Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân: Không thể có trường đại học vô chủ

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã có nhiều tiến bộ nhưng chưa làm rõ chủ sở hữu thực sự của cơ sở giáo dục đại học, nhất là khi thực hiện cơ chế hội đồng trường - đó là ý kiến của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TPHCM sáng 6.11.

ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM).

ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM).

Trước khi có ý kiến phát biểu thảo luận, ĐB Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ cảm ơn Quốc hội đã cho phép “ông giáo già” phát biểu góp ý kiến.

Là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, quản lý giáo dục, ĐB Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, luật nên làm rõ khái niệm chủ sở hữu của trường đại học. Chủ sở hữu đó là nhà nước hay tư nhân. Ngay trường ĐH công lập, xác định chủ sở hữu là nhà nước nhưng cũng cần cụ thể là bộ hay UBND tỉnh hoặc cơ sở nào, chứ không nói chung chung “cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Từ quan điểm trên, ĐB Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, không thể có trường đại học vô chủ. Việc xác định chủ sở hữu liên quan đến các quyền cụ thể về thành lập, đầu tư, nhân sự và xây dựng, vận hành các chế tài.

Việc xác định chủ sở hữu, theo ĐB Nguyễn Thiện Nhân là rất quan trọng trong việc vận hành trường đại học. Theo đó, khi thành lập Hội đồng trường phải đảm bảo yêu cầu của chủ sở hữu. Chỉ được bầu hội đồng trường trong danh sách được chủ sở hữu đồng ý, đáp ứng yêu cầu của chủ sở hữu. Chứ như hiện nay đang làm ngược, trường thực hiện bầu Hội đồng trường xong mới báo cáo chủ sở hữu.

Tương tự, việc bầu Chủ tịch Hội đồng trường cũng phải là người nằm trong danh sách 2-3 người đã được chủ sở hữu phê duyệt, sau đó Hội đồng trường tiến hành bầu và có hiệu lực khi chủ sở hữu phê duyệt.

Theo ĐB Nguyễn Thiện Nhân, thực tế câu chuyện GS Trương Nguyện Thành dù đã được Hội đồng trường bầu làm Hiệu trưởng nhưng không được cơ quan quản lý chấp nhận là một bất cập của vấn đề này.

Theo ĐB Nguyễn Thiện Nhân, dự luật xác định cơ sở giáo dục đại học là tự chủ, chịu trách nhiệm giải trình là đúng nhưng chưa đủ. Phải ghi rõ: Chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu, người học, xã hội, các cơ quan, tổ chức liên quan.

Nhiều ĐB khác phát biểu cũng băn khoăn về vai trò, vị trí của Hội đồng trường và Chủ tịch Hội đồng trường. Theo ĐB Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ), về tiêu chuẩn trình độ thì Chủ tịch Hội đồng trường cũng phải tương đương Hiệu trưởng. Theo đó, nếu yêu cầu Hiệu trưởng có bằng tiến sĩ thì Chủ tịch Hội đồng trường cũng phải có bằng tiến sĩ.

HÙNG - TRUNG- NGUYÊN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/dai-bieu-quoc-hoi-nguyen-thien-nhan-khong-the-co-truong-dai-hoc-vo-chu-639997.ldo