Đại biểu Quốc hội đề nghị xử lý nghiêm đối tượng tiếp tay hành vi giả mạo thương binh

'Trục lợi chính sách, khai man làm giả hồ sơ thương binh đã và đang diễn ra, nó không chỉ vi phạm pháp luật mà làm ảnh hưởng đến tâm tư người có công, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính thiêng liêng, ý nghĩa cao cả của việc đền ơn đáp nghĩa đối với những người có công' - ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Cạn) xúc động phát biểu tại hội trường Quốc hội sáng 27.10.

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Cạn).

ĐB Nguyễn Thị Thủy đưa ra thông tin, tháng 8.2018, dư luận bức xúc khi phát hiện ra gần 600 hồ sơ thương binh tại Nghệ An không đúng pháp luật và phải đình chỉ chế độ. Trước đó đã phát hiện tình trạng này còn xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, đến tháng 4. 2017, kết quả thanh tra tại 5 Quân khu và 29 địa phương đã phát hiện tới 1.800 hồ sơ giả mạo.

ĐB Thủy phản ánh, qua phản ánh của cử tri, việc làm giả hồ sơ thương binh diễn ra rất công khai, hình thành nhiều đối tượng cò mồi, không khó để liên lạc với những đối tượng này. "Những người có nhu cầu tìm đến các đối tượng cò mồi, điền vào hồ sơ, đưa cho chúng một khoản tiền, số tiền tùy thuộc vào từng loại thương binh và từng loại hồ sơ được làm giả. Thậm chí các đối tượng cò mồi còn có giá tiền cụ thể cho từng loại thương tật" - ĐB Thủy nói.

Các hành vi giả mạo được ĐB chỉ rõ như có những đối tượng chưa một ngày trong quân ngũ nhưng vẫn nghiễm nhiên trở thành thương binh; có những trường hợp vết thương do lao động, do tai nạn giao thông nhưng cũng đi giám định để hưởng chế độ thương binh; Có những trường hợp chiến đấu ở chiến trường phía bắc nhưng lại làm giả hồ sơ làm giả hưởng chính sách chất độc da cam.

Trong khi đó, thực tế còn rất nhiều người có công nhưng vì những nguyên nhân khách quan, do không còn hồ sơ gốc và người làm chứng nên chưa được công nhận.

ĐB Nguyễn Thị Thủy đặt câu hỏi: Bản thân các đối tượng giả mạo có thể tự làm hay không? Tại sao quy trình xét duyệt thương binh rất chặt chẽ, phải qua nhiều khâu và nhiều cơ quan có thẩm quyền xác nhận nhưng vẫn có tới hàng trăm hồ sơ giả mạo, trót lọt. Vậy, có hay không sự câu kết với cán bộ chính quyền? Nếu có thì ai tiếp tay cho các đối tượng này?.

Theo ĐB, từ một số vụ xét xử vi phạm hồ sơ giả mạo cho thấy, một số vụ đã có sự bắt tay chặt chẽ giữa cán bộ chính sách với các đối tượng bên ngoài, trong đó có những hành vi câu kết rất nghiêm trọng như kết nối với các đối tượng bên ngoài hình thành các đường dây làm giả hồ sơ thương binh. Tự ý điền tên của các đối tượng bên ngoài vào danh sách thương, bệnh binh để hưởng lợi chế độ đi giám định thương tật, hoặc nâng tỉ lệ giám định thương tật nhiều lần so thực tế.

ĐB Thủy cho rằng, dù số cán bộ vi phạm không nhiều nhưng đây là vấn đề rất đáng phải suy nghĩ bởi chúng ta đang làm việc hết sức thiêng liêng là đền đáp công ơn của các thế hệ đi trước đã hy sinh vì tổ quốc. Xử lý nghiêm các đối tượng này là yêu cầu cấp thiết của cử tri.

Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, trong 5 năm, từ 2013 đến nay, tổng số vụ vi phạm do Bộ phát hiện trên phạm vi cả nước là 67%. Ngoài lý do địa phương nêu là các đối tượng có hành vi tinh vi thì cử tri đặt câu hỏi: Có hay không tâm lý sợ ảnh hưởng đến địa phương đơn vị nên không làm đến cùng sự việc. Chính việc này đã tạo điều kiện cho các đối tượng tiếp tục vi phạm, trục lợi chính sách.

Một số chậm trễ trong xử lý giải quyết đơn thư tố cáo, đã gây ra những khó khăn không nhỏ đối với những người dũng cảm đứng ra tố cáo. Có người bị đe dọa, ảnh hưởng tính mạng, cô độc.

Về vấn đề này, theo ĐB Thủy, để phát hiện thương binh giả không quá khó nếu biết dựa vào người dân. Cần đổi mới cách làm sao khuyến khích người dân tham gia và cần xử lý nghiêm các đối tượng tiếp tay, vi phạm.

Hùng - Trung - Nguyên

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-xu-ly-nghiem-doi-tuong-tiep-tay-hanh-vi-gia-mao-thuong-binh-638313.ldo