Đại biểu Quốc hội đề nghị tổng rà soát quỹ đất trong toàn quốc

Hiện mới có 11/45 tỉnh cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 13/45 tỉnh cơ bản hoàn thành việc phê duyệt phương án sử dụng đất, có tới 65,9% công ty chưa lập được phương án sử dụng đất hoặc chưa được UBND tỉnh phê duyệt phương án sử dụng đất phần giữ lại.

Tiếp tục chương trình thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước, nhiều đại biểu đã cho ý kiến về công tác quản lý đất đai.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng, đất đai là công thổ quốc gia, là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Theo báo cáo, hiện nay trên cả nước tổng diện tích đất được giao sử dụng là hơn 9 triệu ha, trong đó 745 tổ chức quản lý hơn 8 triệu ha, bao gồm 116 Ban quản lý rừng đặc dụng, 228 Ban quản lý rừng, 401 Công ty nông lâm nghiệp, quản lý 2,2 triệu ha và hơn 1 triệu ha do các hộ gia đình, cá nhân của UBND xã.

Triển khai Nghị quyết số 28, Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 112 của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc giải quyết những tồn tại, vướng mắc, sắp xếp đổi mới hoạt động của các doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.

Tuy nhiên, qua giám sát của Hội đồng Dân tộc cho thấy, công tác quản lý chưa giải quyết được đồng bộ và triệt để diện tích đất đai, hiện mới thực hiện rà soát, đo đạc cắm mốc thiết lập hồ sơ quản lý phần đất giữ lại của 252 Công ty nông lâm nghiệp với diện tích 2.018 nghìn ha, đạt 22% tổng diện tích.

Hiện mới có 11/45 tỉnh cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 13/45 tỉnh cơ bản hoàn thành việc phê duyệt phương án sử dụng đất, có tới 65,9% công ty chưa lập được phương án sử dụng đất hoặc chưa được UBND tỉnh phê duyệt phương án sử dụng đất phần giữ lại.

Theo đại biểu, việc quản lý, sử dụng quỹ đất giữ lại của các công ty nông, lâm nghiệp chưa thực sự hiệu quả, một số công ty nông lâm nghiệp giữ lại diện tích quá lớn, hàng chục nghìn hecta mà nguồn nhân lực lại rất mỏng.

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng đề nghị tổng rà soát quỹ đất trong toàn quốc (ảnh QH)

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng đề nghị tổng rà soát quỹ đất trong toàn quốc (ảnh QH)

Việc tiếp nhận và xây dựng phương án sử dụng đất bàn giao về địa phương còn chậm, thời gian kéo dài và lúng túng trong biện pháp xử lý, hiện mới có 524 ngàn ha được xây dựng phương án sử dụng đất đạt 51,3%. Bên cạnh đó, tình trạng tranh chấp, khiếu kiện đòi lại đất và vi phạm pháp luật về đất đai, bảo vệ rừng chưa được giải quyết triệt để. Nhiều vụ việc còn kéo dài và chưa có biện pháp xử lý.

“Chính sách tài chính là điểm mấu chốt làm cho các công ty nông lâm nghiệp buông lỏng quản lý đất đai, cố tình giữ lại đất đai mặc dù nguồn lực lao động hiện tại hạn chế. Để đất đai bị xâm lấn, cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết trái pháp luật, giao khoán, thoát canh và thu tô”, đại biểu nói.

“Có thể nói công tác quản lý đất đai còn lỏng lẻo, nhiều vi phạm kéo dài nhiều nhiệm kỳ” là phát biểu của đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam).

Theo đại biểu này, từ các vụ vi phạm quản lý đất đai ở nhiều địa phương khác cho thấy tình trạng các cứ, vô nguyên tắc, buông lỏng quản lý và chuộc lợi. Chính những yếu kém trong quản lý đất đai khiến tình hình khiếu kiện về đất đai ngày càng tăng.

Theo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các khiếu kiện liên quan đến đất đai chiếm 70% các khiếu kiện trong lĩnh vực hành chính, nhiều cuộc khiếu kiện đông người, kéo dài xuất phát từ việc quy hoạch treo, quy hoạch không đúng hiện trạng thực tế.

Một số cơ quan đơn vị, địa phương được giao đất nhưng không quản lý thực địa, không sử dụng, người dân lấn chiếm để sản xuất, làm nhà ở trong nhiều năm, đến khi thu hồi phát sinh căng thẳng phức tạp.

“Để khắc phục tình trạng trên, tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổng rà soát quỹ đất trong toàn quốc, qua đó điều chỉnh kịp thời, hợp lý các loại đất, khắc phục tình trạng quy hoạch vượt quá nhu cầu, giữ đất bỏ hoang hoặc phục vụ sai mục đích, quy hoạch không đúng hiện trạng không đúng thực tế, đo vẽ trên bản đồ không đúng thực tế; không quản lý thực địa dẫn đến lấn chiếm, khắc phục sai sót trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, đại biểu nói.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-tong-ra-soat-quy-dat-trong-toan-quoc-125654.html