Đại biểu Quốc hội lo lắng vì tiêu cực thi cử diễn ra có tổ chức, quy mô lớn

Đại biểu Quốc hội nói chất lượng giáo dục hiện nay không thực chất, trong khi giáo viên lại không dám 'thương cho roi cho vọt'.

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế - xã hội ngày 30/5, đại biểu Thái Trường Giang (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau) cho biết, những gì đang diễn ra trong thời gian gần đây ở ngành giáo dục buộc ông không khỏi lo lắng.

Ông Giang cũng đánh giá, mối quan hệ giữa thầy trò ngày càng lỏng lẻo, đạo đức suy giảm.

Phiên thảo luận cũng nhận được nhiều ý kiến về vụ gian lận điểm thi tại ba tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang.

Ông Giang lo lắng trước đây tiêu cực thi cử chỉ diễn ra nhỏ lẻ, còn ngày nay có tổ chức, quy mô lớn hơn, tinh vi hơn và diễn ra ở nhiều địa phương; do những người có chức, có quyền, có tiền, có thế lực trong và ngoài ngành giáo dục.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại) cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thấy hết hệ quả tệ hại của vụ gian lận điểm thi, đó là khiến cho xã hội mất niềm tin vào giáo dục nước nhà.

"Chỉ khi xử lý triệt để vụ này thì mới lấy lại niềm tin của người dân và để người dân tin rằng đất nước này vẫn còn pháp luật", ông Cương nói và băn khoăn, sau sai phạm năm 2018, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nỗ lực cải tiến kỳ thi năm 2019 nghiêm túc và an toàn, nhưng ai dám bảo đảm sai phạm sẽ không xảy ra?

Về xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng, ĐBQH Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho rằng, các vụ án tham nhũng gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng. Các cá nhân gây ra các vụ việc này đáng bị lên án, xử lý nghiêm minh.

Tuy nhiên, theo ông, dù có bị xử lý ở mức cao nhất là tử hình thì cũng không bảo đảm mức răn đe, vì nếu không bị tham nhũng thì đất nước có biết bao nhiêu nguồn vốn để đầu tư, phát triển kinh tế, xã hôi. “Nếu không bị tham nhũng thì đã có vốn để kè đê, chống sạt lở và nhiều người dân không bị thiệt mạng vì việc này”, ông Hận chua xót nói.

Từ đó, ông Hận đề nghị cần quan tâm đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, tránh tư tưởng “hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Nếu ngăn chặn được việc tẩu tán tài sản tham nhũng cộng với xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm thì nhiều người sẽ không dám tham nhũng.

Đối với việc cổ phần hóa, ông Nguyễn Trường Giang – Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận xét, kỷ luật thực thi pháp luật chưa nghiêm. Còn lợi ích nhóm trong cổ phần hóa, thoái vốn, xử lý trách nhiệm cá nhân để xảy ra sai phạm chưa kịp thời.

Dẫn chứng trường hợp sai phạm trong cổ phần hóa tại Cảng Quy Nhơn, ông Giang cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải chưa làm đúng chức năng, nhiệm vụ để xảy ra nhiều sai phạm trong quá trình bán vốn. Ông đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, khẩn trương xác định giá trị doanh nghiệp và xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm.

Băng Tâm

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/dai-bieu-quoc-hoi-lo-lang-vi-tieu-cuc-thi-cu-dien-ra-co-to-chuc-quy-mo-lon/812438.antd