Đại biểu Quốc hội: Những thời điểm nắng nóng cao điểm, cần giảm giá điện

'Nắng nóng lên cao cũng giống như thiên tai, tôi cho rằng, những thời điểm nắng nóng cao điểm, cần giảm giá điện', đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) nói.

Ngày 22-5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019; Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.

Vấn đề giá điện tiếp tục là đề tài được các đại biểu quan tâm, thảo luận sôi nổi. Đáng quan tâm, đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) cho rằng: “Nắng nóng lên cao cũng giống như thiên tai, tôi cho rằng, những thời điểm nắng nóng cao điểm, cần giảm giá điện.

Đằng này cộng hưởng, vừa nắng nóng sử dụng nhiều, giá lại tăng cao. Đề nghị Chính phủ xem lại cho rõ, đánh giá thực chất, coi nắng nóng như thiên tai để đánh giá đúng hơn”, đại biểu nhấn mạnh.

Còn đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) băn khoăn, giá điện tăng 8,03 và xu hướng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Vì, nguồn điện phụ thuộc vào mấy nguồn chủ lực.

Đại biểu phân tích: Nguồn thứ nhất là thủy điện, cách đây đôi năm, chúng tôi đã tiến hành dự án về nguồn năng lượng thủy điện lớn thì chúng ta cũng đã khai thác gần hết công suất, khoảng trên 80%. Số còn lại chủ yếu là thủy điện nhỏ, không đáng bao nhiêu, chưa nói là biến đổi khí hậu tới đây chắc chắn hạn hán sẽ xảy ra. Cho nên chắc chắn chúng ta không có kỳ vọng vào tăng nguồn điện từ thủy điện.

Nguồn khí thì không dồi dào; nguồn năng lượng tái tạo, vừa qua chúng ta đẩy rất mạnh năng lượng điện gió, điện mặt trời. Nhưng theo báo cáo và đi khảo sát, thì thấy có hơn 300 dự án đang vướng trong việc triển khai thì có hơn 200 dự án điện năng lượng tái tạo. Vướng này có nhiều lý do nhưng chủ yếu là vướng trong triển khai. Như thế, bù năng lượng bằng nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian tới có thể nói là còn đang khó khăn và chưa khả thi.

Đại biểu Mai Sĩ Diến (Thanh Hóa) cho rằng nên xây dựng giá điện theo 3 bậc (ảnh: Quốc hội)

Đại biểu Mai Sĩ Diến (Thanh Hóa) cho rằng nên xây dựng giá điện theo 3 bậc (ảnh: Quốc hội)

Như vậy chỉ còn tập trung vào nguồn năng lượng cuối cùng là nhiệt điện – điện than. Nhưng điện than đang thực hiện theo lộ trình tiếp cận giá thị trường. Điện này nói chung sẽ tiếp tục tăng giá vì nhiên liệu cho nó là than thì cũng đang tăng giá – đây là dạng năng lượng chi phí khá cáo, nên tỷ trọng điện than sẽ tăng lên, theo dự kiến báo cáo thì năm 2019 đã chiếm 47,3%.

“Nói riêng về giá điện thì vừa qua đã tăng và xu hướng sẽ tiếp tục tăng. Còn thời điểm tăng thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố”, đại biểu nói.

Đại biểu Mai Sĩ Diến (Thanh Hóa) cho rằng, trong xây dựng bảng giá điện, EVN xây dựng, Bộ Công Thương thẩm định trình Chính phủ, hiện có 6 bậc. Bộ Công Thương cũng đưa ra nhiều nước có bậc khác nhau, từ 1 đến 7 bậc, còn ta có 6 bậc. Hiện bậc 1, 2 là giá thấp hơn giá cơ bản, từ bậc 3 là giá cao hơn giá cơ bản. Báo cáo của của Bộ Công Thương có quan điểm điều hành để hỗ trợ cho người sử dụng ít, khuyến khích tiết kiệm điện.

“Với cơ chế thị trường, tôi thấy quan điểm này chưa phù hợp, vì người nghèo, người sử dụng ít thì Đảng, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ tiền điện. Ngành điện phải xây dựng lại bậc thang bảng giá điện. Các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản chỉ có 3 bậc giá, tại sao chúng ta không học? Giá bậc 1 là giá điện bằng giá cơ bản, vì đây là cơ chế thị trường; giá bậc 2 là giá có kinh doanh, ngành điện đảm bảo mức kinh doanh, tích lũy; còn giá bậc 3 là giá hạn chế người sử dụng. Phải thu cao, và ngành điện phải công khai”, đại biểu nói.

Vì, theo đại biểu, liên quan đến cơ sở hạ tầng của ngành điện đầu tư để đáp ứng một công suất theo lũy kế phát triển, dự báo đến thời điểm đó thì mức đó là phù hợp với cơ sở hạ tầng, nhưng anh dùng quá mức đó thì ngành điện phải dùng kinh phí của mình đầu tư để đáp ứng nhu cầu dùng cao hơn, mức tăng này để có nguồn thu, đầu tư để đáp ứng hạ tầng cao, nên sử dụng bậc 3 thì phải chấp nhận giá như thế.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/dai-bieu-quoc-hoi-nhung-thoi-diem-nang-nong-cao-diem-can-giam-gia-dien-149016.html