Đại biểu Quốc hội phải trả lời được câu hỏi: 'Khi nào tôi được nghỉ hưu?'

'Làm thế nào để mỗi đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và mỗi cán bộ của các cơ quan có liên quan, khi được người dân hỏi: 'trường hợp của tôi, bao nhiêu tuổi được nghỉ hưu?' thì chúng ta phải trả lời được'.

Sáng nay (2/10), tại Phiên họp toàn thể lần thứ 15 của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, khi thảo luận về tuổi nghỉ hưu quy định tại dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi), một số thành viên Ủy ban đồng tình với lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu nhưng lưu ý đây là vấn đề phức tạp, do đó, cần làm tốt công tác truyền thông để người lao động hiểu rõ về quyền và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm lao động. Thông qua đó họ có thể biết được bản thân mình, ngành mình sẽ nghỉ hưu như thế nào và kèm theo đó là những quyền lợi gì.

Băn khoăn "tuổi hưu' và "tuổi nghề"

Đối với lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành với quy định theo phương án 1 do Chính phủ trình, tức là đến năm 2028 sẽ có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62 và năm 2035 sẽ có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60.

Tuy nhiên, một số ý kiến ĐB còn băn khoăn về quy định tăng tuổi nghỉ hưu so với hiện hành và đề nghị làm rõ về việc quy định chênh lệch tuổi nghỉ hưu (02 tuổi) giữa lao động nam và lao động nữ.

Các ĐB cũng cho rằng việc quy định này sẽ dẫn đến nhiều tranh luận khác nhau giữa “tuổi nghỉ hưu” và “tuổi nghề”, đồng thời việc áp dụng cùng một lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu khó có thể áp dụng chung cho các đối tượng lao động khác nhau.

Phiên họp sẽ diễn ra từ ngày 2-4/10/2019.

Phiên họp sẽ diễn ra từ ngày 2-4/10/2019.

Về nguyên tắc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với chủ trương điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chung đối với người lao động nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW với mục tiêu lâu dài để chủ động ứng phó với xu hướng già hóa dân số diễn ra nhanh của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Tuy nhiên, cùng với ý kiến của các ĐBQH, qua quá trình lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật cho thấy, trong số các ý kiến đồng tình với quy định về tuổi nghỉ hưu, vẫn còn có hai quan điểm khác nhau về vấn đề này.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, cần quy định rõ lộ trình thực hiện trong dự thảo Bộ luật như phương án Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội. Quan điểm thứ hai đề xuất chỉ nên quy định về nguyên tắc để giao Chính phủ quy định, hướng dẫn cho phù hợp với ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung, cầu của thị trường lao động, xu hướng già hóa dân số... và không nhất thiết phải có lộ trình như nhau đối với các nhóm lao động khác nhau.

Nên tạo chế độ nghỉ hưu linh hoạt cho lao động nữ

Thảo luận tại phiên họp, đa số đại biểu đồng tình với lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu nhưng lưu ý đây là vấn đề phức tạp; do đó cần làm tốt công tác truyền thông để người lao động hiểu rõ về quyền và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm lao động.

“Tôi tán thành Phương án 1, tức là trong điều kiện lao động bình thường thì điều chỉnh để tính đủ 62 tuổi với nam, 60 tuổi với nữ. Tuy nhiên, chúng ta rất cần chú ý công tác tuyên truyền. Phải làm rõ được thế nào là “trong điều kiện lao động bình thường"?. Công tác tuyên truyền phải giúp người dân nhận thức rõ những ngành nghề nào thì áp dụng nguyên quy định như hiện nay- tức là 55 tuổi với nữ và 60 tuổi với nam”- ông Trương Anh Tuấn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định nêu quan điểm.

Theo ông Tuấn, quy định phải làm sao để người dân tiếp cận được và hiểu và rõ về quyền và lợi ích của họ khi điều chỉnh Bộ luật này. “Phải làm thế nào để mỗi ĐBQH và mỗi cán bộ của các cơ quan có liên quan khi được người dân hỏi là “trong trường hợp của tôi, bao nhiêu tuổi được nghỉ hưu?” thì chúng ta phải trả lời được. Chứ hiện nay, khi chúng ta nói là trừ một số ngành nghề đặc biệt thì vẫn giữ nguyên như cũ; thế người ta hỏi là “công việc của tôi có được áp dụng không?” thì nói thật, bản thân tôi cũng còn băn khoăn, phải nghiên cứu thêm”- ông Tuấn cho biết.

Ông Bùi Văn Cường phát biểu.

Đồng tình với quan điểm của ông Trương Anh ông Tuấn về việc phải tăng cường công tác tuyên truyền, ông Bùi Văn Cường, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nguyên Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định, có thể sau này tổ chức Công đoàn phải có tài liệu tuyên truyền cụ thể, tránh câu chuyện các thế lực thù địch lợi dụng kích động người lao động xuống đường biểu tình liên quan đến vấn đề nghỉ hưu. Do vậy dự thảo luật phải quy định chặt chẽ, làm rõ các vấn đề còn băn khoăn.

Cho biết quan điểm ủng hộ Phương án 2, nhưng ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu thêm, bởi đặc điểm lao động nữ không giống lao động nam, do vậy nên tạo chế độ nghỉ hưu linh hoạt cho lao động nữ. Ông cho rằng lao động nữ có thể xin nghỉ hưu dao động trong độ tuổi từ 55 tuổi đến 60, “để người phụ nữ trong một số ngành nghề, thậm chí trong một số bối cảnh cần thiết, họ có thể nghỉ hưu trước 60 tuổi”.

Bên cạnh đó, theo ông Nhưỡng, nếu quy định như trên thì đồng thời phải có lộ trình sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH). “Vì hiện nay về cơ bản, chế độ hưu trí vẫn là chế độ bao cấp. Trước đây Nhà nước bao cấp bằng ngân sách, nhưng từ 1/1/1995 đến nay thì người lao động đằng sau bao cấp cho người lao động đằng trước. Nếu trước đây có 40-50 người bảo đảm lương hưu cho một người, bây giờ chỉ còn chưa đến 10 người. Chính vì vậy, tôi cho rằng đồng thời sửa đổi luật Bộ luật lao động, phải sửa đổi Luật BHXH theo lộ trình nhằm đảm bảo làm sao cho người lao động hưởng hưu thực sự là tiền lương trả chậm chứ không phải là được hưởng tiền bảo đảm của người khác. Nhưng Nhà nước luôn luôn có chính sách bảo đảm cho người lao động không bị mất lương hưu.”- Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội nói.

Khánh Chi

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/trong-nuoc/dai-bieu-quoc-hoi-phai-tra-loi-duoc-cau-hoi-khi-nao-toi-duoc-nghi-huu-473472.html