Đại biểu Quốc hội: Nghệ sĩ Việt quảng cáo sai sự thật tràn lan

Theo đại biểu Quốc hội, dự thảo cần quy định hành vi quảng cáo sai sự thật là hành vi cấm, các tổ chức, cá nhân quảng cáo đều phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

 Tình trạng nghệ sĩ nội tiếng quảng cáo thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm tràn lan trên thị trường. Ảnh: Thanh Thương.

Tình trạng nghệ sĩ nội tiếng quảng cáo thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm tràn lan trên thị trường. Ảnh: Thanh Thương.

Tại phiên thảo luận chiều ngày 10/11 của Quốc hội về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), nhiều đại biểu đặt vấn đề về thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng kém chất lượng và tình trạng quảng cáo thực phẩm, đặc biệt là quảng cáo thuốc, dược phẩm với sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng tràn lan trên thị trường.

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Quảng Nam) cho biết trên môi trường mạng, các quảng cáo, ứng dụng giải trí dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng như Facebook, YouTube, TikTok... tình trạng quảng cáo thực phẩm tràn lan, đặc biệt là quảng cáo thuốc, dược phẩm, mỹ phẩm với sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng.

"Vừa qua, tình trạng nghệ sĩ Việt quảng cáo sai sự thật, được báo chí lên án nhưng chế tài các vấn đề này chưa được xây dựng đầy đủ. Đề nghị dự thảo cần quy định hành vi quảng cáo sai sự thật là hành vi cấm, các tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh quảng cáo đều phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình", đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) cho biết các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hiện nay đang sử dụng nhiều phương thức quảng cáo sản phẩm, bất chấp việc các đối tượng hướng đến của quảng cáo có thật sự cần đến sản phẩm đó hay không.

"Theo thông tin người dân phản ánh, nhiều doanh nghiệp về vùng nông thôn tổ chức các hội thảo chăm sóc sức khỏe, lồng ghép quảng cáo các sản phẩm như thuốc tai biến, huyết áp, tiểu đường, hoạt huyết dưỡng não... chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc với giá bán rất cao. Đối tượng mua hàng chủ yếu là người cao tuổi, người mua ít 1-2 triệu đồng, người mua nhiều đến 15-20 triệu đồng dù không phải ai cũng cần", ông dẫn chứng.

Đại biểu Hà Tĩnh cho rằng các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đang sử dụng nhiều phương thức quảng cáo sản phẩm. Ảnh: Quochoi.

Chính vì không đúng theo nhu cầu sử dụng, đại biểu cho rằng tình trạng này đã gây ra tranh cãi, mâu thuẫn trong giao dịch. Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần tính đến những tình huống cụ thể trong quảng cáo sản phẩm, để đảm bảo nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh vấn nạn quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật tràn lan, các đại biểu cho rằng hiện nay thực phẩm bẩn, kém chất lượng đang bán tràn lan trên thị trường không được kiểm soát. Nó có thể không tác hại ngay đến người tiêu dùng nhưng bào mòn dần sự sống, gây ung thư sau một thời gian sử dụng.

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh chỉ ra tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn tồn tại do còn một bộ phận người dân quan tâm mua hàng giá rẻ, người bán hàng "thổi phồng" công dụng của sản phẩm, đánh lừa người tiêu dùng.

"Do đó, hàng xanh, sạch khó có thể cạnh tranh với hàng giả, nhái kém chất lượng. Nhiều mô hình thanh niên khởi nghiệp với sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch nhưng lại gặp nhiều khó khăn do sản phẩm luôn có giá thành cao. Trong khi người dân chủ yếu quan tâm tới hàng rẻ, đẹp mà ít quan tâm tới chất lượng", nữ đại biểu nói.

Về vấn đề xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu Chamaleá Thị Thủy (Ninh Thuận) cho biết thời gian qua, các vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn về tính mạng của người tiêu dùng.

Thực tế cho thấy, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã bộc lộ những hạn chế và chưa phát huy hiệu quả. Do đó, đại biểu đề nghị phải có quy định cụ thể để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thanh Thương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dai-bieu-quoc-hoi-nghe-si-viet-quang-cao-sai-su-that-tran-lan-post1373988.html