Đại biểu Quốc hội đề xuất 5 giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế sau dịch Covid-19

Cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) đề xuất 5 giải pháp phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội sau đại dịch Covid-19.

Chiều 8-6, thảo luận ở tổ về kinh tế - xã hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đánh giá đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn toàn diện, tác động tiêu cực tới hầu hết các quốc gia trên thế giới.

"Tuy nhiên, qua đó cũng thấy được sự tin tưởng của nhân dân với Đảng, Nhà nước, tuân theo sự điều hành hết sức kịp thời, đúng đắn và sáng tạo của Chính phủ, góp phần vào thành quả chung mà Việt Nam đạt được tới thời điểm này", ông Trí nhấn mạnh.

Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ của Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, chiều 8-6

Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ của Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, chiều 8-6

Cũng ở đại dịch, chúng ta nhìn thấy sự đóng góp to lớn của lực lượng công an, quân đội, đặc biệt là cán bộ, nhân viên y tế; nhìn thấy tinh thần tương thân tương ái của nhân dân và sức mạnh của Việt Nam.

Cùng tham gia thảo luận tại tổ Hà Nội, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, dịch Covid-19 tạo ra những hậu quả nặng nề cho ngành y tế như ảnh hưởng tới việc chăm sóc sức khỏe người bệnh khi có tới 30-50% số người bệnh không đến bệnh viện mà tự khám chữa bệnh tại nhà; nguồn thu bệnh viện bị ảnh hưởng, tác động trực tiếp tới đời sống đại đa số cán bộ nhân viên.

Từ phân tích trên, ông Tuấn đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho các đơn vị y tế để đảm bảo thu nhập, động viên tinh thần cho các cán bộ, nhân viên y tế thời gian tới; đồng thời kiểm soát tốt hơn trong mua sắm các trang thiết bị, vật tư y tế thiết yếu; thay đổi cơ chế bảo hiểm để có thể thực hiện khám chữa bệnh từ xa, khám chữa bệnh tại nhà hoặc tại các khu cách ly…

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình đề xuất 5 giải pháp

Cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Quốc Bình đề xuất 5 giải pháp phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội sau đại dịch Covid-19.

Thứ nhất, cần có chính sách mạnh mẽ để phát triển vùng nguyên liệu trong nước để đảm bảo hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam, tránh phụ thuộc nguyên liệu nước ngoài. Đây vừa là yêu cầu vừa là cơ hội để kinh tế Việt Nam phát triển hài hòa, ổn định và tự cường.

Thứ hai, đẩy mạnh hình thành và phát triển công nghiệp chế biến để duy trì ổn định sản xuất nông nghiệp, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu, đảm bảo hàng hóa nông nghiệp sản xuất ra có kế hoạch ổn định, vững chắc.

Thứ ba, chuyển sang từ kinh tế truyền thống sang kinh tế tuần hoàn hay còn gọi nền kinh tế không rác thải. Đây đang là xu hướng của thế giới trong thời đại 4.0 mà Việt Nam cần sớm bắt nhịp.

Thứ tư, phát triển kinh tế số với chính sách xã hội hóa, còn nếu chỉ tập trung vào một số doanh nghiệp lớn sẽ bế tắc, không phát huy được lực lượng lao động xã hội của doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thứ năm, phát triển kinh tế du lịch và các dịch vụ khác...

Băng Tâm

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/dai-bieu-quoc-hoi-de-xuat-5-giai-phap-phuc-hoi-phat-trien-kinh-te-sau-dich-covid19/856591.antd