Đại biểu Quốc hội chỉ ra 3 hình thức thu sai của nhà trường

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, ranh giới giữa xã hội hóa cho đầu tư và lạm thu rất mỏng manh.

Ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học kinh tế Quốc dân

Ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học kinh tế Quốc dân

Trước tình trạng lợi dụng hội cha mẹ phụ huynh học sinh, áp đặt cào bằng để thu tiền đầu năm mua sắm cơ sở vật chất tại các trường học, ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế Quốc dân chia sẻ: “Tôi làm trong ngành giáo dục và tôi tin tất cả những người làm trong lĩnh vực giáo dục không ai muốn phải trực tiếp đi thu tiền, huy động đóng góp tiền của cha mẹ học sinh.

Họ chỉ mong toàn tâm toàn ý lo chuyên môn chứ không phải lo về vật chất, tuy nhiên do đầu tư ngân sách hạn hẹp nên chúng ta có chủ trương xã hội hóa trong việc huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư. Nhưng ranh giới xã hội hóa cho đầu tư và lạm thu rất mỏng manh nên nếu không cẩn thận, chúng ta có thể bị lạm dụng hoặc làm 1 việc xã hội hóa nhưng lại thành lạm thu khiến xã hội lên án”.

Theo ông Cường, việc thu sai tại các cơ sở giáo dục thường dưới 3 hình thức: Một là đúng nghĩa lạm thu, tức là thu những khoản thu không được phép thu, không có trong quy định dù có thể mục đích là tốt. “Chẳng hạn khi một lớp học không có điều hòa, nhà trường đứng ra cùng phụ huynh phân bổ cho mỗi học sinh phải đóng 1 khoản tiền nhất định để lắp điều hòa, thì đó là thu sai. Nếu thu sai như thế, xử lý hành chính, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm hành chính với vi phạm quy định của ngành, đồng thời phải trả lại tiền cho phụ huynh học sinh”, ông Cường dẫn giải.

Trường hợp thu sai khác khi khoản thu đó có thể đúng theo quy định nhưng việc sử dụng tiền lại không đúng theo quy định về mặt công khai minh bạch. Trầm trọng hơn là hình thức dùng tiền thu được vào mục đích tư lợi cá nhân.

Không thể phủ nhận xã hội hóa đóng góp rất lớn cho cải thiện chất lượng giáo dục, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng tình trạng chưa có cơ chế kiểm soát, gắn trách nhiệm của thủ trưởng cơ sở giáo dục trong việc vận động, tiếp nhận và quản lý sử dụng nguồn tài trợ, dẫn đến một số đơn vị còn tình trạng lạm dụng hoạt động tài trợ để thu tiền của phụ huynh dưới dạng áp đặt, cào bằng, không công khai minh bạch gây bức xúc.

Trước những bất cập trên, mới đây, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT thay thế Thông tư số 29/2018/TT-BGDĐT. Theo đó, Thông tư quy định rõ quy trình vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ theo từng hình thức tài trợ, trong đó đơn vị phải xây dựng kế hoạch vận động tài trợ trình sở GD&ĐT, hoặc phòng GD&ĐT phê duyệt trước khi thực hiện. Nếu phát hiện kế hoạch tài trợ không đúng quy định thì phải yêu cầu dừng ngay việc vận động tài trợ.

Cũng theo thông tư mới, ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ đóng vai trò phối hợp, giám sát; không trực tiếp đứng ra tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ cho cơ sở giáo dục, đồng thời các khoản tài trợ phải được phản ánh trên sổ sách kế toán của đơn vị. Ông Cường cho rằng, quy định này sẽ chấm dứt tình trạng ban đại diện cha mẹ học sinh tự đặt ra các khoản thu áp đặt, cào bằng gây bức xúc dư luận như trong thời gian vừa qua.

Hoàng Ngân

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/dai-bieu-quoc-hoi-chi-ra-3-hinh-thuc-thu-sai-cua-nha-truong-d272616.html