Đại biểu Quốc hội nói về 'điểm nghẽn' trong đầu tư công

Mặc dù kỳ vọng các nút thắt với đầu tư công sớm được tháo gỡ, song thực tế cho thấy sẽ khó lòng đẩy nhanh quy trình này bởi sự vướng mắc tồn tại ở văn bản cấp luật.

ĐB Nguyễn Đức Kiên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Còn mâu thuẫn với các văn bản quy phạm pháp luật khác

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên

Tôi cho rằng vốn giải ngân chậm chủ yếu là do nhận thức và hành động của các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, nguyên nhân chính là lần đầu tiên thực hiện đầu tư công theo quy trình, thủ tục chặt chẽ từ đề xuất chủ trương đầu tư, nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi, đến lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, lập, thẩm định, phê duyệt, giao, triển khai dự án, nên các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong đầu tư công chưa có kinh nghiệm thực tiễn, vẫn làm theo thói quen, thông lệ, kinh nghiệm đầu tư công trước đây.

Rất nhiều công trình, dự án không chấp hành đầy đủ quy định, quy trình, thủ tục của Luật Đầu tư công nên phải làm đi, làm lại mất rất nhiều thời gian, khiến việc giải ngân vốn đầu tư công chậm.

Tuy nhiên, đầu tư công trình, dự án bằng nguồn vốn nhà nước không chỉ phải thực hiện theo Luật Đầu tư công, mà còn phải đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác, như Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đất đai… Ví dụ, với một dự án nhóm A, chỉ riêng khâu hoàn thiện hồ sơ xây dựng công trình, dự án mất tối thiểu 26 tháng.

Cụ thể, sau khi đã có quyết định chủ trương đầu tư thì phải có thiết kế công trình. Muốn có thiết kế thì phải tổ chức đấu thầu thiết kế. Muốn tổ chức đấu thầu thiết kế thì phải lập hồ sơ đấu thầu, mời thầu, tổ chức đấu thầu, chấm thầu. Riêng khâu này mất ít nhất 3 - 4 tháng.

Đấu thầu xong, có kết quả lựa chọn nhà thầu, tư vấn thiết kế, nhà thầu tiến hành thiết kế chi tiết, cơ quan quản lý nhà nước, các loại hội đồng tổ chức nghiệm thu mất ít nhất là 8 tháng.

Xong thiết kế, chủ đầu tư trình cơ quan có thẩm quyền lập hội đồng tổ chức phê duyệt dự án. Khâu này mất thêm 3 tháng nữa.

Sau khi hoàn thiện mọi thủ tục, chủ đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và có nhanh thì một tháng sau mới được phê duyệt dự án, trong trường hợp phải xin ý kiến các bộ, ngành thì thời gian sẽ kéo dài thêm mấy tháng nữa. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án, chủ đầu tư lập hồ sơ sơ tuyển nhà thầu thi công công trình, dự án mất thêm 3 - 4 tháng nữa.

Kết thúc khâu sơ tuyển nhà thầu, tổ chức mời thầu, đấu thầu để lựa chọn nhà thầu mất thêm tối thiểu 6 tháng.

Như vậy, riêng khâu thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng và Luật Đấu thầu đã mất 26 tháng trong trường hợp không gặp trở ngại gì. Do đó, giải ngân vốn đầu tư công chậm là đương nhiên.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP. HCM): Cần tích cực tháo gỡ điểm nghẽn

Đại biểu Trần Hoàng Ngân

Như chúng ta đều thấy là hiệu quả đầu tư công thời gian qua chưa đạt được như kỳ vọng. Thực tiễn cho thấy, Luật Đầu tư công đã có nhiều điểm bất hợp lý. Ở thời điểm ban hành luật (năm 2014), hoạt động đầu tư công trở thành một bức xúc xã hội: đầu tư dàn trải, lãng phí, thất thoát lớn. Đây cũng là giai đoạn có nhiều vụ án kinh tế mà bây giờ chúng ta đang phải xử lý hậu quả. Trong bối cảnh đó, có lẽ sự chuẩn bị gấp gáp để sớm ban hành luật là một trong những nguyên nhân dẫn tới một số tồn tại, không đồng bộ, mâu thuẫn chồng chéo với các văn bản pháp quy hiện hành; tạo ra những “điểm nghẽn” trong Luật Đầu tư công.

Nhưng tôi cho rằng thực tiễn triển khai đầu tư công hiện nay vướng mắc không chỉ ở Luật Đầu tư công. Ở đây có cả sự mâu thuẫn giữa văn bản pháp quy ban hành trước với văn bản ban hành sau, tức là có sự “gấp khúc”, như với Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư. Ví dụ như dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất tại TPHCM.

Do đó, sau 3 năm chuẩn bị, bây giờ lại phải làm lại dự án.

Theo quy định của Luật Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải không phải là đơn vị trình đề án, mà đề án này phải do Sở Kế hoạch và Đầu tư của TPHCM tham mưu cho UBND TP để trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, rồi bộ này lại trình lên Chính phủ, rất phức tạp.

Chúng ta cần tích cực tháo gỡ điểm nghẽn thể chế. Bản thân Quốc hội là cơ quan lập pháp, phải làm việc tích cực hơn nữa, nhiều trường hợp không thể chờ đến 2 kỳ họp để sửa một vài nội dung nho nhỏ.

Tôi cho rằng các đại biểu, nhất là đại biểu chuyên trách cần làm việc tích cực hơn nữa, rà soát, tiếp thu các ý kiến phản ánh để nhận diện những vướng mắc, bất cập, đệ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội áp dụng những hình thức họp trực tuyến để xin ý kiến Quốc hội, thậm chí biểu quyết điện tử, để công tác xây dựng pháp luật kịp thời hơn, không nhất thiết phải chờ đến kỳ họp, triệu tập tất cả các đại biểu. Cứ chờ thế này thì “tội nghiệp” cho nền kinh tế, cho người dân quá.

Tôi đang đề cập đến trường hợp các sửa đổi nhỏ. Quy trình sửa đổi luật, đôi khi chỉ là tình tiết nhỏ, hiện vẫn quá cồng kềnh, chậm chạp. Và tôi cho rằng trong trường hợp cụ thể của Luật Đầu tư công thì sửa đổi như dự thảo vẫn không đủ tháo gỡ các vướng mắc trong thực tiễn.

Hồng Hương (ghi)

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/dai-bieu-quoc-hoi-noi-ve-diem-nghen-trong-dau-tu-cong-151035.html