Đại biểu Quốc hội đề nghị mở rộng đối tượng kê khai tài sản

Theo các đại biểu Quốc hội, cần mở rộng việc kê khai tài sản đối với tới tất cả các cán bộ công chức, viên chức. Bởi vì, nhiều cán bộ, công chức dù không có chức vụ nhưng vẫn có thể nhũng nhiễu, tham nhũng vặt… gây bức xúc cho người dân, dư luận.

Ngăn ngừa tham nhũng vặt

Chiều 9/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, việc kê khai tài sản và xử lý đối với những người có chức vụ thì rất rõ. Tuy nhiên, có những người là chuyên viên, không có chức vụ nhưng vẫn có khả năng nhũng nhiễu, tham nhũng vặt, gây bức xúc xã hội, bất an cho nhân dân. Do vậy, cần có quy định để ngăn ngừa cán bộ công chức ở vị trí việc làm nhạy cảm có khả năng gây nhũng nhiễu. Các đối tượng này cũng phải bị kê khai tài sản và sẽ bị xử lý nếu có sai phạm. Ví dụ quy định kê khai tài sản đối với cán bộ công an, kiểm sát viên, tòa án… để không còn tình trạng lợi dụng vị trí nhũng nhiễu, hạch sách để làm lợi bất chính cho bản thân.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cũng cho rằng, tất cả cán bộ công chức nhà nước phải thực hiện kê khai tài sản, hình thành ý thức công khai minh bạch về tài sản. Chúng ta đừng nghĩ có chức, có quyền mới thực hiện hành vi tham nhũng. Tham nhũng vặt có thể phát sinh khi cán bộ công chức tiếp xúc người dân hàng ngày.

"Ngoài ra, việc kê khai tài sản sẽ giúp kiểm soát tài sản phát sinh tăng, giảm hay đột xuất. Đây là biện pháp tốt để hạn chế và ngăn ngừa tham nhũng", đại biểu Tạ Văn Hạ nhấn mạnh.

Chiều 9/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Ảnh: H.V

Còn theo đại biểu Hồ Thị Vân (Quảng Ngãi), về đối tượng xác định kê khai tài sản, thu nhập không chỉ căn cứ vào chức vụ mà còn xem xét vào lĩnh vực, vị trí việc làm có khả năng phát sinh tham nhũng hay không. Do đó, không cần phụ thuộc vào quy định phụ cấp chức vụ từ 0,2 trở lên mới yêu cầu kê khai tài sản. Vì không ai dám đảm bảo chỉ có người ở chức vụ cao tham nhũng còn người chức vụ thấp thì không.

Kiểm soát việc tẩu tán tài sản ra nước ngoài

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh), trong thời gian qua, các vụ án tham nhũng lớn có sự câu kết thành nhóm lợi ích và đưa tài sản ra nước ngoài. Do đó, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) phải kiểm soát và ngăn ngừa được việc tẩu tán tài sản ra nước ngoài.

"Ở các nước, ví dụ như ở Pháp, quan chức đi du lịch nước ngoài mua áo lông 6.000 – 7.000 USD bị phát hiện ngay. Tuy nhiên, ở nước ta có tình trạng cán bộ công chức mua nhà ở nước ngoài, không loại trừ có khả năng là tài sản đó phát sinh từ việc tham nhũng", ông Trương Trọng Nghĩa nên ví dụ.

Theo ông Nghĩa, cử tri rất bức xúc về việc bất minh kê khai và xác minh tài sản. Nếu không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì phải có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, trong thời gian qua, có người vi phạm sẵn sàng ở tù để bảo đảm tài sản.

Đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TP Hồ Chí Minh) đặt vấn đề, ngay cả cán bộ thôi việc, nghỉ hưu cũng cần có chế tài xử lý nếu gây thất thoát tài sản công. Cần công khai quá trình thanh kiểm tra tài sản với cán bộ công chức... Quy định cụ thể về phòng chống tham nhũng sẽ giúp loại khỏi bộ máy Nhà nước các cán bộ thoái hóa, biến chất.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần giáo dục về luật phòng chống tham nhũng cho nhiều tầng lớp trong xã hội. Theo đại biểu Lâm Đình Thắng (TP Hồ Chí Minh), hàng năm có hàng ngàn sinh viên khởi nghiệp nhưng ít được đào tạo về đạo đức kinh doanh, không có chương trình học nhắc nhở sinh viên về hành vi hối lộ. Còn ở Singapore, học sinh trung học phổ thông đã được tìm hiểu về phòng chống tham nhũng. Do vậy, sinh viên ngành luật, hành chính và nội vụ phải được giáo dục về phòng chống tham nhũng. Có các chương trình về đạo đức kinh doanh và phòng chống tham nhũng cho sinh viên khởi nghiệp.

Cũng trong chiều 9/11, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) tại Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp, gây tâm lý bức xúc và hoài nghi trong xã hội về quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.

H.V/Báo Tin Tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-mo-rong-doi-tuong-ke-khai-tai-san-20171109163108954.htm