Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh: Đầu tư thiết bị phòng cháy chữa cháy cần đồng bộ, hiện đại!

Sáng nay (13/11), Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018. Đại biểu Nguyễn Văn Sơn - Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đã tham gia nhiều ý kiến sát thực và sâu sắc.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn - Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh phát biểu thảo luận

Trước hết, đại biểu đánh giá cao và đồng tình với báo cáo kết quả giám sát. Đại biểu khẳng định thời gian qua, công tác PCCC đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng; các lực lượng PCCC được tăng cường cả lực lượng chuyên nghiệp và lực lượng toàn dân; trang thiết bị thiết đã được đầu tư.

Qua đó, công tác PCCC đã đạt nhiều kết quả tích cực, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, hạn chế được số vụ cháy và thiệt hại do cháy nổ gây ra, góp phần phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC còn một số hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, đại biểu chỉ ra một số nguyên nhân, bất cập sau:

Một là cấp ủy chính quyền các cấp vẫn gần như giao toàn bộ nhiệm vụ PCCC cho lực lượng chuyên nghiệp công an, kiểm lâm hệ thống tổ chức PCCC chưa thực sự quan tâm vào cuộc đồng bộ. Một số địa phương lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở, PCCC chuyên ngành chưa được huấn luyện thường xuyên, chưa phát huy tốt vai trò nòng cốt tại cơ sở để tuyên truyền vận động người dân nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành các quy định pháp luật về PCCC.

Hai là trang bị cơ sở, vật chất, phương tiện PCCC chưa đáp ứng yêu cầu và quy chuẩn. Đại biểu dẫn chứng tại Hà Tĩnh: Có nhiều nhà cao tầng từ 16 đến 36 tầng nhưng thang chữa cháy cao nhất chỉ đến 7 tầng; nhiều cảng biển với lượng tàu hàng lớn, trong đó các tàu dầu nguy cơ cháy nổ cao nhưng chưa có phương tiện chữa cháy trên sông, trên biển; các khu công nghiệp số họng nước cứu hỏa tỷ lệ rất hạn chế.

Đặc biệt, vừa qua, địa phương cháy rừng nghiêm trọng nhưng khi huy động thì trang bị chữa cháy còn thô sơ, còn thiếu về số lượng, kém về cả chất lượng.

Theo đại biểu lực lượng công an PCCC, lực lượng kiểm lâm trực 24/24 nhưng điều kiện trang thiết bị không được đầy đủ, hiện đại, thiếu đồng bộ, chuyên nghiệp hiệu quả PCCC sẽ bất cập và hậu quả rất lớn.

Ba là trong điều kiện ngân sách khó khăn, bố trí kinh phí hoạt động còn hạn hẹp không đáp ứng được yêu cầu của thực tế. Chế độ đối với người được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy, phục vụ chữa cháy, cũng như các cán bộ, đội viên đội dân phòng, đội PCCC cơ sở, chuyên ngành tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ chưa được quan tâm đúng mức. Thiếu chính sách động viên, thu hút, khích lệ các lực lượng tham gia PCCC tâm huyết, trách nhiệm cao trong PCCC.

Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh bày tỏ quan điểm thống nhất cao với các nhóm kiến nghị, đề xuất đã nêu trong báo cáo. Để công tác PCCC phát huy hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại gây ra đại biểu đề nghị Quốc hội chỉ đạo Chính phủ quan tâm thực hiện thêm một số nội dung, giải pháp.

Đề nghị quy định và triển khai thống nhất, đảm bảo chế độ chính sách đối với lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn, lực lượng kiểm lâm, nhất là các bộ phận thường trực sẵn sàng 24/24.

Có chính sách đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và trang bị phương tiện cho lực lượng PCCC đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời cần cung cấp cho lực lượng Dân quân tự vệ, dự bị động viên phương tiện phòng chữa cháy.

Đề nghị Chính phủ ban hành nghị định giao cho các bộ, ban, ngành liên quan xây dựng quy chế phối hợp giữa các đơn vị, Công an, Kiểm lâm, Quân đội về công tác tuyên truyền phòng chống cháy rừng nhất là chủ rừng, người dân sống gần rừng và các lực lượng tại địa phương phối hợp chặt chẽ khi diễn ra sự cố cháy rừng để đảm bảo phân công cụ thể, rõ ràng nhiệm vụ lúc tham gia phòng chống cháy rừng, tạo tính chủ động trong tình huống cháy rừng xảy ra đột xuất.

Ngoài ra, theo đại biểu cần nghiên cứu cơ chế, chính sách thực hiện xã hội hóa trong công tác PCCC, chủ động kết nối, vận động người dân và các lực lượng tổ chức đoàn thể tham gia, khuyến khích người dân hỗ trợ, hậu cần cho lực lượng PCCC.

Cuối cùng, để giảm thiểu sự phiền hà cho các đơn vị, doanh nghiệp trong công tác thanh tra, kiểm tra về PCCC, đại biểu cho rằng cần rà soát, sửa đổi chồng chéo giữa các văn bản.

Cụ thể: Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ nêu không thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp một năm quá một lần, trong khi đó Nghị định 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 quy định kiểm tra an toàn về PCCC được tiến hành thường xuyên, định kỳ và đột xuất, Chỉ thị 32/CT-TTg ngày 05/12/2018 lại yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát...

Phạm Nghĩa - Nhung Trần

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/chinh-tri/dai-bieu-quoc-hoi-ha-tinh-dau-tu-thiet-bi-phong-chay-chua-chay-can-dong-bo-hien-dai/182217.htm