Đại biểu Quốc hội: Cần chỉ rõ bao nhiêu dự án bị thu hồi để cảnh báo, răn đe

Hôm nay (29/10), Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019 - 2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017; đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020.

Theo Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình), báo cáo của Chính phủ nêu khả năng cân đối ngân sách bố trí hàng năm gặp không ít khó khăn, việc lựa chọn dự án phù hợp để đưa vào đầu tư còn nhiều bất cập, các bộ ngành địa phương còn lúng túng trong triển khai thực hiện, chưa có giải pháp cụ thể để lựa chọn dự án tối ưu , giải quyết tình trạng mất cân đối đáp ứng nguồn vốn…

Đại biểu Phương cho rằng, báo cáo chưa nêu được cụ thể đầu tư công thời gian qua có bao nhiêu dự án có hiệu quả, bao nhiêu dự án thua lỗ, cần được xem xét, điều tra, khởi tố… Chỉ khi làm rõ vấn đề này mới có thể xác định được trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, xử nghiêm sai phạm, ngăn chặn được tình trạng thất thoát lãng phí vốn trong thời gian qua. Vì vậy, đại biểu Phương đề nghị, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đao, bổ sung vào các báo cáo thanh tra, xử lý các sai phạm thời gian qua, chỉ rõ bao nhiều dự án bị thu hồi, bị phá sản để cảnh báo, răn đe, rút kinh nghiệm. Quốc hội, Chính phủ cần rà soát tổng thể để có giải pháp xử lý từng nguyên nhân hạn chế nêu trong báo cáo. Khi lò đang nóng, việc xử lý nghiêm các vi phạm cần được tiến hành khẩn trương, đúng quy định.

Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan phải nhanh chóng sửa đổi các văn bản pháp luật còn chồng chéo, chưa hợp lý, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tạo nguồn thu cho quốc gia và doanh nghiệp. Các cơ quan, doanh nghiệp có giải pháp khắc phục tình trạng cán bộ yếu kém về năng lực, trình độ".

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) khẳng định, việc đổi mới là cần thiết, đúng đắn và những nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, khi thực tế đầu tư công vẫn còn việc đầu tư dàn trải, nhiều dự án vẫn còn dở dang, thiếu vốn, không ở đâu mỗi tỉnh có một dự án... Đại biểu Mai cho rằng, cần ưu tiên tập trung vốn đầu tư công trung hạn cho các dự án trọng điểm có quy mô lớn, có khả năng lan tỏa vùng, miền, tránh đầu tư dàn trải, cào bằng...

Đại biểu Hoàng Văn Cường ( đoàn Hà Nội)

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, thành công về kinh tế trong 3 năm qua không chỉ là đạt được tốc độ tăng trưởng cao mà đáng mừng hơn, chúng ta thoát khỏi hai nguy cơ (trả nợ công và khủng hoảng đe dọa hệ thống tín dụng) đẩy nền kinh tế rơi vào khủng hoảng. Bài học của chúng ta là thắt chặt và không đầu tư dàn trải. Số dự án đầu tư của chu kỳ này chỉ bằng 50% số dự án chu kỳ trước, tập trung đầu tư các dự án đang hoàn thành để đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, đại biểu đoàn Hà Nội thẳng thắn chỉ rõ, thực tế, nghịch cảnh đầu tư công vẫn xảy ra, đó là còn tình trạng đầu tư dàn trải hoặc dự án cần tiền thì không được giải ngân còn dự án không cần đầu tư thì lại được giải ngân. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công 3 năm qua có xu hướng chậm dần đều.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường có hai vấn đề cần khắc phục sớm. Thứ nhất, chúng ta chưa có tiêu chí lựa chọn dự án đưa vào kế hoạch đầu tư và phân bổ cho đầu tư chưa rõ ràng, mới chỉ dừng ở nguyên tắc xác định lĩnh vực ưu tiên. Do vậy, Chính phủ cần sớm chỉ đạo xây dựng và công bố công khai bộ tiêu chí xếp, đánh giá thứ tự ưu tiên lựa chọn các dự án đầu tư đưa vào danh mục đầu tư công và phân bổ vốn đầu tư.

Nguyên nhân thứ hai làm tiến độ giải vốn đầu tư công chậm là do các quy định về quy trình, thủ tục triển khai một dự án đầu tư công rất phức tạp. Các khâu chuẩn bị triển khai dự án phải xin ban ngành liên quan, lập cơ quan lập, thẩm định, giám sát dự án là các cơ quan độc lập nhưng thực tế, tất cả các cơ quan đó thực chất là một người đứng ra lập, chỉ khác nhau về tên gọi. Đây là lý do nhiều doanh nghiệp hình thành nhưng sau một thời gian không đi vào hoạt động lại giải thể để xóa đi vết tích.

Theo đó, Chính phủ cần đơn giản hóa thủ tục triển khai dự án đầu tư, quy định rõ của người quyết định đầu tư là phải chịu trách nhiệm khi xảy ra thất thoát, lãng phí; công khai hóa hồ sơ dự án để mọi người cùng giám sát.

Anh Đức

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/dai-bieu-quoc-hoi-can-chi-ro-bao-nhieu-du-an-bi-thu-hoi-de-canh-bao-ran-de-d2057454.html