Đại biểu Quốc hội: Cứ 10 doanh nghiệp lập mới thì 5 doanh nghiệp lại 'chết'

Phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế, xã hội chiều 30/4, ĐB Hoàng Văn Hùng (đoàn Thái Nguyên) đề cập đến tình trạng số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản còn lớn. Bình quân cứ 10 doanh nghiệp lập mới thì 5 đơn vị lại giải thể, phá sản.

Nguồn lực đầu tư công tồn dư trên 93 nghìn tỷ đồng

Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐB Hoàng Văn Hùng đề cập đến tình trạng số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản còn lớn. Báo cáo Chính phủ cho thấy, năm 2018 khoảng 90.000 doanh nghiệp dừng hoạt động, trong đó 63.000 chờ giải thể, phá sản. Như vậy, bình quân cứ 10 doanh nghiệp lập mới thì 5 đơn vị lại giải thể, phá sản.

Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính hay cắt bỏ điều kiện kinh doanh được đưa ra nhưng con số doanh nghiệp đóng cửa thực tế lại cho thấy sản xuất, kinh doanh gặp nhiều thách thức. Ông đề nghị, Chính phủ cần đánh giá toàn diện, xác định đúng nội dung doanh nghiệp cần, chứ không phải cắt giảm điều kiện kinh doanh một cách cơ học.

 ĐB Hoàng Văn Hùng (đoàn Thái Nguyên).

ĐB Hoàng Văn Hùng (đoàn Thái Nguyên).

ĐB Hoàng Văn Hùng nhấn mạnh: "Nếu không cải cách thực chất thì khó đạt mục tiêu một triệu doanh nghiệp vào năm 2020".

Nhận định về thu ngân sách năm 2018, ĐB Hoàng Văn Hùng nói: Tuy nhà nước thu vượt kế hoạch khoảng 8% nhưng nền kinh tế ở 3 khu vực quan trọng là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI đều không đạt dự toán. Đây là thách thức cho việc duy trì ổn định nguồn thu, cần được đánh giá cụ thể và đề ra giải pháp.

Ngoài ra, về chi ngân sách cho đầu tư phát triển, mặc dù chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt giải ngân các khoản vốn, đầu tư công nhưng tiến độ giải ngân đầu tư công vẫn còn rất chậm, tỷ lệ giải ngân vốn trong nước đạt 73,8%, vốn trái phiếu chính phủ chỉ đạt 48,1%, vốn nước ngoài đạt 53,6% dẫn đến nguồn lực đầu tư công tồn dư lớn, trên 93 nghìn tỷ đồng. Điều đó cho thấy hiệu quả sử dụng vốn thấp trong khi chúng ta đang rất cần vốn để đầu tư các dự án nhưng khi vốn về lại không được đưa vào sử dụng, gây áp lực cho việc phát triển kinh tế của các năm sau.

Chính vì vậy ĐB đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá và đề ra những giải pháp hỗ trợ kinh doanh ở ba khu vực kinh tế quan trọng, tạo động lực phát triển bứt phá, ổn định nguồn thu cho năm 2019 và các năm sau, đồng thời có giải pháp khắc phục vấn đề chậm giải ngân.

Nội dung xây dựng Chính phủ điện tử rất mờ nhạt, chung chung

ĐB Hà Thị Lan (đoàn Bắc Giang) cho rằng kết quả của năm qua chưa tương xứng với yêu cầu, đòi hỏi mà Việt Nam đặt ra. Hệ thống nền tảng kết nối liên thông tích hợp, chia sẻ dữ liệu, triển khai còn chậm. Các nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu điện tử tại các bộ, ngành địa phương chưa hoàn thành. Các cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp, tài chính chưa được hoàn thiện. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành không đồng bộ và thiếu sự tương thích.

Ngoài ra, tình trạng người người chỉ đạo, ngành ngành làm dự án đầu tư công nghệ thông tin làm các cơ sở dữ liệu khác nhau mà chưa có sự thống nhất. Ngay trong báo cáo kinh tế xã hội mà Chính phủ trình kỳ này thì nội dung xây dựng Chính phủ điện tử lại đề cập rất mờ nhạt và chung chung.

ĐB Hà Thị Lan đưa ra 3 giải pháp. Thứ nhất, cần có sự điều chỉnh cách tiếp cận trong việc xây dựng Chính phủ điện tử từ chỉ quan tâm yếu tố kỹ thuật sang quan tâm kết hợp cả yếu tố văn hóa.

Thứ hai, cần có sự chỉ đạo thống nhất trong việc thực hiện các dự án đầu tư công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu.

Cuối cùng là yếu tố con người. Bà Lan khẳng định ý thức trách nhiệm, quyết tâm chính trị và trình độ sử dụng đóng vai trò quan trọng.

Hồ Hạ

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/dai-bieu-quoc-hoi-cu-10-doanh-nghiep-lap-moi-thi-5-doanh-nghiep-lai-chet-344412.html