Đại biểu QH: 'Ta hơi quá lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế'

Bên cạnh những đánh giá về kết quả đạt được của Chính phủ thời gian qua, đại biểu Quốc hội cho rằng ta hơi quá lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế những năm tới.

Ông Vũ Tiến Lộc phát biểu trước Quốc hội ngày 27-10. Ảnh: Quốc Hội

Phát biểu thảo luận tại hội trường về các vấn đề về kinh tế - xã hội tại phiên họp Quốc hội diễn ra vào ngày 27-10, ông Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình nhận xét, Chính phủ đã xây dựng được và triển khai rất kiên định chương trình hành động về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển doanh nghiệp. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Chính phủ đã xây dựng và thực hiện chương trình này cho cả nhiệm kỳ.

“Nhìn tổng thể bức tranh kinh tế của nước ta thì niềm tin và những động lực mới của cải cách đang được khơi dậy. Kinh tế vĩ mô ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm, doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh. Đầu tư trong và ngoài nước được mở rộng, tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất trong gần một thập kỷ qua và trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp thì đó là thực sự là những kỳ tích,” ông Lộc nói.

Quá lạc quan về triển vọng, cần đưa ra mục tiêu kiềm chế lạm phát cứng

Về những vấn đề còn băn khoăn, ông Lộc cho biết: “Qua các báo cáo tôi thấy chúng ta dường như đã hơi quá lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế trong những năm tới. Mặc dù giai đoạn 2016 - 2018 nền kinh tế tăng trưởng khả quan, với tốc độ trung bình ước tính khoảng 6,57%/năm. Nhưng việc đạt được tốc độ tăng trưởng trung bình 6,5% đến 7% cho cả giai đoạn 2016 - 2020 theo tôi vẫn là thách thức rất lớn.”

Ông Lộc cho rằng nền kinh tế của chúng ta hiện nay đang có độ mở rất cao và vì thế rất nhạy cảm đối với các tác động từ bên ngoài. Trong bối cảnh Cục dự trữ Liên bang Mỹ thắt chặt tiền tệ, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và giữa các nền kinh tế lớn có nguy cơ tiếp tục leo thang thì liệu Việt Nam có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trên 10% mỗi năm cho hai năm tới. Liệu các dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài có tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam, trong khi cả xuất khẩu và đầu tư FDI đang là động lực chính của tăng trưởng. Nhiều dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như tăng trưởng kinh tế Mỹ cho giai đoạn 2019 - 2020 đang được điều chỉnh theo hướng giảm đi.

Trong bối cảnh đó, ông Lộc cho rằng các xu hướng về xuất khẩu và đầu tư trong thời gian tới sẽ khó khả quan và thuận lợi trong ba năm tới đối với nền kinh tế của chúng ta. Do vậy, đề nghị việc xác định các mục tiêu khác, như thu, chi ngân sách, nợ công rất cần có sự cẩn trọng và cân nhắc kỹ, không nên dựa vào kế hoạch tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn 6,5%.

Về vấn đề lạm phát, theo ông Lộc, trong khi lạc quan về tăng trưởng, Chính phủ có vẻ dường như thiếu tự tin đối với mục tiêu kiềm chế lạm phát. Trong ba năm qua, đặc biệt là năm 2018 vẫn luôn giữ được lạm phát ở mức dưới 4%, bất chấp những biến động mạnh về giá dầu, giá thực phẩm, về tỷ giá diễn ra đồng thời. Đó là một trong những thành tựu quan trọng bậc nhất, thể hiện bản lĩnh và năng lực điều hành kinh tế của Chính phủ. Lạm phát thấp đã và đang tạo điều kiện cho việc ổn định giá cả, ổn định lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng cao hơn và bền vững hơn. Vậy, tại sao chúng ta lại không tiếp tục kiên định mục tiêu, kiềm chế lạm phát dưới 4%. Ông cho biết không rõ vì sao Chính phủ đặt mục tiêu lạm phát khoảng 4% thay cho dưới 4% trong năm 2019.

“Tới đây Quốc hội sẽ đánh giá việc hoàn thành chỉ tiêu này như thế nào, nếu lạm phát là 4,1%, 4,2% thì có thể chấp nhận được nhưng nếu 4,3%, 4,4% hay 4,5% thì có thể coi là hoàn thành nhiệm vụ được không?! Việc chuyển từ mục tiêu cứng rõ ràng dưới 4% sang một mục tiêu mềm có phần mơ hồ hơn, khoảng 4% là một bước lùi trong hoạch định chính sách và hậu quả sẽ khó lường,” ông Lộc nhấn mạnh.

