Đại biểu Quốc hội: Dự án hàng nghìn tỷ 'đắp chiếu' thì tiền đi đâu?

Đại biểu Quốc hội: “Dự án hàng nghìn tỷ khi đầu tư thì đúng quy trình nhưng nguyên nhân “đắp chiếu” lại giải thích rất đơn giản. Tài sản thu hồi kém thì hàng ngàn tỷ đi đâu, ai nhận nó..."

Đại biểu Quốc nhấn mạnh vấn đề minh bạch trong kê khai tài sản khi thảo luận tại Hội trường về báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2016.

Chính phủ đã nhìn thẳng vào sự thật

Theo đại biểu Nguyễn Tiến Sinh – Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Hòa Bình, dư luận vui mừng và phấn khởi khi thông tin đầu tháng 10 vừa qua, Ban Chỉ đạo Trung ương chỉ đạo hết năm 2016 và quý I/2017 chỉ đạo đưa 6 vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng ra xét xử, thể hiện quyết tâm cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh – Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Hòa Bình

Dẫn báo cáo cho thấy tình hình tham nhũng còn diễn biến phức tạp, diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh bày tỏ, công tác, nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tham nhũng là vô cùng khó khăn nhưng không sớm đẩy lùi thì thực sự là nguy cơ vì “lòng dân không yên”, làm kiệt quệ tài nguyên quốc gia, làm tha hóa cán bộ.

“Dự án hàng nghìn tỷ khi đầu tư thì đúng quy trình nhưng nguyên nhân “đắp chiếu” lại giải thích rất đơn giản. Tài sản thu hồi kém thì hàng ngàn tỷ đi đâu, ai nhận nó... vẫn chờ câu trả lời. Không biết tiền đi đâu thì làm sao thu được, làm sao diệt tham nhũng tận gốc?” – ông Nguyễn Tiến Sinh đặt vấn đề.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Hòa Bình đánh giá cao việc Chính phủ nhìn nhận nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bởi điều đó cho thấy quyết tâm Chính phủ nhìn thẳng vào sự thật để có giải pháp.

Nhằm khắc phục tình trạng trên, ông Sinh nhấn mạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực hiện pháp luật nghiêm minh. “Cán bộ công chức có tài sản phải chứng minh sự trong sạch của tài sản, không thể giải thích cô em, bà chị cho là được; không coi đó là quyền bí mật cá nhân đời tư” – vị đại biểu này kiến nghị và cho biết nhiều nước đều quy định công chức, viên chức dù đang công tác hay về hưu phải giải thích được nguồn gốc của tài sản, nếu không giải thích được thì coi đó là tài sản bất minh.

Vị đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cũng nhấn mạnh cải cách thủ tục hành chính, chú trọng công tác quản lý cán bộ, ngân sách, đầu tư công, tài sản công... bởi đây là "mảnh đất màu mỡ" nảy sinh tham nhũng cao.

Về phát huy vai trò của nhân dân, ông Sinh khẳng định, cuộc chiến không thể thành công nếu không có sự tham gia của nhân dân, không huy động được sức mạnh từ nhân dân.

“Nguyên nhân được chỉ ra là vai trò giám sát của nhân dân chưa mạnh mẽ. Tuy nhiên, chúng ta thực sự có cơ chế để nhân dân tham gia giám sát chưa?” – ông Sinh đặt vấn đề và cho rằng phải có cơ chế bảo vệ người đấu tranh phòng chống tham nhũng.

“Ta hay đồng đội tham nhũng cũng phải xử lý cứng rắn”

Bày tỏ cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ và thống nhất với báo cáo thẩm tra, đại biểu Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, năm 2016, công tác phòng chống tham nhũng đạt nhiều kết quả, nhất là cải cách thủ tục hành chính, thông tin công khai minh bạch hơn, một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước được phát hiện và xử lý.

“Cử tri và nhân dân đánh giá cao quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ ngành trong việc tập trung PCTN trong thời gian vừa qua” – đại biểu Mai Sỹ Diến nói.

Tuy nhiên, vị đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cũng nhấn mạnh rằng, cử tri và nhân dân bức xúc trước tình trạng tham nhũng. Theo ông, vì cứ vụ án sau mức độ tham nhũng lớn hơn, thủ đoạn tinh vi hơn, tính tổ chức, nhiều người tham gia vi phạm nhiều hơn.

“Quyết tâm chính trị đã có, nhân dân đồng tình ủng hộ, bộ máy cán bộ đầy đủ nhưng khâu PCTN có cái gì đó chưa ổn, nhất là khâu tổ chức thực hiện” – đại biểu Diến bày tỏ và dẫn chứng việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức và chưa hiệu quả, tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu yếu; thu hồi tài sản tham nhũng đạt tỷ lệ thấp...

Đề cập nguyên nhân, ông Mai Sỹ Diến cho rằng người tham nhũng là cán bộ có chức có quyền, hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, tính nghiêm minh trong xử lý chưa cao; cán bộ, đảng viên, nhân dân còn thiếu niềm tin vào công tác ở một số cơ quan chức năng của địa phương.

“Tại kỳ họp này, cử tri gửi tới tâm tư là đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, có những giải pháp quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn” – ông Mai Sỹ Diến cho biết và nhấn mạnh “tham nhũng chính từ ta, từ đồng chí, đồng đội của ta nhưng một khi ta hay đồng đội tham nhũng thì pháp luật và tổ chức phải xử lý cứng rắn”.

Vị đại biểu này cũng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo hành lang pháp lý công khai, kiểm soát quyền lực, loại bỏ cơ chế xin – cho, nhất là ở lĩnh vực quản lý tài sản nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, tài nguyên, khoáng sản, công tác tổ chức cán bộ... để khắc phục, ngăn chặn tham nhũng trong quá trình thực thi công vụ, thực hiện quyền lực do Đảng, Nhà nước giao cho tổ chức, cán bộ phụ trách./.

Ngọc Thành/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/chinh-tri/phong-chong-tham-nhung-can-bo-phai-chung-minh-tai-san-trong-sach-564360.vov