Đại biểu Quốc hội: Cán bộ là đầy tớ của dân, tiếp dân đừng để cho dân sợ

Tiếp dân đừng để dân sợ, cán bộ là đầy tớ của dân, phải làm sao để dân đến cơ quan công quyền khiếu nại, tố cáo gặp lãnh đạo không còn cảm giác xa lạ, sợ sệt - đó là ý kiến phát biểu của ĐB Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) tại phiên thảo luận về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, sáng 14.11.

ĐBQH Nguyễn Bắc Việt - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận.

ĐB Nguyễn Bắc Việt cho hay, thực tế công tác tiếp dân đã có nhiều đổi mới, chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, theo đại biểu, việc người dân, đặc biệt người dân nghèo, trình độ nhận thức không cao, yếu thế khi đi khiếu nại tố cáo rất ngại và rất sợ khi đối diện với cán bộ tiếp dân và cũng rất khó gặp được người đứng đầu có trách nhiệm giải quyết trực tiếp vấn đề.

Từ thực tế đó, đại biểu Việt đề nghị trong các cơ quan có chức năng tiếp dân, cần bố trí nơi tiếp công dân sao cho phù hợp. “Phải làm sao công dân thấy thoải mái, được tôn trọng nhưng không quá xa cách” - đại biểu nói.

Theo đại biểu, từ cách bài trí bàn ghế, nơi ngồi của công dân cũng như người tiếp dân phải thể hiện sự tôn trọng, cầu thị trang trọng nhưng cũng phải gần gũi để người dân đến khiếu nại tố cáo sẵn lòng chia sẻ, tin tưởng cơ quan chức năng.

Đồng quan điểm trên, một số đại biểu cho rằng, có thực tế không ít địa phương “người dân khiếu nại, khiếu kiện chỉ mong gặp chủ tịch huyện một lần rồi thua cũng được”, nhưng không được. Nhiều vị chủ tịch huyện, chủ tịch UBND tỉnh thay vì trực tiếp tiếp công dân, có những chỉ đạo xử lý cụ thể thì lại ủy quyền cho cấp phó, hoặc thanh tra..., do vậy báo cáo cứ vòng vèo, kéo dài.

Liên quan đến công tác tiếp công dân, nhiều đại biểu cho rằng, việc giải thích cho người dân rõ là rất quan trọng. Khi người dân tố cáo, khiếu nại chưa đúng thẩm quyền cũng phải giải thích, hướng dẫn cho họ rõ, kể cả khi công dân tố cáo, khiếu nại với nội dung sai, trái với quy định pháp luật cũng phải giải thích rõ vì đôi khi, chỉ cần có sự giải thích hợp tình hợp lý của người có trách nhiệm sẽ chấm dứt được khiếu nại, tố cáo triền miên, lâu dài.

Một thực tế khác được nhiều đại biểu phát biểu sáng 14.11 đặt ra là tình trạng đơn thư khiếu nại vòng vèo, triền miên. Nhiều địa phương không tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại hoặc giải quyết qua loa, không rõ ràng, minh bạch, không giải thích rõ ràng nên người dân tiếp tục gửi đơn vượt cấp lên trung ương như một sự cầu may.

Sau khi có giấy thông báo đã tiếp nhận đơn và chuyển đơn theo quy định, người tố cáo, khiếu nại lại dùng nó để tiếp tục khiếu kiện khiến tình hình ngày càng phức tạp.

Theo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, công tác tiếp công dân có ý nghĩa rất quan trọng trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; ở những nơi nào người đứng đầu quan tâm, thường xuyên thực hiện tốt công tác tiếp công dân định kỳ, gắn kết công tác tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo, kịp thời tổ chức đối thoại với người dân thì ở đó tình hình khiếu nại, tố cáo cơ bản được giải quyết tốt.

Thực tế vừa qua, tại một số Bộ, ngành, địa phương vẫn còn tình trạng ủy quyền cho cấp phó thực hiện việc tiếp công dân định kỳ, chưa gắn kết việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo, dẫn đến người dân có tâm lý thiếu tin tưởng vào kết quả giải quyết, tiếp tục khiếu nại, tố cáo kéo dài. Đây là vấn đề cần sớm được khắc phục, bảo đảm thực hiện đúng quy định của Luật Tiếp công dân và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Xuân Hùng - Thành Trung

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/dai-bieu-quoc-hoi-can-bo-la-day-to-cua-dan-tiep-dan-dung-de-cho-dan-so-641324.ldo