Đại biểu Quốc hội: Cán bộ tỳ vết tham nhũng tốt nhất nên từ chức

Liên quan đến vấn đề phòng chống tham nhũng, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: 'Nếu là cán bộ đã có tỳ vết về tham nhũng, tốt nhất là nên từ chức và đừng bao giờ làm việc trong Nhà nước nữa'.

Theo lịch trình, tuần này Quốc hội sẽ thảo luận nhiều báo cáo quan trọng về công tác khiếu nại, tố cáo (KNTC) và phòng chống tham nhũng.

Theo đó, báo cáo phòng chống tham nhũng và sửa Luật Phòng chống tham nhũng đều được Quốc hội thảo luận vào tuần làm việc thứ ba, từ ngày 6 - 10/11. Một số đại biểu Quốc hội đã có những ý kiến xoay quanh vấn đề này.

Tổ chức thực hiện phòng chống tham nhũng còn nhiều lỗ hổng

Nói về khâu tổ chức thực hiện phòng chống tham nhũng hiện nay, đại biểu Lưu Bình Những cho rằng vẫn còn có nhiều lỗ hổng.

Theo ông, hiện có quy định về khai báo tài sản, có khai báo nhưng lại không xác minh, cũng không làm rõ, đặc biệt là không có kết luận xem việc khai báo có trung thực hay không, tài sản khai báo có đúng hay không.

Thậm chí, giả sử đối tượng khai báo có hai cái nhà nhưng thực ra chỉ có một cái nhà, khai khống như thế để chuẩn bị cho một lộ trình tham nhũng mới, thì cũng không ai đi xác minh được.

Mặt khác, nhiều trường hợp một vụ việc tham nhũng, có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện, các cơ quan chức năng vào cuộc, nhưng chúng ta không đi truy đến tận cùng, không làm hết trách nhiệm mà làm nửa chừng, kiểu đánh rắn giữa khúc, dẫn tới không thu hồi được tài sản tham nhũng.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng.

Như vậy là thiếu cả cơ sở pháp lý lẫn cơ sở thực tiễn trong việc thu hồi tài sản tham nhũng.

Liên quan đến vấn đề kỷ luật cán bộ tham nhũng, đại biểu bày tỏ quan điểm: “Cán bộ đã vướng vào tham nhũng thì trước hết phải xử lý theo quy định pháp luật”.

Còn nếu vẫn tiếp tục sử dụng được cán bộ đó thì nguyên tắc là không được sử dụng, sắp xếp vào các vị trí có khả năng tham nhũng, nguyên tắc này cần phải được ghi một cách rõ ràng vào trong luật.

Theo ông, nếu là cán bộ đã có tỳ vết về tham nhũng, tốt nhất là nên từ chức và đừng bao giờ làm việc trong Nhà nước nữa. Đấy cũng là một lối thoát trong danh dự.

Chứng minh tài sản đó bất minh hay không là vấn đề rất khó

Cũng liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cho biết, chúng ta đã có quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ công chức, cũng có quy định về kê khai, rồi trong trường hợp nào thì tiến hành xác minh. Tuy nhiên, quy định kê khai, xác minh còn hình thức, khó thực hiện.

Với hơn 1 triệu đối tượng phải kê khai, trong khi đó quy định về xác minh thì chỉ tiến hành đối với một số trường hợp mà luật quy định cụ thể. Cơ quan đứng ra xác minh thì chúng ta đang giao cho bộ phận tổ chức cán bộ của mỗi đơn vị thực hiện nhiệm vụ kiểm soát kê khai. Ngoài vấn đề nghiệp vụ thì cơ quan này cũng gặp khó về thẩm quyền xác minh.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường.

Hơn nữa, quy định đối tượng kê khai giới hạn ở vợ/chồng, con chưa thành niên, vậy còn lại đối tượng khác như cha, mẹ, con thành niên thì sao? Điều này dẫn đến tài sản có thể bị chuyển dịch, khó kiểm soát được.

Ví dụ như trường hợp ông Phạm Sỹ Quý (Yên Bái), ông ấy kê khai có nhà, biệt thự như thế, rồi vay của người khác. Nhưng để chứng minh tài sản đó bất minh hay không là vấn đề rất khó vì không kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội.

Theo ông, hiện nay ta chưa có quy định về việc xử lý tài sản bất minh. Nó khác với tài sản tham nhũng là bị thu hồi bằng thi hành án.

Liên quan đến nguồn gốc khối tài sản của ông Quý, đại biểu Cường cho rằng, đây là tài sản không được giải trình được nguồn gốc - cách chúng ta gọi như vậy, hiểu như vậy nhưng nếu xử lý cứng quá lại có thể gây oan sai.

Theo ông, trong trường hợp không giải trình được nguồn gốc tài sản thì người đó có thể bị kỷ luật. Nhưng đây mới là xử lý về mặt chính trị.

Dự thảo luật cũng chưa đưa ra cơ chế xử lý đối với tài sản bất minh. Đây là vấn đề khó vì liên quan đến sở hữu cá nhân. Người ta không giải trình được nhưng mình cũng không có căn cứ để thu hồi.

Thực tế cũng phải nhìn nhận việc hiểu thế nào là giải trình không hợp lý? Theo ông, sẽ có nhiều cách để có thể kiếm tiền một cách chân chính, nhưng không phải cái gì cũng lên bảng thuế để nhà nước kiểm soát. Có thể chính đáng nhưng về sau cũng không có cái gì chứng minh tài sản đó là bất minh hay không.

Minh Tuệ (Tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật Net: http://phapluatnet.vn/tin-trong-nuoc/dai-bieu-quoc-hoi-can-bo-ty-vet-tham-nhung-tot-nhat-nen-tu-chuc