Đại biểu Quốc hội chia sẻ quan điểm về việc tách Luật Giao thông

Về việc Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì sẽ được tách ra từ luật Giao thông đường bộ do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, nhiều Đại biểu cho rằng 'không nên.'

Đại biểu Đỗ Văn Sinh. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Đại biểu Đỗ Văn Sinh. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Sáng nay (ngày 11/11), Quốc hội thảo luận tại tổ về 2 dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ; trong đó, luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì được tách ra từ luật Giao thông đường bộ do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì.

Nhiều đại biểu cho rằng việc này là “không nên.”

Không nên tách luật

Về cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn của việc tách thành 2 luật, nhiều đại biểu tỏ ra băn khoăn. Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế, cho rằng việc tách thành 2 luật là “không ổn.”

Theo đại biểu Sinh, giao thông đường bộ cần 4 thành tố quan trọng là kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông, con người tham gia giao thông và các quy tắc ứng xử. Khi kết hợp 4 thành tố đó mới trở thành giao thông đường bộ. Như vậy luật giao thông đường bộ trở thành luật kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thì đúng hơn. Còn bảo đảm an toàn giao thông đường bộ chỉ là mục tiêu để tham gia giao thông đường bộ.

Đại biểu Sinh phân tích, hiện có 5 lĩnh vực giao thông gồm giao thông thủy nội địa, hàng hải, hàng không, đường sắt và giao thông bộ, giờ Chính phủ đề nghị tách Luật Giao thông đường bộ thì sau có tách 4 luật kia không; hay với cách lập luận này, chúng ta có tách Luật Khám chữa bệnh thành 2 không, vì luật này cũng bao gồm cơ sở vật chất và con người?

“Rõ ràng câu chuyện đang liên kết với nhau tự nhiên chúng ta lại xẻ ra, trong khi chúng ta đang cần liên kết, liên thông, đảm bảo tính đồng bộ, logic. Vì vậy quan điểm của tôi là không đồng tình,” đại biểu Sinh nhấn mạnh.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Cùng quan điểm với đại biểu Đỗ Văn Sinh, đại biểu Mai Thị Phương Hoa, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp, cũng không đồng tình với giải trình của cơ quan soạn thảo rằng vì tai nạn giao thông đường bộ rất nhiều, chiếm 95% tổng số vụ nên cần phải có Luật Bảo đảm an toàn giao thông đường bộ.

“Khi cá nhân tham gia lĩnh vực nào sẽ chịu điều chỉnh của lĩnh vực đó. Nguyên nhân nào thì phải giải pháp đó. Nguyên nhân là con người phải tìm giải pháp là con người, như nâng cao ý thức, nhận thức. Ở đây nguyên nhân là con người tại sao lại tìm giải pháp là tách riêng luật, rồi sau đó chuyển đổi cơ quan quản lý nhà nước về một số vấn đề?” đại biểu Hoa nói.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Đại biểu Hoàng Đức Thắng, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị bày tỏ rất băn khoăn về việc tách luật vì cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn “đang có vấn đề.” Bởi trong Chỉ thị 18, Kết luận 45 của Ban Bí thư mà Bộ Công an dẫn ra như cơ sở chính trị để xây dựng Luật Bảo đảm trật tự giao thông đường bộ chỉ yêu cầu "tiến hành rà soát, sửa đổi bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật về trật tự an toàn giao thông phù hợp với tình hình mới" chứ không yêu cầu xây dựng luật riêng.

“Xã hội làm được gì thì giao cho xã hội”

Ngoài ra, các đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về việc chuyển đổi đào tạo, sát hạch lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an, quy định tại Luật Bảo đảm an toàn giao thông đường bộ.

Quan điểm của một số đại biểu là thời điểm này xã hội làm được gì thì giao cho xã hội, không nên cái gì cũng qphải chuyển cơ quan quản lý nhà nước.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh chia sẻ: “Thời gian qua tôi thấy việc này đã làm tốt. Có hiện tượng cấp giấy chứng nhận giả phải chuyển sang công an để tốt hơn thì có đúng không?”

“Hiện nay, Bộ Công an đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe thì bằng lái máy bay, tàu hỏa, tàu thủy có giao bộ này không? Đó là chưa kể, việc chuyển đổi này sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy vì hiện nay, chúng ta đang xã hội hóa hàng trăm cơ sở đào tạo, hàng ngàn người đang là công chức, viên chức của ngành giao thông thực hiện nhiệm vụ này. Bây giờ chuyển việc này sang công an thì có tăng biên chế không? Hàng nghìn người bên ngành giao thông đi đâu? Đó là những hệ lụy mà chúng ta không đánh giá tổng kết thì rất khó thuyết phục,” ông Sinh tiếp lời.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa cũng băn khoăn vấn đề trên vì cho rằng việc dân sự nên để cơ quan dân sự làm, các lực lượng quốc phòng, an ninh tập trung làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, đề nghị phải kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến đại biểu Quốc hội xem có nên tách luật không rồi mới làm tiếp./.

Xuân Mai (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/dai-bieu-quoc-hoi-chia-se-quan-diem-ve-viec-tach-luat-giao-thong/676317.vnp