Đại biểu Quốc hội: Cổ phần hóa thiếu công khai, minh bạch còn lợi ích nhóm

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) - Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá, đề cập những hạn chế trong cổ phần hóa DNNN: Phê duyệt đề án chậm, chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, tỉ lệ chi phối của nhà nước còn cao, đặc biệt là tập đoàn, tổng công ty, thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước chưa đạt hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông). Ảnh Quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông). Ảnh Quochoi.vn

“Số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa chậm dần đều qua các năm. Ví dụ, 64 doanh nghiệp phải cổ phần hóa trong năm 2018 thì chỉ có 12 doanh nghiệp hoàn thành (đạt 17%), 35 đơn vị chuyển sang năm 2019, 12 doanh nghiệp chuyển sang 2020 và 6 đơn vị không rõ thời gian hoàn thành.

Nguyên nhân là “nhiều doanh nghiệp phải cổ phần hóa có quy mô lớn, nhiều tài sản lớn nên xác định giá trị doanh nghiệp khó khăn, các quy định chưa xử lý triệt để xác định giá trị doanh nghiệp nên thời gian xây dựng phương án kéo dài, nhiều cấp ngành chưa chủ động, còn tình trạng lợi ích nhóm, tham nhũng, xác định và xử lý trách nhiệm khi có sai phạm chưa kịp thời”", ông Giang nói.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang nêu ví dụ cổ phần hóa thiếu công khai, minh bạch và còn lợi ích nhóm, điển hình như vụ cổ phần hóa cảng Quy Nhơn, không đúng đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng phê duyệt. Trong chuyển nhượng vốn Bộ GTVT ban hành hai văn bản trái phép, khiến Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi hai văn bản nay.

Ở trường hợp này, ông Giang cho rằng, Bộ GTVT chưa làm đúng chức năng, nhiệm vụ để xảy ra nhiều sai phạm trong quá trình bán vốn. Theo kết luận thanh tra, quá trình chuyển nhượng vốn Bộ đã ban hành 2 văn bản trái quy định, bán vốn hơn 75% cảng Quy Nhơn cho Công ty Hợp Thành. Thanh tra Chính phủ sau đó đã yêu cầu thu hồi 2 văn bản trái luật này và yêu cầu Vinalines phải thanh toán các khoản tiền cho cổ đông để thu hồi lại tỷ lệ hơn 75% vốn đã bán. "Đây là sự vi phạm của cơ quan quản lý Nhà nước", ông Giang nói và đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, khẩn trương xác định giá trị doanh nghiệp và xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm.

Hay việc cổ phần hóa Công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) có nhiều ý kiến khác nhau của các cơ qua nhà nước. Do đó sau khi quá trình cổ phần hóa thoái vốn nhà nước rất khó trong quá trình thu hồi các khoản nợ đối với ngân sách nhà nước ....

Ví dụ thứ 3 là về cổ phần hóa công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng rất thành công. Tuy nhiên sau cổ phần hóa, sự tranh chấp của các nhóm cổ đông, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của DN, ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư khi tham gia cổ phần hóa DN nhà nước.

Theo đó, ông Giang đề nghị sớm đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp theo kế hoạch đề ra, thực hiện công khai minh bạch, có hình thức xử lý nghiêm minh tổ chức, cá nhân cố tình trì hoãn không thực hiện cổ phần hóa, xác định giá trị doanh nghiệp.

Nguyên Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/co-phan-hoa-thieu-cong-khai-minh-bach-con-loi-ich-nhom-344378.html