Đại biểu Quốc hội: 'Có nơi con em lãnh đạo ngồi hết nửa bếp ăn'

Phó trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn dẫn ví dụ có đơn vị con em lãnh đạo ngồi hết nửa bếp ăn để nói về tình trạng bổ nhiệm người thân dù thiếu tiêu chuẩn.

Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp ngày 4/9, một vấn đề nóng được đặt ra là tình trạng bổ nhiệm lãnh đạo thiếu tiêu chuẩn. Theo Ủy viên Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà, nhóm nghiên cứu của Ủy ban thống kê vừa qua các ngành, địa phương đã tiến hành 1.459 cuộc thanh tra, kiểm tra.

Qua đó, có 131 trường hợp bị thu hồi quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại; 176 trường hợp thu hồi, hủy bỏ quyết định tuyển dụng, tiếp nhận; 121 trường hợp bị thu hồi, hủy bỏ quyết định nâng ngạch, chức danh nghề nghiệp; 15 trường hợp bị kỷ luật từ khiển trách đến buộc thôi việc…

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà. Ảnh: Hoàng Hải.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà. Ảnh: Hoàng Hải.

Đồng tình với nhận định này, Phó trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn cũng cho rằng có tình trạng cán bộ không đủ tiêu chuẩn vẫn được đưa vào bộ máy, thậm chí có người “còn non”, chưa đạt yêu cầu nhưng được "ấn" vào để làm, cuối cùng, chính họ bị thui chột.

"Ở doanh nghiệp Nhà nước, dân người ta than phiền lắm. Con em của người lao động khó lòng vào nhưng ở đâu đó tồn tại những chi nhánh, đơn vị, tổ chức ở các địa phương, ngồi ăn mà hơn một nửa bếp ăn là con em gia đình một vài vị lãnh đạo của đơn vị", ông Sơn nói.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Ủy ban Tư pháp) nêu thực tế ngoài việc bổ nhiệm cán bộ quản lý thiếu điều kiện tiêu chuẩn, có địa phương bổ nhiệm cán bộ đủ tiêu chuẩn nhưng người dân vẫn bức xúc.

"Có những tỉnh gần như cả họ làm quan nên dù người được bổ nhiệm có đủ tiêu chuẩn, nhân dân vẫn bức xúc", bà Hoa nêu và đề nghị đánh giá kỹ vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn. Ảnh: Hoàng Hải.

Quan tâm đến vấn đề kê khai tài sản, thu nhập, theo đại biểu Nguyễn Bá Sơn, đây là câu chuyện nói nhiều nhất trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, do "chỉ dừng lại ở kê khai và kê khai không để làm gì" nên đối tượng phải kê khai "không dại gì liệt kê đầy đủ".

Cho biết có câu chuyện dân hỏi "ông ấy lắm nhà, lắm đất thì chúng ta có thẩm tra, xác minh không, ông Sơn nói đây là vấn đề cần đặt ra.

"Tại sao những trường hợp như thế, hoặc trường hợp thuộc phạm vi cất nhắc, bổ nhiệm chúng ta không thực hiện xác minh? Nếu đảm bảo được dữ liệu kê khai tài sản thì khi có ý kiến chúng ta chỉ cần truy cập vào hệ thống và so sánh có hay không sự chênh lệch giữa thực tiễn và kê khai là ra, không cần mất nhiều ngày đi xác minh", ông Sơn góp ý.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhắc lại 2 phương án xử lý tài sản không làm rõ được nguồn gốc trong Luật Phòng, chống tham nhũng là đánh thuế hoặc đưa ra tòa.

“Gần một năm tôi vật vã với quy định này và xu hướng của Ủy ban Tư pháp là kiên quyết đưa ra tòa, nhưng cuối cùng xin ý kiến đại biểu Quốc hội thì cả 2 phương án đều không quá bán, nội dung này không được đưa vào luật", bà Nga nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho hay trong suốt cuộc đời làm công tác thẩm tra PCTN thì "băn khoăn lớn nhất là không đạt được việc xử lý tài sản tăng thêm không giải trình được". Hiện vẫn có biện pháp xử lý nhưng ở mức độ nhẹ hơn.

Hoài Thu

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/dai-bieu-quoc-hoi-co-noi-con-em-lanh-dao-ngoi-het-nua-bep-an-post986504.html