Đại biểu Quốc hội: Khó chấp nhận câu trả lời của Bộ trưởng Giao thông về tiến độ khai thác dự án Cát Linh – Hà Đông

Trong phiên chất vấn ngày 5/6 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, nhiều Đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự băn khoăn về Dự án Cát Linh – Hà Đông sau 5 lần chậm kế hoạch đưa vào vận hành.

Muốn vận hành thương mại phải chờ tư vấn chứng minh được an toàn hệ thống

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Quách Thế Tản (Hòa Bình) về việc dự án Cát Linh – Hà Đông bao giờ thì đưa vào sử dụng và khai thác thương mại, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết rất mong muốn đưa dự án đi vào vận hành thương mại.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể.

"Đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên liên quan đến vấn đề sinh mệnh của hành khách, chính vì vậy để vận hành thương mại thì tư vấn phải chứng minh được an toàn hệ thống. Muốn vậy thì phải được nghiệm thu và cung cấp thông tin liên quan" – ông Thể nói.

Liên quan đến dự án này, "Tư lệnh" ngành Giao thông cũng thông tin thêm, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo đào tạo 800 người vận hành, đảm bảo thuần thục thì mới vận hành thương mại, hiện đang vận hành thử không tải.

"Với trách nhiệm của mình, Bộ Giao thông sẽ cố gắng phối hợp với UBND thành phố Hà Nội và cơ quan chức năng kết thúc việc nghiệm thu và chứng nhận an toàn hệ thống. Về vấn đề thời gian, Bộ Giao thông đã yêu cầu tổng thầu thay đổi người quản lý và làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc và các cơ quan chức năng để phía bạn cung cấp đầy đủ thông tin, quy trình vận hành để làm sao dự án đảm bảo an toàn tuyệt đối" – Bộ trưởng Giao thông cho biết.

"Nếu chúng tôi làm không hết trách nhiệm, Chính phủ, các cơ quan chức năng liên quan sẽ xử lý nghiêm minh theo pháp luật", ông Thể nói.

Tại sao phải phụ thuộc tổng thầu Trung Quốc?

Không đồng tình với phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cho rằng, nếu như trả lời của Bộ trưởng thì dự án chưa biết sẽ đi vào khai thác từ khi nào vì còn phụ thuộc tổng thầu, điều này là khó chấp nhận.

Dẫn báo cáo của Bộ Giao thông vận tải cho thấy hiện dự án đang hoàn thành các giai đoạn còn lại trong năm 2019, nhưng có nguy cơ kéo dài do tổng thầu chậm triển khai các công việc theo cam kết.

"Tại sao ta phải phụ thuộc tổng thầu và cách xử lý hiệu quả về vấn đề này là gì? Báo cáo đã xác định trách nhiệm tuy nhiên dự án đã tồn tại nhiều năm, vậy đã xác định trách nhiệm hay chưa? Đã xử lý hay chưa?" – Đại biểu Trần Văn Minh đặt câu hỏi.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Giao thông vận tải cho hay, sở dĩ Tổng thầu chưa tuân thủ các cam kết bởi vì hàng tuần, Bộ đã thường xuyên làm việc với nhà đầu tư để thúc đẩy nhà thầu. Tuy nhiên, tiến độ của tổng thầu quá chậm, đến giai đoạn hiện nay thì tổng thầu phải cung cấp các thông tin kỹ thuật liên quan đến các thiết bị cung cấp để đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Những hồ sơ tài liệu này thì tổng thầu phải cung cấp cho tư vấn để đánh giá an toàn hệ thống. Về việc này thì trách nhiệm chính là do tổng thầu. Tuy nhiên, việc chậm tiến độ dự án này theo Bộ Giao thông đánh giá do 3 nguyên nhân chính.

"Đầu tiên đó là do việc giải phóng mặt bằng kéo dài. Hai là Hiệp định bổ sung 250 triệu USD thì đầu năm 2018 mới được bổ sung. Thứ 3 là liên quan đến cung cấp thiết bị và chứng nhận" – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Thế Công

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/dai-bieu-quoc-hoi-kho-chap-nhan-cau-tra-loi-cua-bo-truong-giao-thong-ve-tien-do-khai-thac-du-an-cat-linh-ha-dong-20190605151142718.htm