểu Phan Ngọc Thọ đến từ Thừa Thiên Huế cho rằng, kinh tế số và xã hội số đang là nhu cầu tất yếu và cũng là thách thức của quá trình phát triển, hội nhập của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay...

Đại biểu Phan Ngọc Thọ phát biểu tại Quốc hội

Phát biểu tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV về tình hình kinh tế - xã hội đang diễn ra tại Hà Nội, đại biểu Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, cử tri và nhân dân Thừa Thiên Huế vui mừng với những chỉ tiêu phát triển KT-XH trong năm 2018. Đây là kết quả của sự tập trung chỉ đạo quyết liệt, năng động, tâm huyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự giám sát có trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, sự đồng thuận vào cuộc tích cực của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Khó khăn bất cập là tất yếu trong quá trình đổi mới, tư duy hành động, điều hành, nhưng chúng ta vui mừng nhiều chủ trương, quyết sách đã đi vào cuộc sống có tính đột phá tạo nền tảng cho phát triển bền vững như: cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy, đánh giá cán bộ, cơ cấu lại nền kinh tế, xây dựng Chính phủ điện tử, đây là những điểm sáng trong điều hành cần phải tiếp tục đẩy mạnh trong những năm tới. Đồng thời, ông Thọ cũng đóng góp ý kiến về thúc đẩy chuyển đổi số gắn với phát triển đô thị thông minh.

Về vấn đề thúc đẩy chuyển đổi số, theo ông Phan Ngọc Thọ, chuyển đổi số mà nền tảng là kinh tế số và xã hội số đang là nhu cầu tất yếu và cũng là thách thức của quá trình phát triển, hội nhập của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; nhất là khi chúng ta đã có bước tiến quan trọng, cơ bản về tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định thương mại tự do VN-EU.

“Để thực hiện những nhiệm vụ này, đề nghị Chính phủ sớm xây dựng chiến lược chuyển đổi số quốc gia trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội một cách thực chất. Xây dựng chuyển đổi số cho từng ngành, lĩnh vực, từng sản phẩm và ở mọi cấp độ nhằm phục vụ quá trình phát triển và hiện đại hóa phương thức quản trị xã hội, quản trị nền kinh tế, tạo nền tảng cơ sở vững chắc cho hoạt động, vận hành Chính phủ điện tử”- Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thừa Thiên Huế nói.

Thừa Thiên Huế là địa phương đứng đầu về phát triển Chính phủ điện tử cấp tỉnh năm 2018

Về phát triển đô thị, theo ông Thọ, việc kết nối đô thị theo hướng nâng cao chất lượng cuộc sống, kết nối cơ sở hạ tầng của các vùng kinh tế lân cận là một cách làm mang tính bền vững cần được xác định là động lực cho sự phát triển KT-XH và nâng cao đời sống của người dân.

Phát triển đô thị sẽ tạo cơ hội việc làm, chuyển đổi ngành nghề, nâng cao tỷ lệ nghề phi nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất cần được xác định là một mục tiêu quan trọng trong phát triển, để từ đó có các giải pháp đồng bộ và tổng thể thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản trong bối cảnh phát triển đô thị thông minh.

“Đề nghị Chính phủ rà soát các quy định liên quan đến đấu thầu, đấu giá các dự án phát triển đô thị, dự án liên quan đất đai để hoàn thiện khung pháp lý để đầu tư phát triển đô thị, tiếp cận đất đai, tạo thuận lợi huy động các nguồn lực xã hội trong phát triển đô thị. Hiện nay ở các địa phương đang trong tình trạng lúng túng khi quyết định đầu tư, chọn nhà đầu tư phát triển đô thị đó là: Không làm thì mất cơ hội phát triển; Làm thì nguy cơ sai sót do có sự chồng chéo trong các quy định của pháp luật về đầu tư và đất đai...”- ông Phan Ngọc Thọ đề xuất.

Cũng tại Quốc hội, đại biểu Phan Ngọc Thọ đã thay mặt cử tri Thừa Thiên Huế chân thành cảm ơn Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh vào chiều ngày 24/10 tại Hà Nội và đã đồng tình cao về chủ trương di dời khu vực dân cư đang sinh sống tại Khu vực I Kinh thành Huế; cũng như đã chỉ đạo một số chủ trương liên quan công tác di dời, giải phóng mặt bằng khu vực này...

“Đối với Thừa Thiên Huế, đây là cuộc di dân có tính lịch sử, chưa bao giờ công tác giải phóng mặt bằng lại có được thời điểm thuận lợi như hiện nay đó là xuất phát từ nguyện vọng, sự đồng thuận cao của các hộ dân thuộc đối tượng di dời, sự chỉ đạo quyết tâm của Thủ tướng và các Bộ, ngành, sự quan tâm của các cơ quan Quốc hội, sự sẵn sàng với trách nhiệm cao của chính quyền các cấp. Việc di dân đã chín muồi, cử tri đang mong đợi quyết sách của Quốc hội, của Chính phủ về cơ chế, chính sách để có nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương thực hiện chủ trương mang tính lịch sử này...”- ông Thọ trình bày trước Quốc hội.

Văn Dinh

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/xa-hoi/dai-bieu-quoc-hoi-phan-ngoc-tho-gan-kinh-te-so-voi-xay-dung-do-thi-thong-minh-1260789.html