Đại biểu Quốc hội nói thẳng vụ nước sinh hoạt nhiễm dầu thải hậu quả rất nặng nề

Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cho hay, xảy vụ nước nhiễm dầu nhiều người 'giật mình vì các quy định của pháp luật về nước sạch còn thiếu'.

Vụ việc Nhà máy nước sông Đà cung cấp nước sinh hoạt nhiễm dầu thải đến nhà nhân dân ở các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông (thuộc phía Tây Hà Nội) khiến hàng nghìn gia đình phải xếp hàng ngày đêm nhận nước sạch cứu trợ khiến cho đời sống sinh hoạt của họ bị đảo lộn.

Nhưng điều quan trọng hơn là trong những ngày đầu tiên khi chưa kịp phát hiện ra nước có lẫn dầu thải (trong đó có chất styren cao hơn mức cho phép từ 1,3-3,6 lần theo công bố của Sở Y tế Hà Nội) đã có bao nhiêu người ăn, uống? Liệu rằng sức khỏe của họ (trong đó có nhiều cháu nhỏ) có bị ảnh hưởng không và ở mức độ nào?

Trao đổi với báo chí tại Quốc hội ngày 1/11, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh – Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đã nói thẳng rằng, hậu quả của vụ việc rất nặng nề, tác động đến đời sống của hàng vạn người dân Thủ đô, làm đảo lộn cuộc sống, tạo nên bức xúc dư luận.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh. Ảnh: Đỗ Thơm

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh cũng đồng quan điểm với nhiều đại biểu khác là khi xảy ra vụ việc này thì nhiều người mới "giật mình vì các quy định của pháp luật về nước sạch còn thiếu".

Đối với các cơ quan nhà nước thì qua đây cũng thấy được những lỗ hổng về mặt pháp lý trong việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người dân nói chung và quản lý, cung cấp nguồn nước nói riêng. Việc tổ chức thực hiện pháp luật về quản lý nguồn nước sinh hoạt hầu như đang bỏ ngỏ.

“Tới đây nếu không có luật riêng về an ninh nguồn nước hay các dịch vụ công nói chung thì cần tập trung sửa luật tài nguyên nước, phải có quy định chặt chẽ về bảo vệ nguồn nước cũng như dịch vụ về nước cho người dân chặt chẽ hơn.

Cần phải coi đó là an ninh, an toàn nguồn nước, chứ không đơn giản là cung cấp nước và không thể bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể bơm lên để bán cho người dân được”, ông Sinh nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh nói thêm, hồ Đầm Bài là hồ thủy lợi chứ không phải là hồ để cung cấp nguyên liệu thô cho nhà máy nước sạch sông Đà.

“Vì vậy cơ chế quản lý hồ Đầm Bài này không chặt chẽ. Xung quanh đó có dân cư, có trang trại nông nghiệp, họ sử dụng các hóa chất cho nông nghiệp.

Thứ nữa là khu dân cư ở đó sẽ có nước thải sinh hoạt không qua xử lý. Có một số cơ sở sản xuất nằm trong lưu vực đó.

Sẽ ra sao nếu nguồn nước sông Đà bị ô nhiễm bởi loại hóa chất độc hại khác?

Hiện vẫn có một số doanh nghiệp đầu tư vào đó, trong đó có một trang trại chăn nuôi…

Khi tiếp xúc cử tri chúng tôi cũng nhận được phản ánh. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cho kiểm tra và xử lý.

Tuy nhiên, cũng chỉ xử lý về nước thải cho đảm bảo ra môi trường ở cơ sở chăn nuôi, còn có đảm bảo chuẩn cung cấp nước thô cho nhà máy hay không thì đây là vấn đề khác.

Vì đây là hồ thủy lợi, mục đích là trữ nước phục cho nông nghiệp là cơ bản. Khi sự việc xảy ra, nhiều người mới giật mình là lâu nay chưa quản lý chặt chẽ”, đại biểu Sinh cho hay.

Liên quan đến vụ việc nước nhiễm dầu cung cấp từ Nhà máy nước Hòa Bình, người dân rất băn khoăn vì không biết nhà máy này lấy nước thế nào, quy trình lọc ra sao mà lại để lọt dầu vào nước ăn của dân.

Sự việc này cũng đặt ra vấn đề cần phải xem xét nghiêm túc vấn đề an ninh nguồn nước.

Phải xem lại toàn bộ các nhà máy nước đang bán nước sinh hoạt cho dân khai thác từ nguồn nào, sử dụng quy trình công nghệ gì? Nước bơm tới nhà dân có thực sự an toàn không? Ai kiểm tra, giám sát quá trình này?

Trước đó, ông Trần Đăng Ninh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình trả lời báo chí tại Quốc hội đã nói thẳng: “Theo tôi, đã cung cấp nước sạch cho người dân thì phải đảm bảo chất lượng. Khi chưa đảm bảo thì trước hết phải nhận trách nhiệm là người cung cấp nước cho người dân.

Bây giờ công ty nói thực chất một số số liệu vẫn đảm bảo nhưng người dân phản ánh nước đó có mùi khét thì công ty phải chịu trách nhiệm”.

Đề cập tới vấn đề trách nhiệm, vào sáng 25/10/2019 trên website của Viwasupco có đăng tải "Thông cáo báo chí" trong đó có nói gửi lời qua báo chí để xin lỗi người dân và "miễn phí" một tháng tiền nước (trong kỳ xảy ra sự cố).

Tuy nhiên, việc làm này của Viwasupco bị đánh giá là không cầu thị và cũng không thể chỉ "miễn phí" tiền nước 1 tháng là xong (bình quân mỗi gia đình chỉ trên dưới 100 nghìn đồng).

Cần lưu ý rằng, trong bản thông cáo báo chí này, Viwasupco đã không nhắc đến quy trình và trách nhiệm khi không kiểm soát được nguồn nước đầu vào.

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã bày tỏ sự bức xúc khi đề cập tới vấn đề này vì hậu quả xảy ra có thể làm hại sức khỏe của hàng nghìn người dân, trong đó có rất nhiều cháu nhỏ đang ở độ tuổi đi học.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) nhấn mạnh: "Vấn đề nước sạch đã tạo hình ảnh rất đặc biệt ở Thủ đô Hà Nội như thời bao cấp khi người dân xếp hàng lấy nước. Qua đó cho thấy sự lỏng lẻo trong quản lý nguồn nước, tạo ra nhiều khe hở để đối tượng vô lương tâm thu lợi bất chấp sức khỏe của người dân".

Đỗ Thơm

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/dai-bieu-quoc-hoi-noi-thang-vu-nuoc-sinh-hoat-nhiem-dau-thai-hau-qua-rat-nang-ne-post203955.gd