Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách

Thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, việc sáp nhập Văn phòng Hội đồng nhân dân, Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng UBND cần phải tính toán lại.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa

Theo đại biểu, chỉ nên sáp nhập Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội với văn phòng Hội đồng nhân dân với nhau. Văn phòng UBND phải riêng. Chúng ta không nên cào bằng, bình quân chủ nghĩa. Đặc biệt đối với các đoàn đại biểu Quốc hội ở các thành phố có dân số đông thì lượng đơn từ nhiều.

Ngoài các cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp, các đại biểu còn tiếp xúc cử tri trực tiếp. Vì thế, các đoàn đại biểu của các đô thị lớn phải có văn phòng riêng. Việc này phải xuất phát từ lợi ích cử tri.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, thời hiệu dự án Luật dự định có hiệu lực là đến năm 2021. Vì vậy, một số việc nên chờ tổng kết đánh giá thí điểm xong. “Tôi cho rằng, dự án Luật nên để năm 2020 xem xét thông qua và có hiệu lực với khóa mới” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề xuất, đồng thời cho rằng: Tỷ lệ đại biểu Quốc hội trong các cơ quan hành pháp hiện nay đang quá nhiều. Đó là việc không cần thiết. Một đại biểu thực hiện 2 vai, vừa lập pháp, vừa hành pháp là rất khó; do đó nên tính toán lại.

Đại biểu đề nghị số lượng đại biểu chuyên trách phải tăng lên. Công chức, các Bộ trưởng về hưu nếu đưa vào hoạt động ở Quốc hội sẽ rất tốt. Họ có kinh nghiệm, am hiểu về tổ chức bộ máy, chuyên môn và có thời gian. Nên giảm đại biểu Quốc hội là công chức, đặc biệt từ các cơ quan hành pháp đương chức nên giảm.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, cần tính toán tỷ lệ đại biểu chuyên trách như thế nào cho hợp lý. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, số lượng đại biểu chuyên trách không thấp hơn 35%, vì vậy có thể tăng cao hơn.

Từ thực tiễn hoạt động Quốc hội, đại biểu nhận thấy đa phần đại biểu Quốc hội chuyên trách hoạt động hiệu quả vì đại biểu có toàn thời gian, nghiên cứu, được bồi dưỡng.

Đại biểu không chuyên trách khi phát biểu đều phải cân nhắc xem có ảnh hưởng chỗ này, chỗ kia hay không. Đó là chưa kể công việc chuyên môn của họ rất nhiều thì lấy đâu thời gian để đeo bám vấn đề mà cử tri quan tâm.

Theo đại biểu, một số luật xây dựng vừa qua có sai sót về kỹ thuật lập pháp, phải sửa liên tục, một phần cũng là thiếu đại biểu chuyên trách để đánh giá, thẩm tra kỹ. Đại biểu đề nghị tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên 37- 40%.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-tang-ty-le-dai-bieu-chuyen-trach-4043601-v.html