Vẫn theo ông Lộc, khi Chính phủ không bị ràng buộc bằng một mục tiêu kiềm chế lạm phát cứng thì sự quyết liệt trong việc thực hiện sẽ giảm đi nhiều. Các bộ, ngành sẽ không còn phải cân nhắc nhiều khi đưa ra những đề xuất tăng giá, phá giá, điều chỉnh giá hay đưa ra các sắc thuế mới. Nếu Chính phủ bằng lòng với mục tiêu lạm phát trên 4% thì người dân có quyền đặt câu hỏi liệu trong tương lai mục tiêu lạm phát có được điều chỉnh thành khoảng 5% hay 6%. Liệu các nhà đầu tư có tin rằng ổn định kinh tế vĩ mô sẽ luôn là mục tiêu xuyên suốt và lâu dài của Chính phủ, lãi suất, tỷ giá liệu có té nước theo mưa cùng với sự điều chỉnh mục tiêu lạm phát của Chính phủ.

Ông Lộc tiếp tục: “Khi thay đổi mục tiêu lạm phát từ dưới 4% thành khoảng 4%, Chính phủ dường như đang rút khỏi một cam kết vàng đang được người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong và ngoài nước đồng lòng ủng hộ. Với sự điều chỉnh này Chính phủ sẽ khó bảo đảm thực hiện mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội là đưa lạm phát về dưới 3% vào cuối nhiệm kỳ này.”

Cần cải cách thể chế mới có được một triệu doanh nghiệp vào 2020

Về mục tiêu có được một triệu doanh nghiệp vào năm 2020 trong khi hiện mới chỉ có 600 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động thì theo ông Lộc đây là nhiệm vụ gần như là bất khả thi. Bất khả thi về tốc độ thành lập các doanh nghiệp mới đang giảm dần và trên 5 triệu hộ kinh doanh lại không muốn lớn. Trong khi xét về bản chất kinh tế thì khu vực này đã là doanh nghiệp và đang đóng góp tới 30% GDP. Đây chính là đội dự bị hùng hậu nhất của cộng đồng doanh nghiệp. Điểm nghẽn thể chế ở đây chính là ta chưa có được một chế độ kế toán và chính sách thuế phù hợp cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để bảo đảm rằng các doanh nghiệp này không chỉ không bất lợi so với doanh nghiệp lớn mà còn được đối xử công bằng với các hộ kinh doanh.

Để khai thông điểm nghẽn này, ông Lộc đề nghị Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi Luật Kế toán, Luật Thuế để có thể áp dụng chế độ kế toán và thuế thật đơn giản, dễ áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ như các nước đã làm. Đây là giải pháp có ý nghĩa đột phá, giải pháp này cộng hưởng với cải cách quyết liệt đồng bộ của Chính phủ đặc biệt trong cắt giảm giấy phép con và thủ tục hành chính với phương châm chính sách là tiếp tục cởi trói cho doanh nghiệp theo tinh thần thực thi "trên nóng, dưới nóng, giữa cũng phải nóng" chứ không phải như hiện nay "trên nóng, dưới nóng nhưng giữa còn lạnh".

Làm được như vậy, ông Lộc cho rằng chúng ta sẽ khởi động được một hành trình nâng cấp chính thức hóa khu vực kinh tế tư nhân, chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Với hành trình này mục tiêu có được 1, 2 hay 3 triệu doanh nghiệp sẽ là mục tiêu trong tầm tay.

Năng suất lao động thấp nhưng cải thiện đáng kể

Ông Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM đã đề cập đến vấn đề vì sao năng suất lao động Việt Nam còn thấp và đưa ra giải pháp khắc phục.

Theo ông Nhân, năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 là 4.019 đô la Mỹ trong khi Thái Lan 11.633 đô la. Năng suất lao động của Thái Lan hơn Việt Nam 3 lần. Năng suất của Malaysia gấp chúng ta 5 lần. Năng suất Hàn Quốc 14 lần, Nhật Bản 18 lần và Singapore 25 lần.

Ông Nhân cho biết có ý kiến cho rằng, sau hơn 40 năm đổi mới mà năng suất lao động Việt Nam bằng 1/3 của Thái Lan là quá thấp nhưng có sự tiến bộ rất đáng kể về năng suất lao động so với các nước xung quanh.

Năm 1975 năng suất lao động của Thái Lan gấp chúng ta 5 lần thì đến năm 2008 còn gấp 4 lần và 2017 gấp 3 lần, như vậy khoảng cách được thu hẹp liên tục. Năng suất lao động của Malaysia năm 1975 gấp chúng ta 10 lần, đến 2008 còn gấp 7 lần và 2017 gấp 5 lần. Năng suất lao động ở Nhật Bản năm 1975 gấp chúng ta 50 lần, năm 2008 gấp 30 lần và năm 2017 gấp 18 lần.

Vân Ly

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/280816/dai-bieu-qh-ta-hoi-qua-lac-quan-ve-trien-vong-tang-truong-kinh-te.html