Đại biểu Quốc hội đau lòng khi lãng phí cả nghìn tỉ đồng in SGK

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cho biết ông rất đau lòng khi tiền in SGK đang gây lãng phí cả nghìn tỷ đồng, trong khi đồng bào miền núi vẫn sống trong nghèo đói, khó khăn. Làm thế nào để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo cũng là điều mà nhiều đại biểu băn khoăn trao đổi khi nói về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.

Vấn đề về giảm nghèo được khá nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên thảo luận tổ sáng 24/10 về phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Ông Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội, GĐ Bệnh viện Tim Hà Nội) cho rằng cần phải quan tâm hơn đến đời sống bà con vùng sâu vùng xa.

Theo ông, những năm qua, trong chính sách của Đảng và Nhà nước đều rất quan tâm đến bà con vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, báo cáo của Ủy ban Dân tộc cho thấy, hiện đời sống bà con đang gặp rất nhiều khó khăn. Mấu chốt là nhìn nhận vấn đề một cách khoa học, thấu đáo để phân bổ nguồn lực đầu tư một cách hợp lý.

“Tôi cảm thấy đau lòng khi tiền in sách giáo khoa theo các đại biểu nêu ra mỗi năm lãng phí cả nghìn tỷ đồng, trong khi vẫn còn khoảng 24% đồng bào miền núi thuộc diện nghèo. Bên cạnh đó, báo cáo nêu có đến 93% dân số miền núi được phủ bảo hiểm y tế, thuộc diện cao nhất nước nhưng thụ hưởng bảo hiểm y tế lại kém nhất nước. Và có đến 8% trẻ em dưới 14 tuổi bị mù chữ” – đại biểu Quang Tuấn nêu thực trạng.

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (bên trái)

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (bên trái)

Cũng về vấn đề giảm nghèo, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cảnh báo Chính phủ cần đưa ra chính sách một cách hợp lý, thực chất, tránh để người dân bị “ảo tưởng”.

“Cần sớm khắc phục tình trạng ra chính sách, thiếu nguồn lực hiện nay. Chính sách nhiều nhưng tiền ít, gây ảo tưởng trong đồng bào dân tộc thiểu số. Họ tin thì tin rất khủng khiếp, nhưng đã không tin thì rất khó khăn đi giải thích lại” – ông Nhưỡng cho hay.

Việc biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng gia tăng, theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng là yếu tố khiến cuộc sống của người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trở nên khó khăn hơn. Một trận lũ quét, một vụ lở đất có thể cuốn đi thành quả mà người dân tích cóp trong bao nhiêu năm. Do đó, các cấp chính quyền cần hết sức chú ý đến công tác này.

Còn theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình), con số giảm nghèo, thoát nghèo trong thời gian qua là rất ấn tượng, nhưng bản thân bà rất băn khoăn với tình trạng tái nghèo, thoát nghèo không bền vững. Các chính sách giảm nghèo còn chưa phù hợp, chồng chéo, kết quả đạt được chưa tương xứng với tiền bỏ ra của ngân sách.

Trẻ em vùng cao huyện Mộc Châu, Sơn La. Ảnh minh họa: D.H

Theo bà Hải, trong 3 năm qua, Nhà nước đã đầu tư cho các chính sách giảm nghèo, chương trình mục tiêu quốc gia là gần 81.690 tỷ đồng. Tương đương cho con số thoát nghèo mà Chính phủ đưa ra là 609.595 hộ thoát nghèo. Như vậy, chia trung bình một cách cơ học, để một hộ thoát nghèo thì Chính phủ phải bỏ ra 134,03 triệu đồng.

“Con số là chia trung bình cơ học, ngoài ra nó có thể đầu tư vào cơ sở hạ tầng… Nhưng nó phản ánh việc đầu tư cho giảm nghèo là được quan tâm, nhưng kết quả còn là vấn đề” – đại biểu Thanh Hải chia sẻ.

Điều khiến nữ đại biểu cảm thấy ám ảnh và chia sẻ trong sự nghẹn ngào tại buổi thảo luận tổ, chính là hình ảnh trẻ em vùng đồng bào thiểu số, vùng dân tộc còn rất khó khăn. Đó là những lớp học tuềnh toàng, những bữa ăn xoàng xĩnh. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng.

“Bây giờ, trẻ em nhà giàu nổi lên phong trào “RichKids” khoe của trên mạng. Cuộc sống trẻ em trên cùng một đất nước đang ngày càng chênh lệch đến mức xót xa. Nhìn cảnh trẻ em ăn cơm bốc tay, thiếu ăn thiếu mặc, ngủ đất, đi học đường xá xa xôi tôi rất buồn, xúc động, thương cách em. Tôi đề nghị Chính phủ quan tâm đến việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo”- bà Hải xúc động nói.

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/dai-bieu-quoc-hoi-dau-long-khi-lang-phi-ca-nghin-ti-dong-in-sgk-post50276.html