Đại biểu Quốc hội lo doanh nghiệp không tận dụng được CPTPP

Đa số các đại biểu Quốc hội đồng tình việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nhưng còn lo doanh nghiệp trong nước khó tận dụng được cơ hội từ thỏa thuận thương mại thế hệ mới này.

Chăn nuôi là ngành bị sức ép cạnh tranh lớn khi Việt Nam tham gia CPTPP. Ảnh: Uyên Viễn.

Tại phiên họp tổ về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) diễn ra ngày 2-11, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho hay quy mô của Hiệp định đã giảm đáng kể khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này. Trước kia, quy mô của thỏa thuận thương mại này lên tới 30.000 tỉ đô la Mỹ thì nay giảm xuống chỉ còn 11.000 tỉ với 11 quốc gia tham gia.

Tuy nhiên, đây vẫn là hiệp định thế hệ mới và mang lại nhiều cơ hội cho nền kinh tế trong nước, trong đó có việc đẩy nhanh hoàn thiện thể chế và xuất khẩu.

Trong khối CPTPP, GDP bình quân đầu người trong khối là trên 30.000 đô la. Trong đó, Canada là 45.077 đô la, Úc 55.707 đô la, New Zealand là 41.593 đô la, Singapore là 57.513 đô la. Như vậy, đây là cơ hội để hàng hóa Việt Nam có chất lượng cao, giá cả hợp lý đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.

Năm 2017, Việt Nam xuất vào thị trường này chỉ mới 34,2 tỉ đô la và nhập khẩu 33,9 tỉ đô la. “Dư địa để chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này còn lớn”, ông Ngân nói.

Nghiên cứu cho thấy, những ngành được hưởng lợi từ CPTPP là dệt may, da giày, thực phẩm... trong khi những ngành bị cạnh tranh nặng nề là chăn nuôi.

Ông Ngân cho rằng, khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khi đó có nhiều kỳ vọng cho rằng hàng hóa Việt Nam sẽ đi ra biển lớn. Nhưng thực tế thì hàng hóa các nước lại vào Việt Nam nhiều hơn.

“Vấn đề này cần phải được lưu ý khi ký CPTPP. Xuất khẩu của ta có tương đương với hàng hóa các nước vào Việt Nam hay không. Hay do năng lực thấp nên hàng hóa các nước vào nhiều hơn, dẫn tới thâm hụt cán cân thương mại, bất ổn xã hội?”, ông Ngân đặt câu hỏi.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho hay, CPTPP sẽ cắt bỏ hàng rào thuế quan nhưng không cắt giảm hàng rào phi thuế quan. “Đây là thách thức rất lớn với cả những ngành đang có lợi thế của Việt Nam”, ông Cường nói.

Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều ngành công nghiệp sử dụng nguyên liệu không thuộc khối như dệt may, da giày… Muốn được hưởng lợi từ CPTPP buộc Việt Nam phải phát triển các ngành công nghiệp cung cấp nguyên liệu thuộc các nước trong khối. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để thu hút nhà đầu tư vào sản xuất chuỗi giá trị.

Theo ông Cường, chiến tranh Mỹ-Trung là cơ hội để Việt Nam thu hút nguồn vốn của nhà đầu tư rời thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu không quản lý tốt, hàng Trung Quốc sẽ đội lốt hàng Việt nhằm hưởng lợi xuất khẩu vào khối CPTPP.

“Việt Nam cần có chính sách chú trọng trong thu hút đầu tư FDI, nhấn vào chuyển giao công nghệ, liên kết với doanh nghiệp trong nước. Kể cả đối với vốn ODA, phải có chuyển giao nhà máy đi kèm công nghệ, kỹ thuật”, ông Cường nói.

Theo ông Cường, việc phê chuẩn CPTPP vào thời điểm này “phù hợp”. Đây không chỉ là cơ hội chớp lấy thời cơ mà còn là động lực bắt buộc Việt Nam phải hoàn thiện thể chế, pháp luật…

Về khả năng nắm bắt cơ hội của các FTA mang lại, tại phiên họp tổ, đại biểu Phạm Bình Minh (Thái Nguyên) cho hay, riêng trong cộng đồng ASEAN, các nước như Thái Lan, Singapore tận dụng cơ hội rất tốt từ Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) với 650 triệu dân nhưng dường như Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội từ AEC.

Nhưng có một điểm sáng là khoảng vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp trong nước đã dần nhận thức được tiềm năng từ AEC, xuất khẩu hàng Việt trong nội khối đã tăng đáng kể. Đây sẽ là kinh nghiệm để các doanh nghiệp tận dụng cơ hội các FTA sắp tới, trong đó có CPTPP.

Một thách thức khác mà ông Minh đề cập chính là trình độ lao động. Theo ông Minh, CPTPP có hiệu lực sẽ tạo ra hàng chục nghìn việc làm cho nền kinh tế nhưng chủ yếu trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Hiện nay lao động của Việt Nam còn yếu kỹ năng. Ngay cả khi AEC có điều khoản về di chuyển thể nhân nhưng trình độ lao động trong nước vẫn chưa thể đáp ứng được.

Đồng tình với các đại biểu khi cho rằng đây là thời cơ để CPTPP đẩy nhanh quá trình cải cách nền kinh tế. Song, đại biểu Hồ Đức Phớc (Nghệ An) cho rằng, cần chuẩn bị những phương án “chủ động" nhằm hạn chế những bất lợi mà CPTPP có thể gây ra.

Những bất lợi mà ông Phớc đưa ra liên quan tới việc thu hút đầu tư. Theo đó, khi CPTPP có hiệu lực, việc thu hút đầu tư sẽ mạnh hơn nhưng cần chuẩn bị phương án để làm sao nguồn vốn này có thể giúp chuyển giao công nghệ, tăng thu ngân sách, nâng cao được trình độ lao động….Nếu không làm được thì nó sẽ là sức ép với doanh nghiệp nội địa.

Hay như lĩnh vực thuế, theo nghiên cứu thì CPTPP sẽ làm giảm thuế xuất nhập khẩu nhưng lại giúp tăng thuế nội địa.

“Tôi cho rằng cái này không đúng thực tế”, ông Phớc nói và giải thích, thực tế các doanh nghiệp FDI đóng thuế rất thấp. Còn có nghi án chuyển giá trong khối các doanh nghiệp FDI. Nhiều tập đoàn đa quốc gia làm ăn ở Việt Nam hàng chục năm nhưng gần như không thu được thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thùy Dung

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/td/281115/dai-bieu-quoc-hoi-lo-doanh-nghiep-khong-tan-dung-duoc-cptpp.html